Sức mạnh quốc gia Trung-Nhật-Hàn sẽ thế nào nếu dân số không ngừng giảm?
Dân số giảm ở Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng kinh tế, xã hội mà còn tác động lớn đến sức mạnh quân sự và vị thế của các quốc gia này trong khu vực.
Trong những thập niên tới, Đông Á có lẽ khu vực trải qua sự thay đổi nhân khẩu học mạnh mẽ nhất khi hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực sắp bước vào kỷ nguyên giảm dân số.
Theo dự đoán từ Phòng Dân số thuộc Vụ Kinh tế Xã hội của Liên Hợp Quốc, dân số Trung Quốc và Nhật sẽ giảm lần lượt 8% và 18% trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2050. Dân số Hàn Quốc dự kiến sẽ giảm 12%.
Con người luôn được xem là tài nguyên của một quốc gia và đóng vai trò quan trọng để quốc gia duy trì quyền lực. Các chuyên gia dự đoán rằng dưới tác động của sụt giảm dân số, Hàn Quốc và Nhật trong những thập niên tới sẽ “hướng nội” hơn, trong khi Trung Quốc sẽ phải đối mặt khó khăn hơn để hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”, theo tạp chí Foreign Policy.
Người dân tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) hồi tháng 3. Ảnh: AFP
Dân số Đông Á chạm “điểm uốn”
Trong những thập niên sau Thế chiến hai, dân số Đông Á bùng nổ. Giữa những năm 1950 và 1980, dân số khu vực đã tăng gần 80%. Đến năm 2020, dân số Đông Á tăng gần 2,5 lần so với năm 1950, tăng từ dưới 700 triệu lên gần 1,7 tỉ dân.
Bước nhảy vọt về dân số này vượt xa tổng mức gia tăng dân số Mỹ trong ba thế hệ và là một phần không thể thiếu thúc đẩy sự cất cánh phi thường của kinh tế Đông Á.
Trong bối cảnh dân số đang tăng thì xu hướng giảm sinh xuất hiện. Ở Nhật, vào đầu những năm 1970, mức sinh giảm xuống dưới mức thay thế (2,1 ca sinh/phụ nữ). Vào những năm 1980, diễn biến tương tự cũng xuất hiện ở Hàn Quốc. Trung Quốc - gã khổng lồ chiếm 5/6 tổng dân số Đông Á - cũng chứng kiến xu hướng này vào đầu những năm 1990.
Kể từ đó, dân số khu vực tiếp tục sụt giảm. Tính đến năm 2023, mức sinh ở Nhật thấp hơn 40% so với mức thay thế, Trung Quốc thấp hơn gần 50% - điều này có nghĩa là nếu xu hướng đó tiếp tục, quy mô dân số của thế hệ sau ở Trung Quốc chỉ bằng một nửa so với thế hệ trước đó. Thậm chí, mức sinh ở Hàn Quốc còn giảm đáng kinh ngạc khi thấp hơn 65% so với mức thay thế - mức thấp nhất từ trước đến nay đối với dân số của nước này trong thời bình.
Theo dự đoán của các nhà nhân khẩu học, dân số Đông Á sẽ giảm 2% trong giai đoạn 2020-2035. Từ năm 2035 đến năm 2050, dân số khu vực sẽ giảm thêm 6% và giảm thêm 7% nữa trong mỗi thập niên tiếp theo (nếu mức sinh duy trì như hiện tại).
Đây không phải là lần đầu tiên Đông Á suy giảm dân số, nhưng đợt suy giảm này khác với tất cả những đợt giảm dân số trước đó. Trong quá khứ, sự suy thoái dân số Đông Á (và của mọi khu vực) là hậu quả của chiến tranh, nạn đói, dịch bệnh,... nhưng sự suy giảm hiện tại là “tự nguyện”. Và vì “tự nguyện” nên mới khiến các nhà nhân khẩu học lo ngại.
Theo đó, lịch sử ngành nhân khẩu học chưa từng ghi nhận bất cứ quốc gia nào mà tỉ lệ sinh giảm thấp hơn mức thay thế khoảng 25% và sau đó tăng trở lại.
Tác động đến kinh tế - xã hội và địa chính trị khu vực
Với đà này, đến năm 2050, dân số Đông Á sẽ già hơn và ít hơn hiện tại và điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của khu vực. Trên nguyên tắc, những xã hội ít người hơn và dân số già hơn thường có nền kinh tế nhỏ hơn.
Theo dự đoán, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc vào năm 2050 sẽ giảm hơn 20% so với năm 2020. Nhật sẽ giảm khoảng 30%, và Hàn Quốc sẽ giảm hơn 35%.
Về lý thuyết, Đông Á có thể khắc phục nhược điểm nhân khẩu học này bằng cách tăng năng suất lao động. Nhưng không có cơ chế chính sách dễ dàng nào để các quốc gia này có thể đẩy nhanh hiệu suất của người lao động.
Bên cạnh đó, già hóa và giảm dân số có thể sẽ làm giảm năng suất, giảm tiết kiệm và đầu tư của cá nhân vì người lao động dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn cho việc chăm sóc người cao tuổi. Các chính phủ cũng phải tăng chi tiêu cho phúc lợi xã hội, đặc biệt là lương hưu và chăm sóc sức khỏe dù tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Thậm chí, nhiều người lớn tuổi còn phải đối mặt việc có ít hoặc không có ai chăm sóc.
Chưa dừng lại ở đó, sự sụt giảm về dân số đặt ra những hạn chế đối với quốc gia trong việc duy trì ảnh hưởng. Sức mạnh quân lực cũng sẽ kém hùng hậu hơn các quốc gia đông dân. Và điều này chắc chắn tác động địa chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Quân đội Trung Quốc. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Cụ thể, trong bối cảnh các nước đều muốn gia tăng quy mô quân đội, việc lực lượng quân sự giảm khiến các quốc gia cảm thấy bị đe dọa cũng như bị “thua kém”. Từ năm 1950 đến năm 1990, lực lượng nam giới trong độ tuổi nhập ngũ của Trung Quốc đã tăng từ 30 triệu lên 80 triệu người. Kể từ đó, con số này đã giảm xuống còn khoảng 50 triệu và dự kiến sẽ xuống khoảng 30 triệu người vào năm 2050.
Trong khi đó, Mỹ - quốc gia được cho là đối thủ chính của Trung Quốc - được dự đoán sẽ có nhiều nam giới trong độ tuổi nhập ngũ vào năm 2050 so với giai đoạn 1990. Nếu giai đoạn 1990 Trung Quốc có nguồn binh sĩ lớn gần gấp bảy lần Mỹ, thì đến năm 2050 tỉ lệ này chỉ còn 2,5.
Sự thay đổi này sẽ hạn chế các lựa chọn của Trung Quốc cũng như các nước Đông Á còn lại. Các nước có thể tăng cường nhập ngũ nguồn nam giới có trình độ học vấn cao để thay thế, tuy nhiên việc này sẽ là đánh đổi giữa phát triển quân sự hay duy trì nền kinh tế.
Một thực tế nữa là lực lượng quân đội giảm có thể ảnh hưởng khả năng duy trì liên minh quốc phòng của các quốc gia. Trở lại năm 1990, số lượng nam giới trong độ tuổi nhập ngũ ở Nhật gần bằng với Mỹ, khiến Tokyo trở thành một đồng minh quý giá của Washington ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đến năm 2020, số nam giới Nhật trong độ tuổi nhập ngũ chỉ bằng 1/3 Mỹ và tỉ lệ này được dự đoán chỉ còn 1/5 vào năm 2050.
Tương tự trong trường hợp Hàn Quốc, dù dân số Hàn Quốc ít hơn Nhật, nhưng nguồn tuyển dụng quân sự của nước này thường duy trì ở mức bằng 1/4 Mỹ, giúp Seoul duy trì ảnh hưởng ở bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực. Nhưng đến năm 2050, nguồn tuyển dụng của Hàn Quốc sẽ chỉ bằng chưa đến 10% Mỹ.
Chuyên gia cho rằng suy giảm quy mô quân đội ở Nhật và Hàn Quốc có thể khiến Mỹ giảm viện trợ quân sự cho hai đồng minh châu Á. Nguyên nhân là vì quan chức Mỹ thường xuyên phàn nàn rằng các nước đồng minh chi tiêu quá ít cho quốc phòng.
Theo dữ liệu của chính phủ, số lượng nhà bỏ trống ở quốc gia Đông Á này đã lên tới con số kỷ lục.
Nguồn: [Link nguồn]