Sức mạnh quân sự từng khiến nhiều quốc gia khiếp sợ của Nhật Bản

Giai đoạn đầu Chiến tranh Thế giới thứ 2, quân đội Nhật Bản khiến nhiều đối thủ phải khiếp sợ vì sự tàn bạo cùng tinh thần chiến đấu samurai khét tiếng. Ngay cả trước cường quốc mạnh bậc nhất thế giới là Mỹ, Nhật Bản cũng không ngần ngại đánh một trận sòng phẳng.

Nhật Bản cùng Italia, Đức hình thành phe Trục trong Thế chiến II (ảnh: History)

Nhật Bản cùng Italia, Đức hình thành phe Trục trong Thế chiến II (ảnh: History)

Từ những năm 1870, Nhật Bản đã chú ý đến việc bảo vệ lãnh thổ và xâm chiếm các nước láng giềng. Sức mạnh quân đội luôn được nước này chú trọng và được đầu tư đặc biệt mạnh mẽ từ sau cuộc cải cách của Thiên hoàng Minh Trị. Trong thế Chiến II, lực lượng Nhật Bản tham chiến tuy không đông nhất, nhưng có tinh thần mạnh nhất và tinh nhuệ bậc nhất.

Vào những năm 1920, ngành công nghiệp Nhật bản chiếm tỷ trọng ngày càng lớn (23% tổng GDP), có thể sánh ngang với các cường quốc châu Âu như Anh, Pháp. Tuy nhiên, những gia tộc lớn với nhiều tập đoàn độc quyền ở Nhật Bản như Mitsubishi, Mitsui bắt đầu nhận ra sự thiếu hụt nguyên liệu để phục vụ sản xuất công nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, Nhật Bản chọn giải pháp đi xâm lược các nước láng giềng nhằm 2 mục đích: Thứ nhất, Nhật Bản có thể tạo ra “lãnh thổ vòng ngoài” bằng hệ thống thuộc địa nhằm bảo vệ đảo quốc từ xa. Thứ hai, vơ vét tài nguyên cho ngành công nghiệp đang “đói khát”, theo History.

Trong vòng 10 năm sau đó, Nhật Bản đã xây dựng được lực lượng quân đội hùng mạnh, đặc biệt hiếu chiến và trung thành với Thiên hoàng. Đến năm 1939, với đội quân hùng hậu, Nhật Bản đã đủ “vai vế” để “chung mâm” với các nước phát xít thuộc phe Trục bao gồm Đức, Italia. Giai đoạn đầu của cuộc Thế chiến, Nhật Bản chiếm gần hết khu vực Đông Á, tấn công cả quân đội Mỹ trong trận Trân Châu Cảng. Trước khi đầu hàng phe Đồng minh, Nhật Bản có tới 6 triệu binh sĩ phục vụ ở 3 quân chủng, bao gồm hải quân, lục quân và không quân.

Hosho – Tàu sân bay đầu tiên của Nhật Bản (ảnh: History)

Hosho – Tàu sân bay đầu tiên của Nhật Bản (ảnh: History)

1. Hải quân

Hải quân Nhật Bản được thành lập từ năm 1869 và đến năm 1947 bị giải tán do sức ép từ các nước thuộc phe Đồng minh (Mỹ, Liên Xô, Anh). Với 4 mặt giáp biển, hải quân là lực lượng được Nhật Bản ưu ái đầu tư nhất. Trong Thế chiến II, Nhật Bản sở hữu lực lượng hải quân lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ, Anh theo nhận xét của tờ Telegraph.

Chính sách bành trướng, phát xít hóa bộ máy chiến tranh đòi hỏi Nhật Bản phải kiểm soát và bảo vệ tốt các thuộc địa giàu tài nguyên ở những nơi xa xôi. Hải quân Nhật Bản đảm nhiệm nhiệm vụ này với nhiều tàu chiến cỡ lớn.

Năm 1921, tàu sân bay đầu tiên của Nhật Bản (Hosho) hạ thủy, đánh dấu bước tiến lớn trong công nghệ đóng tàu chiến của nước này. Trong Thế chiến II, Nhật Bản đã sử dụng tổng cộng 30 tàu sân bay. Số tàu này đã góp công lớn khi giúp Nhật gây thiệt hại nặng nề cho hải quân Mỹ trong trận tập kích căn cứ Trân Châu Cảng (thuộc quần đảo Hawai) vào ngày 7.12.1941.

Đạo quân Quan Đông – lực lượng khét tiếng tàn bạo giúp Nhật Bản xâm lược Trung Quốc (ảnh: Telegraph)

Đạo quân Quan Đông – lực lượng khét tiếng tàn bạo giúp Nhật Bản xâm lược Trung Quốc (ảnh: Telegraph)

Ngoài đội tàu sân bay hùng hậu, Nhật Bản còn sở hữu nhiều thiết giáp hạm và tàu khu trục. Năm 1928, Nhật Bản hạ thủy tàu khu trục lớp Fubuki với tháp pháo hoàn toàn kín có khả năng chống máy bay. Hơn 20 chiếc tàu khu trục lớp Fubuki được Nhật Bản nhanh chóng sản xuất sau đó nhằm phục vụ chiến tranh.

Năm 1941, Nhật Bản hạ thủy thiết giáp hạm Yamato, được đánh giá là thiết giáp hạm lớn và mạnh bậc nhất thời bấy giờ. Hải quân Nhật Bản cũng được trang bị loại ngư lôi cỡ 610 mm, pháo nòng 356 mm, đều là loại nhất thế giới trong Thế chiến 2.

Theo Global Security, từ năm 1921 đến 1941, chi tiêu dành cho quân sự của Nhật Bản luôn ở mức trên 30% tổng GDP. Bước vào Thế chiến II, hải quân Nhật Bản sở hữu 10 thiết giáp hạm cỡ lớn, 10 tàu sân bay, 112 tàu khu trục, 65 tàu ngầm và nhiều tàu chiến, tàu tuần tra, tàu hỗ trợ khác.

Trước Thế chiến I, hải quân Nhật là lực lượng nòng cốt giúp nước này chiến thắng trong Chiến tranh Trung – Nhật (1894 - 1895), Chiến tranh Nga – Nhật (1904 - 1905). Sau 2 cuộc chiến, Nhật Bản giành quyền kiểm soát diện tích rộng lớn bao gồm bán đảo Triều Tiên, Mãn Châu, Đài Loan.

Đặc biệt chiến thắng trước Đế quốc Nga mang ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự trưởng thành của hải quân Nhật khi lần đầu tiên thế giới chứng kiến một nước châu Á đánh bại nước lớn châu Âu trong chiến tranh hiện đại.

Bước ra khỏi Thế chiến I, lực lượng hải quân làm nức lòng dân Nhật khi đánh hải quân Đức đại bại ở trận Thanh Đảo (Tsingtao). Sau trận chiến này, Nhật Bản chiếm nhiều thuộc địa của Đức như Sơn Đông (Trung Quốc) quần đảo Mariana, Caroline, Marshall ở Thái Bình Dương và nghiễm nhiên được công nhận là một cường quốc thế giới.

Trận Trân Châu cảng, Mỹ hứng thiệt hại nặng nề bởi không quân Nhật Bản (ảnh: History)

Trận Trân Châu cảng, Mỹ hứng thiệt hại nặng nề bởi không quân Nhật Bản (ảnh: History)

2. Lục quân

Thành lập từ năm 1867 với tiền thân là Lực lượng Cận vệ hoàng gia gồm 6.000 người, đến năm 1941, lục quân Nhật Bản đã phát triển tới 51 sư đoàn kèm nhiều đơn vị pháo binh, thiết giáp lẻ. Tổng quân số phục vụ trong lục quân Nhật Bản khi mới bước vào Thế chiến II là khoảng 1,7 triệu người, phần lớn hoạt động ở Trung Quốc, theo History.

Lục quân Nhật ban đầu được hỗ trợ phát triển từ các cố vấn người Pháp. Tuy nhiên sau thất bại của Pháp trong Chiến tranh Pháp – Phổ (1871), Nhật Bản lựa chọn Đức (bên chiến thắng) là hình mẫu để xây dựng quân đội.

Trong Thế chiến II, lục quân rõ ràng là lực lượng ít được Nhật Bản ưu ái hơn so với hải quân. Lục quân Nhật Bản chỉ được trang bị 4.524 xe tăng, 13.000 khẩu pháo, 29.000 súng máy và 380.000 súng máy, trong khi đó, lượng xe tăng của Đức nhiều gấp 16 lần Nhật. Với số lượng khí tài ít ỏi, lục quân Nhật vẫn hoàn thành kế hoạch xâm lược Trung Quốc cùng một số quốc gia Đông Nam Á mà nước này vạch ra trong giai đoạn đầu cuộc chiến.

Lực lượng nòng cốt của lục quân Nhật phải kể đến đạo quân Quan Đông khét tiếng tàn bạo.

Được thành lập từ năm 1906, đạo quân Quan Đông có nhiệm vụ bảo vệ vùng đất Mãn Châu nằm ở phía Đông Bắc Trung Quốc trước sự nhòm ngó của Nga. Quan Đông là đạo quân tinh nhuệ nhất của lục quân Nhật. Binh sĩ thuộc đạo quân này được tuyển chọn từ những người ưu tú nhất và đặc biệt tôn thờ Thiên hoàng.

Từ năm 1928, Nhật Bản liên tục tăng quân ở Mãn Châu, có thời điểm lên đến 700.000 binh sĩ. Theo History, vài tháng trước khi Thế chiến II kết thúc, quân đội Quan Đông có 713.000 lính, chia làm 31 sư đoàn, 9 lữ đoàn bộ binh, 2 lữ đoàn tăng thiết giáp. Đạo quân này sở hữu 1.155 xe tăng hạng nhẹ, 5.360 khẩu súng và 1.800 máy bay. Tuy nhiên, ngày 9.8.1945, Hồng quân Liên Xô tuyên bố đánh bại 1 triệu quân Quan Đông.

Hải chiến Midway báo hiệu sự thất bại của phát xít Nhật trong Thế chiến II (ảnh: Quora)

Hải chiến Midway báo hiệu sự thất bại của phát xít Nhật trong Thế chiến II (ảnh: Quora)

3. Không quân

Lực lượng không quân Nhật Bản được thành lập chủ yếu chỉ để hỗ trợ hải quân chiến đấu trên biển và oanh kích hạm đội đối phương. Không quân Nhật không tách riêng mà trực thuộc Bộ Hải quân Nhật Bản, do hải quân điều động và chịu trách nhiệm huấn luyện.

Mãi đến năm 1910, quân đội Nhật mới sở hữu chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên được nhập từ châu Âu về. Nhật Bản sau đó nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo máy bay chiến đấu. Năm 1913, nước này có tàu chở thủy phi cơ Wakamiya sản xuất nội địa đầu tiên. Đến năm 1914, những chiếc thủy phi cơMaurice Farman bay ra từ tàu Wakamiya đã khiến tàu chiến của Đức bất ngờ. Năm 1941, quân đội Nhật Bản đưa vào biên chế hơn 3.089 máy bay chiến đấu các loại, Grunge viết.

Trong Thế chiến II, không quân Nhật Bản sở hữu nhiều máy bay trứ danh như tiêm kích Zero, Nakajima Ki-43, máy bay ném bom Mitsubishi G3M, thủy phi cơ Kawanishi H8K… đều được liệt vào hạng tốt nhất thế giới.

Những máy bay chiến đấu do Nhật chế tạo có ưu điểm rất lớn đó là hoạt động tầm xa, tốc độ cao, do đặc thù chiến tranh trên biển, nhưng chúng lại yếu về lớp giáp phòng phủ. Phát hiện nhược điểm này, hải quân Mỹ thường sử dụng chiến thuật số đông với những tiêm kích vỏ dày, hỏa lực mạnh để bắn rụng máy bay Nhật.

Chiến dịch quy mô lớn nhất và thành công nhất của không quân Nhật Bản trong Thế chiến II là trận Trân Châu cảng (chiến dịch Z theo cách gọi của Bộ Tổng tư lệnh Đế quốc Nhật Bản).

Theo trang Britannica, ngày 7.12.1941, ít nhất 353 máy bay xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật Bản đã oanh tạc dữ dội căn cứ hải quân Mỹ ở quần đảo Hawai. Quân Nhật tiêu diệt ít nhất 6 tàu chiến cỡ lớn, 188 máy bay, gây thiệt hại nặng nề đối với căn cứ hải quân Mỹ. Hơn 2.000 lính Mỹ tử trận trong trận chiến này trong khi Nhật Bản chỉ chịu tổn thất nhẹ.

Dân Nhật quỳ khóc khi nghe Thiên Hoàng tuyên bố đầu hàng phe Đồng Minh (ảnh: SCMP)

Dân Nhật quỳ khóc khi nghe Thiên Hoàng tuyên bố đầu hàng phe Đồng Minh (ảnh: SCMP)

Tuy nhiên trong trận Trân Châu Cảng, Nhật đã có chiến thắng không mấy đẹp khi sử dụng đòn đánh lén mà không tuyên chiến.

“Ngày 7.12.1941 sẽ mãi mãi là sự ô nhục”, Tổng thống Mỹ Roosevelt nói về cuộc tấn công của Nhật Bản.

Ngoài trận Trân Châu cảng, không quân Nhật Bản còn được nhắc đến nhiều với chiến thuật tự sát bằng máy bay MXY-7 Oka.

MXY-7 Oka nặng 2,1 tấn, trong đó gần 1,2 tấn là thuốc nổ mạnh, còn lại là khung thân, mũi xuyên giáp và 3 động cơ tên lửa. Các phi công Nhật Bản thường điều khiển MXY-7 Oka lao thẳng vào chiến hạm Mỹ với tinh thần tự sát. Cách tấn công này khiến hải quân Mỹ chịu thiệt hại không nhỏ trong hải chiến với Nhật ở Thái Bình Dương.

Sự tham chiến của Mỹ là một trong những bước ngoặt lớn nhất khiến phát xít Nhật thất bại trong Thế chiến II. Sau trận đại bại trước hạm đội Thái Bình Dương Mỹ ở hải chiến Midway (1942), tinh thần quân đội Nhật xuống rất thấp. Năm 1945, niềm hy vọng cuối cùng của phát xít Nhật là đạo quân Quan Đông cũng bị Hồng quân Liên Xô đập tan. 2 quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki khiến Đế quốc Nhật đầu hàng hoàn toàn.

Ngày 26.7.1945, các nước thắng trận trong Thế chiến II ra Tuyên bố Potsdam, quy định rõ các điều kiện cho sự đầu hàng của Nhật Bản.

“Nhật Bản chấp nhận các điều kiện của Tuyên bố Potsdam. Chúng ta chúng ta vô cùng thương tiếc những người đã hy sinh nhưng đây là lúc cần phải kiềm chế cảm xúc của mình”, Thiên hoàng Hirohito của Nhật Bản thông báo trên đài phát thanh Tokyo ngày 15.8.1945.

____________

Trong Thế chiến II, Nhật Bản đã tấn công Mỹ bằng một loại vũ khí lạ, có thể xuyên qua Thái Bình Dương, gây thương vong ngay trên đất Mỹ mà không cần đến máy bay hay tên lửa. Mời các bạn đón đọc về sự kiện kỳ lạ này trong bài kỳ sau, xuất bản sáng 25.10.2021 trên mục Thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Từ lạc hậu và bị bắt nạt, Nhật Bản trỗi dậy đánh bại Nga, Trung Quốc ra sao?

Sự kiện “Hắc thuyền” đánh dấu cú chuyển mình đáng chú ý nhất trong lịch sử Nhật Bản - từ một nước phong kiến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN