Sức mạnh Hamas ra sao sau 9 tháng xung đột?
Xung đột ở Gaza kéo dài đã hơn 9 tháng tuy nhiên sức mạnh Hamas được đánh giá vẫn rất đáng gờm khi các lãnh đạo cấp cao của nhóm vẫn hiện diện và đang dẫn dắt lực lượng này.
Sau 9 tháng xung đột với Israel, phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas vẫn là bên kiểm soát gần như toàn bộ chính quyền dân sự Dải Gaza. Thực tế này minh chứng cho phạm vi hoạt động và khả năng phục hồi của Hamas, cũng như những hạn chế trong kế hoạch của Israel nhằm loại bỏ nhóm vũ trang này, theo tờ The Washington Post.
Hàng nghìn cuộc không kích đã giết không chỉ lượng lớn chiến binh và chỉ huy mà cả cảnh sát dân sự và nhân viên từ mọi cấp bậc của Hamas. Trong bài phát biểu trước quốc hội Mỹ vào ngày 24-7, Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel "sẽ chiến đấu cho đến khi phá hủy được năng lực quân sự của Hamas và sự quản lý của nhóm này ở Gaza".
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào Gaza hôm 27-7. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, khi luật pháp và trật tự tại Gaza sụp đổ, Hamas vẫn giữ được một số nhóm quyền lực và đã nhanh chóng khôi phục lực lượng ở những khu vực mà lực lượng Israel rút lui. Các quan chức địa phương vẫn kiểm soát một mức độ nào đó đối với nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ hạn chế cho các khu dân cư bị xung đột tàn phá, thậm chí có thể tấn công những người chỉ trích họ.
Sự bền bỉ của Hamas đã nới rộng rạn nứt giữa ông Netanyahu và Lực lượng Phòng vệ Israel, khi lực lượng này cho rằng Hamas không thể bị đánh bại.
“Hamas là một ý thức hệ. Bất kỳ ai nghĩ rằng chúng tôi có thể loại bỏ Hamas đều sai” – ông Daniel Hagari, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel, nêu quan điểm.
Các lãnh đạo hàng đầu của Hamas đang ở đâu?
Trong suốt 17 năm nắm quyền lãnh đạo Gaza, Hamas đã triển khai một hệ thống quản lý chặt chẽ, bao gồm một cánh chính trị và một cánh quân sự (Lữ đoàn Izzedine al-Qassam). Trước khi cuộc xung đột nổ ra, các nhà phân tích ước tính Hamas đã tuyển thêm khoảng 40.000 người.
Ông Yehiya Sinwar – lãnh đạo quân sự của Hamas ở Gaza - được cho là đang ẩn náu trong mạng lưới đường hầm rộng lớn của dải đất và vẫn đang chỉ đạo các hoạt động của nhóm vũ trang. Ông Sinwar cũng là cái tên đứng đầu trong danh sách truy lùng của Israel.
Hôm 20-7, Israel đã thực hiện cuộc không kích nhắm vào ông Mohammed Deif – một cấp dưới của ông Sinwar. Vụ tấn công khiến hơn 90 người thiệt mạng. Theo The Washington Post, hiện không rõ ông Deif có nằm trong số những người thiệt mạng hay không.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Iran ngày 31-7 đưa tin lãnh đạo chính trị Hamas - ông Ismail Haniyeh đã bị ám sát tại thủ đô Tehran (Iran), theo kênh Al Jazeera. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cho biết ông Haniyeh và một vệ sĩ của ông đã thiệt mạng sau khi tòa nhà ông đang ở bị tấn công.
Ông Yehiya Sinwar – lãnh đạo quân sự của Hamas ở Gaza. Ảnh: ANADOLU AGENCY
Hamas vẫn còn sức ảnh hưởng
Trong bối cảnh Israel phong tỏa Gaza cả trên đất liền và trên biển, hầu hết người dân Gaza không thể rời khỏi dải đất và phải dựa vào Liên Hợp Quốc, cũng như các nhóm nhân đạo khác để có nguồn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo quân sự Hamas đã chi hàng triệu USD để tìm cách đưa rocket và các loại vũ khí khác vào Gaza.
Cuộc xung đột ở Gaza đã làm tê liệt nghiêm trọng cơ sở hạ tầng quản lý của Hamas.
Cơ quan Giáo dục Gaza đã tạm dừng mọi hoạt động học tập của 625.000 trẻ em tại Dải Gaza, vốn chiếm khoảng 1/4 dân số dải đất. Vào tháng 4, Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn 87% trường học ở Gaza và tất cả trường ĐH của Gaza đã bị hư hại hoặc bị phá hủy.
Cơ quan Tài chính Gaza gần như không thể thực hiện được tất cả chức năng của họ. Một nguồn tin cho biết Hamas không thể trả lương thường xuyên cho toàn bộ nhân viên tại các cơ quan công quyền nhưng thỉnh thoảng có phát tiền mặt cho nhân viên.
Hiện tại, nhiều tòa nhà của Gaza đã bị tấn công hoặc cư dân sống trong đó phải sơ tán. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hơn 2/3 cơ sở hạ tầng cấp nước và vệ sinh và khoảng 2/3 tổng số đường phố đã bị hư hại hoặc phá hủy.
Trong những tháng đầu của cuộc xung đột, lực lượng cảnh sát dân sự Gaza (tách biệt với Lữ đoàn Qassam) vẫn hoạt động. Lực lượng này giúp đảm bảo an ninh cho các đoàn xe cứu trợ đi vào Gaza.
Sau đó, khi lực lượng Israel bắt đầu tấn công vào họ, những cảnh sát này đã ngừng bảo vệ các xe chở hàng cứu trợ. Thiếu vắng lực lượng an ninh bảo vệ, các đoàn xe cứu trợ trở thành mục tiêu của nạn cướp bóc tràn lan.
Theo The Washington Post, một số cảnh sát tại Gaza giờ đây mặc thường phục và hoạt động ở một số địa điểm, bao gồm canh gác tại các nơi trú ẩn cho những người dân sơ tán. Dù vậy, tình trạng bất ổn, nạn đói và bệnh tật vẫn gia tăng.
"Giao tranh giữa các nhóm, cướp bóc, xả súng. Tất cả những điều đó đang xảy ra và không có ai can thiệp" – một người dân cho biết.
Lực lượng Hamas vào năm 2015. Ảnh: REUTERS
Trong bối cảnh này, một số chỉ huy cấp cao Hamas đang tìm một số cách khác để khẳng định quyền lực của họ.
Ông Mohammad Abu Jiyab – biên tập viên của một tờ báo kinh doanh tại Gaza – cho biết khi hàng hóa đi qua cửa khẩu Rafah (nối Gaza với Ai Cập), Cơ quan quản lý kinh tế Gaza theo dõi số lượng hàng hóa đi qua, định giá và thu thuế. The Washington Post dẫn một số nguồn tin rằng nhiều thành viên của Hamas đang tìm cách kiếm lời từ hoạt động buôn lậu thuốc lá và các hoạt động buôn bán chợ đen khác.
Ngoài ra, Hamas cũng tìm cách khống chế những người có quan điểm chống đối nhóm này.
Vào ngày 8-7, ông Amin Abed – một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng và có quan điểm chỉ trích Hamas – đang trên đường đi giao hàng cứu trợ tại TP Gaza thì bị một nhóm người đeo mặt nạ cầm búa và xà beng tấn công. Ông Abed cho biết những người này đã dẫn ông đến một tòa nhà bỏ hoang và đánh ông dã man trong hơn 20 phút.
“Tôi nghe kẻ cầm đầu nói: ‘Bẻ gãy những ngón tay mà ông ta dùng để viết và kích động người dân chống lại chúng ta'. Và thực sự họ đã bẻ gãy những ngón tay của tôi bằng xà beng” – ông Abed kể. Ông cũng cho biết những người này tự nhận mình là người của Cơ quan An ninh Nội địa Gaza.
“Hamas lợi dụng nhu cầu lương thực của người dân. Và bất kỳ ai phản đối họ, họ sẽ tấn công những người đó, nhằm nói rằng họ vẫn ở đây và họ vẫn kiểm soát Gaza” – theo ông Abed.
Phía Hamas cho biết họ “không có thông tin” về cáo buộc trên.
Việc lãnh đạo chính trị Hamas - ông Ismail Haniyeh bị ám sát tại Iran làm dậy sóng Trung Đông nhưng dường như không làm lung lay hoạt động của nhóm này.
Nguồn: [Link nguồn]