Sức mạnh của BRICS sau khi kết nạp 6 thành viên mới

Các lãnh đạo của BRICS vừa đồng ý kết nạp thêm 6 thành viên vào nhóm. Những thành viên được lựa chọn hoặc nằm ở vị trí chiến lược hoặc mạnh về dầu mỏ.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay quốc tế ở Johannesburg ngày 22/8. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay quốc tế ở Johannesburg ngày 22/8. (Ảnh: Reuters)

Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra ở Johannesburg ngày 24/8, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, chủ tịch hiện nay của nhóm, cho biết 6 quốc gia gồm: Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả-rập Xê-út và UAE sẽ trở thành thành viên đầy đủ của khối từ ngày 1/1/2024.

Ông Ramaphosa cho biết, các thành viên hiện nay của BRICS, gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi, đã đạt được đồng thuận về nguyên tắc chỉ đạo, tiêu chuẩn, tiêu chí và quy trình mở rộng.

Tổng thống Ramaphosa cho biết, nhiều quốc gia khác bày tỏ mong muốn gia nhập khối, và các lãnh đạo đã giao các bộ trưởng ngoại giao nhiệm vụ soạn thảo tiêu chí kết nạp thành viên mới và danh sách quốc gia đối tác triển vọng.

Theo ông Ramaphosa, các thành viên BRICS nhấn mạnh rằng hiện có động lực toàn cầu về sử dụng các loại nội tệ, các cơ chế tài chính và thanh toán thay thế cơ chế hiện nay.

“Với tư cách khối BRICS, chúng tôi sẵn sàng khám phá cơ hội nâng cao sự ổn định, tính tin cậy và công bằng của cấu trúc tài chính toàn cầu”, ông cho biết.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của BRICS sẽ thảo luận khả năng sử dụng nội tệ trong thanh toán và sẽ báo cáo lãnh đạo về vấn đề này vào hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá việc mở rộng lần này mang tính “lịch sử” và sẽ “tiếp sức” cho nhóm.

Ông cho rằng việc BRICS kết nạp thêm thành viên mới phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế và lợi ích chung của các quốc gia đang phát triển và mới nổi.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định Ấn Độ ủng hộ hoàn toàn việc BRICS kết nạp thêm thành viên.

Dầu mỏ và chiến lược

Giới quan sát cho rằng, việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và khu vực là những tiêu chí BRICS dựa vào để lựa chọn 6 thành viên đợt này.

Gustavo de Carvalho, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quốc tế Nam Phi, nói rằng việc kết nạp các quốc gia dầu mỏ như Ả-rập Xê-út, UAE và Iran phù hợp với ý đồ sử dụng nội tệ trong thanh toán.

“Kết nạp 3 quốc gia mạnh về xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng sẽ nâng cao tính thanh khoản cho các nước BRICS”, ông de Carvalho nói.

Nhà nghiên cứu này cho rằng các nước BRICS giờ có thể xuất khẩu hầu hết dầu mỏ đến Đông Á và Ấn Độ, khi Mỹ không còn mua nữa.

Theo ông de Carvalho, việc kết nạp Ai Cập không chỉ bổ sung thêm một quốc gia Trung Đông vào khối, mà Ai Cập còn là thành viên tích cực của Liên minh châu Phi và là nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Phi. Ông de Carvalho nhấn mạnh rằng Ai Cập còn là một đối tác thương mại quan trọng của Nga và Trung Quốc vì có kênh đào Suez.

Ông de Carvalho cho rằng Iran cũng rất quan trọng với Mátxcơva, vì giúp tạo nên hành lang Bắc – Nam để giúp Nga đưa ngũ cốc và dầu mỏ qua Vịnh Ba Tư đến châu Á và châu Phi mà không cần đi qua Biển Đen hay Bắc Âu.

Argentina là một nền kinh tế có mức thu nhập trung bình, nhưng đang đối mặt với khủng hoảng trong mấy năm gần đây, khiến đồng nội tệ mất giá.

Ông de Carvalho cho rằng Ethiopia có dân số đông và nền kinh tế đang phát triển. Quốc gia này nằm ở vị trí chiến lược thuộc vùng Sừng châu Phi và là thành viên của Liên minh châu Phi.

Chuyên gia địa - kinh tế Aly-Khan Satchu cho rằng các thành viên “nặng ký” nhất trong đợt kết nạp này là Iran, Ả-rập Xê-út và UAE. Ông cho rằng Ả-rập Xê-út và UAE mạnh về kinh tế và có thể đóng vai trò nhà cho vay.

Đối với Argentina, ông Satchu cho rằng BRICS muốn đưa thành viên Mỹ Latin vào nhóm dựa trên quan điểm cân bằng về địa lý.

Theo ông Satchu, Ai Cập và Ethiopia là những quốc gia quan trọng về dân cư ở châu Phi.

Trong phiên họp có sự tham gia của 65 nhà lãnh đạo từ Nam bán cầu, ông Tập nói rằng thông qua Sáng kiến phát triển toàn cầu (GDI), Trung Quốc đã lập một quỹ hợp tác Nam – Nam với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.

Ông cho biết các định chế tài chính Trung Quốc có thể lập một quỹ nữa trị giá 10 tỷ USD để triển khai GDI.

Ông Tập hứa rằng Trung Quốc sẽ hợp tác nhiều hơn với các nước châu Phi, bao gồm hợp tác hải quan để gia tăng xuất khẩu hàng hóa của châu Phi sang Trung Quốc và cung cấp dữ liệu bản đồ vệ tinh, chủ yếu phục vụ nông nghiệp và đối phó thiên tai.

Nguồn: [Link nguồn]

6 quốc gia được phê duyệt gia nhập khối có Nga và Trung Quốc

Số lượng thành viên của Khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) sẽ tăng hơn gấp 2 lần sau khi kết nạp thêm các thành viên mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - SCMP ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN