Sức mạnh chiến đấu cơ Su-30MK2 của Không quân Việt Nam

Su-30MK2 là máy bay chiến đấu tối tân thế hệ 4 xuất xứ từ Nga, cải tiến khả năng tấn công và hủy diệt mục tiêu trên biển, được giới quân sự trong và ngoài nước xem là “xương sống” của lực lượng Không quân Việt Nam giúp tuần tra và bảo vệ Biển Đông.

Sức mạnh chiến đấu cơ Su-30MK2 của Không quân Việt Nam - 1

Su-30MK2 được gọi là "Hổ mang chúa" với uy lực vượt trội trên biển. (Ảnh: Văn Duẩn - Người lao động).

Ngày 14.6, một máy bay Su-30MK2 của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã mất liên lạc khi diễn tập gần Nghệ An. Đến 2 giờ chiều nay, phi công mang tên Nguyễn Hữu Cường đã được cứu sống. Hiện vẫn chưa có thông tin về thượng tá Trần Quang Khải, chỉ huy chiếc Su-30MK2.

Máy bay chiến đấu Su-30MK2 (NATO định danh là Flanker-G) là phiên bản cải tiến của Su-30MKK, kết hợp nhiều công nghệ tác chiến trên biển hiện đại của biến thể Su-35.

Sức mạnh chiến đấu cơ Su-30MK2 của Không quân Việt Nam - 2

Su-30MK2 và "kho" vũ khí mang theo.

Su-30MK2 được phát triển bởi công ty Sukhoi từ năm 1997 sau khi Nga và Trung Quốc muốn cải tiến phiên bản Su-30 hiện có. Máy bay Su-30MK2 là chiến đấu cơ hạng nặng, hoạt động mọi thời tiết, tầm xa và cùng chủng loại với máy bay McDonnell Douglas F-15E. Su-30MK2 cải tiến rất nhiều khả năng tấn công trên biển và hệ thống điện tử. Hiện Su-30MK2 được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Venezuela và Uganda.

Sức mạnh chiến đấu cơ Su-30MK2 của Không quân Việt Nam - 3

Pháo 30mm được gắn trên Su-30MK2.

Lịch sử của máy bay Su-30MK2 bắt đầu từ chuyến thăm của thủ tướng Trung Quốc Lí Bằng tới Nga năm 1996. Lúc này, Trung Quốc kí hợp đồng 1,8 tỉ USD để mua 38 máy bay chiến đấu đa năng đời mới. Nhận thấy tiềm năng bằng việc cải tiến mẫu máy bay cũ với lớp sợi carbon mới và nâng cấp thùng nhiên liệu để bay xa hơn, Su-30MKK đã ra đời. Su-30MK2 và Su-30MKK không khác biệt quá nhiều mà chỉ nâng cấp về hệ thống điện tử và tác chiến trên biển.

Su-30MK2 khá giống Su-35 về mặt phần cứng, tuy nhiên về phần mềm điều khiển, Su-30MK2 khác biệt hoàn toàn. Máy bay này sử dụng vật liệu composite đời mới so với Su-27, giảm trọng lực từ 9g xuống 7g ở tốc độ Mach 0,9 (khoảng 1.100km/giờ). Nhiều ý kiến cho rằng máy bay Su-30MK2 đời mới còn được sử dụng nhôm để giảm trọng lượng.

Sức mạnh chiến đấu cơ Su-30MK2 của Không quân Việt Nam - 4

Tên lửa KH-29 có tầm hoạt động khoảng 30km.

Su-30MK2 có 4 thùng nhiên liệu, chứa được gần 10 tấn dầu. Khi nạp trên cao, máy bay có khả năng hút 2.300 lít dầu/phút. Su-30MK2 có thể bay với tốc độ 2.100km/giờ, trần cao 17km và tầm xa 3.000km.

“Trái tim” của Su-30MK2 là 2 động cơ AL-31F lực đẩy 132kN giúp tăng sức đẩy và độ linh hoạt khi chiến đấu. Hệ thống radio liên lạc VHF/UHF có tầm hoạt động lên tới 400km, phủ sóng toàn bộ mặt đất và trên không.

Sức mạnh chiến đấu cơ Su-30MK2 của Không quân Việt Nam - 5

Tên lửa hành trình KH-59 tầm hoạt động lên tới 200km.

Hệ thống TKS-2 C3 đời mới cho phép Su-30MK2 có thể chỉ huy và liên lạc với 15 máy bay cùng loại cũng như điều khiển hệ thống tên lửa không-đối-không. Nhà sản xuất Russkaya Avionika JSC khẳng định hệ thống điều khiển, kiểm soát và liên lạc của Su-30MK2 có thể được điều khiển từ các trạm dưới mặt đất. Đây được coi là bước tiến vượt bậc về công nghệ so với đàn anh Su-27 chỉ có thể giao tiếp thông tin một chiều.

Nhiều báo Nga khẳng định hệ thống tác chiến điện tử của Su-30MK2 sử dụng công nghệ tối tân nhất hiện nay, cho phép cung cấp thông tin mục tiêu nhờ các cảm biến cảnh báo sớm cực nhạy. Hệ thống cảnh báo sớm có tầm hoạt động vài trăm km.

Khi cần, trên màn hình hiển thị LCD sẽ hiện ra 4 mục tiêu nguy hiểm gần nhất. Hai cánh của Su-30MK2 gắn đầy đủ thiết bị gây nhiễu chủ động rất tối tân.

Sức mạnh chiến đấu cơ Su-30MK2 của Không quân Việt Nam - 6

Tên lửa không-đối-không R-27 khai hỏa từ máy bay.

Hệ thống chiến đấu “xương sống” của Su-30MK2 bao gồm radar, quang điện tử, mũ bảo hiểm, hệ thống tác chiến điện tử và dàn vũ khí đối không, đối đất.

SUB-VEP là hệ thống tên lửa không-đối-không cho phép kiểm soát 6 tên lửa cùng lúc. Chưa kể, SUB-VEP hoàn toàn có thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công trên biển bằng tên lửa chống hạm KH-31A và KH-35. Radar nặng 200kg mang tên OLS-30 có thể phát hiện mục tiêu từ cự li 10km với laser và 90km bằng hồng ngoại.

Tên lửa KH-59 được hệ thống SUV-P không-đối-đất chỉ huy. Hệ thống này được giúp sức bởi bộ phận SUO-30PK và hệ thống định vị toàn cầu A-737.

Sức mạnh chiến đấu cơ Su-30MK2 của Không quân Việt Nam - 7

Tên lửa R-77 tầm hoạt động 200km.

Vũ khí chính của Su-30MK2 là hai pháo GSH-30-1 chứa 150 viên đạn kích cỡ 30mm, tốc độ bắn 1.800 phát/phút. Gắn trên giá để vũ khí là tên lửa không-đối-đất KH-10P, KH-29T và KH-59ME.

Tên lửa KH-29T có tầm hoạt động từ 10 đến 30km, đầu đạn nổ 320kg. Tên lửa này có nhiều hệ thống dẫn đường khác nhau từ laser, hồng ngoại cho tới vô tuyến. Kh-29T chuyên dùng tấn công các công trình trọng yếu, cơ sở chỉ huy và đủ sức phá nát tàu bọc thép 10.000 tấn. Tên lửa KH-59ME dùng để tấn công mặt đất nhưng chủ yếu dùng trong các hoạt động trên biển. Loại tên lửa 2 tầng nhiên liệu rắn này tầm xa hơn 200km, nặng gần 1 tấn, đầu đạn 300kg, vận tốc tấn công 1.000km/giờ.

Sức mạnh chiến đấu cơ Su-30MK2 của Không quân Việt Nam - 8

Bom dẫn đường laser KAB-500L có trọng lượng hơn nửa tấn.

Tên lửa không-đối-không của Su-30MK2 có 3 loại gồm dẫn đường bằng hồng ngoại R-73, dẫn đường bằng radar bán chủ động R-27 và dẫn đường bằng radar chủ động R-77E.

Tên lửa R-27 nặng chừng 250kg, đầu đạn 40kg, hoạt động tầm trung trên dưới 150km.

Su-30MK2 sử dụng bom dẫn đường bằng laser KAB-500L và KAB-1500L. Bom KAB-500L nặng khoảng nửa tấn, thả từ độ cao 500m tới 5.000m, tốc độ bay 1.150km/giờ. KAB-500L là nguyên mẫu để chế tạo nên bom laser KAB-1500L chuyên gắn trên các máy bay chiến đấu thế hệ 4 và 4+ như Su-30MK2.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh – Tổng hợp ([Tên nguồn])
Máy bay Su-30MK2 và CASA 212 gặp nạn trên biển Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN