Sức mạnh bom lượn dẫn đường mới của Nga có thể phá hủy 15 mục tiêu cùng lúc
Nga gần đây thông báo sẽ sớm sản xuất hàng loạt mẫu bom lượn dẫn đường chính xác mới. Loại bom này được phát triển từ trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
Drel là mẫu bom lượn dẫn đường chuyên biệt được Nga phát triển.
Hãng tin Reuters hôm 10/1 dẫn nguồn tin từ tập đoàn quốc phòng Rostec cho biết, Nga sẽ sớm sản xuất bom lượn dẫn đường Drel (Mũi khoan) trong năm nay.
"Bom Drel đã vượt qua toàn bộ thử nghiệm do khách hàng yêu cầu. Lô đầu tiên trong dây chuyền sản xuất hàng loạt dự kiến xuất xưởng trong năm nay", Rostec thông báo.
Loại bom này lẽ ra được sản xuất hàng loạt vào năm ngoái nhưng bị dời lại vì "một số trục trặc trong quá trình thử nghiệm".
Tập đoàn Rostec không cho biết liệu loại bom này đã được thử nghiệm trong khu vực hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine hay chưa. Loại bom mới của Nga nhận được sự chú ý đặc biệt vì nó vừa là bom lượn, vừa được trang bị hệ thống dẫn đường chính xác, vừa mang đầu đạn chùm có thể phá hủy nhiều mục tiêu đồng thời.
Rostec cho biết, bom "Mũi khoan" có khả năng tàng hình trước radar đối phương và được tích hợp thiết bị giúp đối phó các hệ thống tác chiến điện tử.
Hệ thống dẫn đường tiên tiến cho phép quả bom phóng ra đạn chùm "vào thời điểm chính xác" để tiêu diệt nhiều mục tiêu đối phương nhất có thể trong một khu vực. Bom "Mũi khoan" được thiết kế để vô hiệu hóa xe bọc thép, đài radar, trung tâm điều khiển nhà máy điện và hệ thống tên lửa phòng không.
Hồi đầu tháng này, Nga cũng thông báo kế hoạch trang bị đầu đạn chùm cho tên lửa hành trình tầm xa Kh-32. Đây là mẫu tên lửa mà Ukraine thừa nhận chưa từng đánh chặn thành công.
Bình luận về việc Nga sản xuất hàng loạt bom lượn dẫn đường mới, phát ngôn viên không quân Ukraine Yuriy Ihnat nói Moscow đang tích cực sử dụng các vũ khí mang đầu đạn chùm nên thông tin này là "điều đã được dự đoán trước".
Quả bom có thể mang đầu đạn chùm chứa 15 quả đạn chống tăng.
Bom lượn dẫn đường "Mũi khoan" có tên là PBK-500U SPBE-K, lần đầu được Nga giới thiệu vào năm 2017. Khác với bom chùm được gắn module giúp lượn trên bầu trời, bom "Mũi khoan" là bom lượn dẫn đường chuyên biệt.
Quả bom sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GPS/GLONASS, được trang bị cánh nâng và lái hướng cỡ lớn cho phép bay xa hơn 50km khi thả từ độ cao phù hợp. Bom được tích hợp hệ thống nhận dạng "địch, ta" giúp giảm thiểu nguy cơ gây tổn thất cho lực lượng Nga hoạt động trong phạm vi ném bom.
Mẫu bom lượng dẫn đường "Mũi khoan" nặng 540kg với khả năng mang nhiều đầu đạn khác nhau. Đầu đạn chùm cơ bản được trang bị 15 đạn chống tăng hỗn hợp (SPBE-K). Mỗi quả đạn được thiết kế để có thể tự phát hiện và lao về phía mục tiêu.
Khi phát hiện mục tiêu trong phạm vi, SPBE-K sẽ phóng ra đầu đạn chứa khoảng 4,5kg thuốc nổ với tốc độ 3.000 m/s, đủ để xuyên giáp thép dày 100 mm. Hướng tấn công từ phía trên sẽ nhằm vào phần nóc tăng và xe bọc thép, nơi dễ bị tổn thương nhất. Quả đạn có khả năng tự hủy sau một khoảng thời gian nhất định nếu không phát hiện mục tiêu.
Nga bắt đầu sử dụng vũ khí chứa đầu đạn chùm ở Ukraine kể từ khi Kiev nhận đạn chùm do Mỹ viện trợ vào tháng 7/2023. Các binh sĩ Ukraine từng nói bom lượn của Nga là vũ khí đáng lo ngại nhất.
"Bom lượn của Nga là vũ khí khiến chúng tôi e ngại nhất", binh sĩ Ukraine tên Olexandr Solon'ko nói với tạp chí Forbes vào tháng 8/2023. "Nga sử dụng loại bom này rất thường xuyên. Vũ khí này có uy lực rất mạnh".
Quân đội Nga đang gia tăng các cuộc tấn công bằng bom lượn nhằm phá hủy công sự kiên cố của Ukraine, theo News York Times.
Nguồn: [Link nguồn]