Sự thật về thủ lĩnh Lương Sơn Bạc Tống Giang trong lịch sử Trung Hoa
Tống Giang là một trong những nhân vật tiêu biểu nhất trong Thủy Hử của Thi Nại Am và là người phát động khởi nghĩa chống nhà Tống, nhưng thực tế cuộc khởi nghĩa diễn ra như thế nào?
Hình tượng Tống Giang trong phim truyền hình Trung Quốc.
Tống Giang trong tiểu thuyết Thủy Hử là nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc nhưng ít có tài liệu, sử sách nói về cuộc đời ông. Loạt bài này sẽ cố gắng làm rõ hơn chân dung Tống Giang cũng như đưa ra một số khía cạnh khác về nhân vật này mà Thủy Hử không nhắc đến. |
Cuộc khởi nghĩa bắt nguồn từ Lương Sơn Bạc, do Tống Giang lãnh đạo chỉ là một trong số hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra thời nhà Tống ở Trung Hoa.
Tống sử chép rằng Tống Giang và những anh hùng Lương Sơn Bạc khác đã chấp nhận quy hàng sau những trận đánh ác liệt. Tống Giang làm quan trong triều đình. Những gì xảy ra sau đó không được nhắc đến.
Tác phẩm Thủy Hử của Thi Nại Am đã đưa 108 anh hùng Lương Sơn Bạc đến với tâm trí bạn đọc ở khắp nơi trên thế giới.
Nhưng cuộc khởi nghĩa Tống Giang thực sự ra sao? Liệu nó có bắt đầu ở Lương Sơn Bạc hay không? Kết thúc thực sự của Tống Giang và những anh hùng Lương Sơn Bạc ra sao luôn là chủ đề tranh luận không dứt của các học giả và những người yêu Thủy Hử, theo Qulishi.
Nơi khởi nguồn của những cuộc nổi dậy
Lương Sơn Bạc lần đầu được nhắc đến vào năm 959, giai đoạn bắt đầu thời nhà Tống ở Trung Hoa. Lương Sơn Bạc khi đó là một vùng đầm hồ rộng lớn bao quanh Lương Sơn, ngọn núi cao 197,9 mét.
Ngày nay ở vùng này chỉ còn một hồ nước gọi là hồ Đông Bình ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Đây được coi là dấu tích của vùng đầm, hồ rộng lớn mà tác giả Thi Nại Am đã hư cấu thành căn cứ Lương Sơn Bạc.
Vì có ưu thế địa hình, dễ thủ khó công nên khu vực này trở thành căn cứ địa của nhiều cuộc nổi dậy chống nhà Tống. Tống sử chép rằng Lương Sơn Bạc là nơi xảy ra nạn trộm cướp hoành hành, khiến nhiều người chết.
Nguồn gốc của những cuộc nổi dậy ở Lương Sơn Bạc bắt nguồn từ chính sách tận thu ngân khố của nhà Tống thời Tống Huy Tông. Dân chúng sống quanh đây phải đóng thuế rất nặng. Những nông dân, ngư dân không thể sống nổi đã tập hợp ở Lương Sơn Bạc. Những kẻ phạm tội trốn tránh sự truy bắt của triều đình cũng lên Lương Sơn, hàng ngày đi cướp của kiếm sống.
Khởi nghĩa Tống Giang
Theo chính sử Trung Hoa, vào tháng 12.1119, hoàng đế Tống Huy Tông hạ chiếu, lệnh cho quân triều đình chia làm hai đạo chủ lực dập tắt khởi nghĩa Tống Giang.
Tống Giang và 107 anh hùng Lương Sơn Bạc.
Vua không lâu sau lại ra lệnh “chiêu dụ”. Điều này cho thấy quân khởi nghĩa của Tống Giang đã làm kinh động triều đình.
Một năm sau, một quan lại địa phương là Hầu Mông dâng thư viết: “36 người của bọn Tống Giang hoành hành, quan quân mấy vạn không dám nghênh chiến”. Hầu Mông khi đó đã có chủ trương chiêu hàng để trưng dụng lực lượng của Tống Giang đi dẹp loạn, nhưng khi được vua Tống Huy Tống đồng ý thì Hầu Mông lại bị bệnh chết.
Quân khởi nghĩa của Tống Giang tiếp tục tấn công các châu Đan, Bộc, Tề, Thanh lân cận. Tháng 12.1120, triều đình sai tri châu Thanh Châu là Tăng Hiếu Uẩn kéo quân trấn áp nhưng không thành công. Quân khởi nghĩa tiếp tục đánh xuống phía Nam đến Cân Châu, kịch chiến với quân Tống.
Đầu năm 1121, quân khởi nghĩa Tống Giang từ Kinh Đông vượt biển, tấn công Thuật Dương, chiến đấu với quân Tống. Tống sử gọi quân Tống Giang là “giặc cướp Hoài Nam”.
Đến tháng 2, quân khởi nghĩa tấn công Hoài Dương, tiến về vùng Hải Châu, Sở Châu. Quân Tống Giang khí thế hừng hực, “đánh cướp cả 10 quận, quan quân không dám ngăn chặn”.
“Tống sử - Trương Thúc Dạ truyện” chép rằng tướng nhà Tống là Trương Thúc Dạ vừa đến Hải Châu thì thấy quân Tống Giang đang chuẩn bị công thành.
Tống Giang muốn đánh thành theo hướng biển nên cho quân chiếm lấy hơn 10 chiếc thuyền lớn để chở quân lương. Nhưng mưu kế này bị bại lộ. Thúc Dạ cho hơn 1.000 quân cảm tử mai phục ở gần thành, sau đó cho quân tốt đi thuyền nhỏ đến khiêu chiến còn tinh binh thì bố trí trận địa ven bờ biển.
Khi hai bên giao chiến, phục binh của Trương Thúc Dạ lao ra dùng hỏa công đốt thuyền quân Tống Giang. Hai bên giao chiến kịch liệt, cuối cùng đội thuyền của Tống Giang bị đốt cháy hết.
Theo Qulishi, dựa trên những tài liệu do chính sử chép lại, có thể thấy khởi nghĩa Tống Giang chỉ tập trung ở Sơn Đông, phía bắc Hà Bắc, Hà Nam và phía nam đến Giang Tô, An Huy ngày nay. Không có bằng chứng Tống Giang và những người khác đã lập căn cứ địa ở Lương Sơn Bạc.
Tống Giang có thực sự chấp nhận chiêu an?
Tống Giang trong Thủy Hử chấp nhận quy hàng triều đình nhà Tống.
Tống sử chép rằng, sau khi khởi nghĩa thất bại, Tống Giang chấp nhận lời chiêu an, quy hàng triều đình nhà Tống, được lệnh đem quân đi đánh Phương Lạp. Theo Qulishi, có một số nhận định cho rằng Tống Giang có lẽ chưa bao giờ chấp nhận chiêu an.
Lý do đầu tiên là cuộc khởi nghĩa Tống Giang xảy ra vào cuối thời Bắc Tống, trong khi chính sử sau này chép lại đều là từ nhà Nam Tống và sau này là nhà Nguyên, nên thông tin thực tế có thể bị sai lệch.
Lý do thứ hai là trước khi khởi nghĩa Tống Giang nổ ra hai năm, có một cuộc nổi dậy khác với khoảng 500 người và kết quả là những người đầu hàng đều bị triều đình giết chết. Tống Giang chắc chắn đã nhìn tấm gương của những người này để không lặp lại sai lầm. Vậy nên khó có chuyện Tống Giang chấp nhận đầu hàng mà có thể là bị bắt sống.
Ở phía bắc núi Bạch Hổ tại Trung Hoa có một ngôi mộ được gọi là "mộ hảo hán". Người dân ở đây đời đời truyền tụng rằng: "Tống Giang hoàn toàn không đầu hàng, ông cùng 35 người khác là hảo hán Lương Sơn, đã bị Trương Thúc Dạ sát hại, mai táng ở ngôi mộ này".
Năm 1939, các nhà khảo cổ Trung Quốc khai quật mộ vị tướng nhà Tống là Chiết Khả Tồn và phát hiện tài liệu chép rằng Khả Tồn đánh bại cuộc khởi nghĩa Phương Lạp rồi mới đi trấn áp Tống Giang, coi đây là một chiến công lừng lẫy.
Do đó, có một luồng quan điểm cho rằng, Tống Giang đầu hàng triều đình, nhưng sau đó lại giương cờ khởi nghĩa, cuối cùng bị Chiết Khả Tồn đem quân trấn áp và giết chết.
_______________________
Tống Giang trở thành thủ lĩnh Lương Sơn một phần nhờ vào cái chết của Tiều Cái, nhưng thực sự Tống Giang có những tố chất nào để khiến các hảo hán Lương Sơn quy phục. Bài dài kỳ tới sẽ làm rõ vấn đề này.
Thời Tam quốc, Tào Tháo hay Tôn Quyền đều là những thế lực hùng mạnh hơn Lưu Bị, nhưng Gia Cát Lượng một mực chờ đợi...