Sự thật về những kho báu bí ẩn đã bị mất trong Thế chiến II

Chiến tranh luôn mang đến sự hỗn loạn, nhưng đó cũng là cơ hội cho những kẻ cướp bóc. Điều này đặc biệt đúng trong chiến tranh thế giới lần 2 khi vô số tác phẩm nghệ thuật, đồ tạo tác cùng kho báu vô giá đã bị mất tích.

Trong Thế chiến II, vô số tác phẩm nghệ thuật, đồ tạo tác và kho báu vô giá đã bị phá hủy hoặc bị đánh cắp khỏi châu Âu, Á, Thái Bình Dương. Đặc biệt, Đức Quốc xã đã cướp phá tài sản văn hóa một cách có hệ thống từ các viện bảo tàng, nhà riêng và cung điện hoàng gia. Đây là một phần nguyên nhân giúp Adolf Hitler xây dựng Bảo tàng Fuhrermuseum, nhưng quân Đồng minh cũng lấy đi chiến lợi phẩm của họ.

Khi chiến tranh hết thúc, những câu chuyện về kho báu bị mất tích, bao gồm cả vàng của Đức Quốc xã bị đánh cắp đã khiến những thợ săn kho báu rất khao khát tìm thấy chúng.

1. Vàng của Yamashita

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Yamashita Tomoyuki là Đại tướng thuộc Lục quân Đế quốc Nhật Bản trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945). Ông ta nổi tiếng với chiến công đánh chiếm các thuộc địa Anh ở Malaya và Singapore, với biệt danh "Con hổ Mã Lai".

Cuối năm 1944, khi Nhật thua trận và sắp đầu hàng quân Đồng minh, Yamashita Tomoyuki nhận được mệnh lệnh của Thiên hoàng Hirohito phải bằng mọi giá đưa vàng cùng các vật quý giá về Nhật. Tuy nhiên, kế hoạch này lại bị quân Đồng minh phát hiện nên tìm cách ngăn chặn.

Trước tình hình đó, Yamashita Tomoyuki đã lệnh cho binh lính bí mật chôn giấu vàng cùng báu vật ở nhiều địa điểm ven biển. Ở mỗi vị trí chôn cất kho báu, sẽ có một tấm bản đồ duy nhất do 1 người cất giữ. Theo các thợ săn kho báu, có khoảng 172 địa điểm ở Philippines được cho là nơi chôn giấu kho vàng của tướng Yamashita, trong đó có 18 tượng Phật bằng vàng, cướp tại Myanmar.

Khi ấy, Yamashita đã lên kế hoạch sẽ sớm trở lại đây để lấy lại kho báu bởi đi đường biển sẽ thuận lợi hơn đường bộ. Tuy vậy, ông ta sớm bị phán quyết là “tội phạm chiến tranh” nên bị bắt. Kể từ đây, kho báu này đã trở thành “miếng bánh ngon” cho nhiều thế lực.

Mặc dù cho tới nay, đa phần kho báu này đã được Mỹ, Nhật Bản và Philippines khám phá cũng như thu giữ, nhưng nhiều người tin rằng một số vẫn còn tồn tại trong lòng đất. Vì vậy, nhiều người vẫn ôm hy vọng sẽ vô tình phát hiện một phần của kho báu khổng lồ này.

2. Căn phòng hổ phách

Bản sao Phòng Hổ phách ở Cung điện Catherine.

Bản sao Phòng Hổ phách ở Cung điện Catherine.

Căn phòng hổ phách là quà của vua nước Phổ - Friedrich Wilhelm I tặng cho Nga hoàng Pyotr I trong năm 1716. Căn phòng này được kiến trúc sư và nhà điêu khắc Andreas Schluter chế tác vào đầu thế kỷ 18 từ hổ phách hóa thạch, đá quý và được bọc bằng vàng lá. 

Tới năm 1941, khi Đức Quốc xã tấn công Liên Xô trong chiến dịch Barbarossa, căn phòng hổ phách đã bị quân đội Đức tháo dỡ và chuyển nó đến lâu đài Konigsberg (nay là Kaliningrad, Nga).

Tới năm 1944, lâu đài Konigsberg đã bị tàn phá trong một cuộc ném bom của quân Đồng minh và căn phòng hổ phách cũng biến mất từ đây. Kể từ đó, đã có nhiều cuộc tìm kiếm “kho báu” này nhưng tất cả đều không mang lại kết quả như ý. Tuy nhiên, cũng có nhiều giả thuyết cho rằng, căn phòng này được mang lên tàu Wilhelm Gustloff nhưng bị trúng thủy lôi của quân đội Liên Xô và chìm vào biển sâu.

3. Vàng của Rommel

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một trong những kho báu có nhiều bí ẩn nhất trong Thế chiến II chính là vàng của Đức Quốc xã bị mất tích. Theo đó, vào năm 1943, trong thời gian chiếm đóng Tunisia, quân đội Đức đã lấy một số lượng lớn vàng từ những người Do Thái ở đảo Djerba. Thế nhưng, trong quá trình vận chuyển về Đức, số vàng này đã bị cho là chìm dưới biển sâu.

Kho báu này thường được gọi là “vàng của Rommel” theo tên của Erwin Rommel - một tướng lĩnh của Đức Quốc xã, người dẫn đầu các chiến dịch khủng bố chống lại người Do Thái ở Bắc Phi. Mặc dù thực hư về số vàng này vẫn chưa được xác định, nhưng nó đã khiến nhiều thợ săn kho báu quyết định truy tìm. Đáng tiếc là vàng thì chưa thấy, nhưng đã có 2 thợ lặn từng thiệt mạng khi cố tìm “vàng của Rommel”.

4. Hài cốt hóa thạch “Người Bắc Kinh”

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những hài cốt hóa thạch Người Bắc Kinh được khai quật tại hang núi Chu Khẩu Điếm thuộc Bắc Kinh, Trung Quốc vào cuối thập kỷ 20 đầu thập kỷ 30 của thế kỷ 20 là phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất trong thế kỷ 20. Tới năm 1941, Trung Quốc đã gửi 200 hóa thạch tới Mỹ nhằm cất giữ chúng an toàn trong trường hợp bị phát xít Nhật tấn công.

Theo kế hoạch, hài cốt hóa thạch Người Bắc Kinh sẽ được Thủy quân lục chiến chuyển đến cảng Tần Hoàng Đảo, Trung Quốc, nơi an ninh được đảm bảo do có căn quân sự Camp Holcomb của Mỹ gần đó bảo vệ. Sau đó là vận chuyển đến New York và lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ thông qua đường tàu.

Thế nhưng, chỉ 1 ngày trước khi xuất phát, quân Nhật đã tấn công Trân Châu Cảng và bắt toàn bộ thủy thủ đoàn áp tải tàu làm tù binh. Từ đó, các hài cốt hóa thạch đã biến mất trong hành trình đi biển từ cảng Tần Hoàng Đảo tới Mỹ. Cho tới nay, nhiều cuộc tìm kiếm đã được mở ra, nhưng số hài cốt hóa thạch này vẫn “bặt vô âm tín”.

5. “Chân dung một chàng trai trẻ” của Raphael

Hình ảnh gốc đen trắng của bức “Chân dung một chàng trai trẻ” đã mất của Raphael.

Hình ảnh gốc đen trắng của bức “Chân dung một chàng trai trẻ” đã mất của Raphael.

Trong Thế chiến II, Đức Quốc xã đã lấy đi nhiều bức tranh quý giá. Trong đó, có một tuyệt tác nghệ thuật của ngành hội họa và có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử. Đó chính là bức tranh “Chân dung một chàng trai trẻ” của họa sĩ người Italia thời Phục Hưng - Raphael.

Được biết, Đức Quốc xã đã lấy bức tranh này từ Bảo tàng Prince Czartoryski ở Krakow, Ba Lan vào năm 1939. Sau đó, nó thuộc quyền sở hữu của Hans Frank - người điều hành Chính phủ chung của Đức Quốc xã ở Ba Lan - và được treo ở lâu đài Wawel.

Thế nhưng, khi quân đội Mỹ tấn công và bắt Hans Frank thì bức tranh “Chân dung một chàng trai trẻ” cùng 800 hiện vật khác đã bị mất tích bí ẩn.

6. Con tàu chở 4 tấn vàng

Con tàu chị em của SS Minden, SS Porta.

Con tàu chị em của SS Minden, SS Porta.

SS Minden là một con tàu chở hàng của Đức được cho là chở những vật có giá trị (ước tính bốn tấn vàng) từ Rio de Janeiro đến Đức vào năm 1939. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển con tàu này đã chạm trán với một tàu Anh ở ngoài khơi Iceland và bị chìm xuống đáy biển.

Người ta cho rằng, chính các thủy thủ của Đức Quốc xã đã tự đánh chìm tàu SS Minden để tránh người Anh phát hiện ra kho báu này.

Trong 2 năm 2017 và 2018, một công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh đã cố gắng xác định vị trí con tàu SS Minden bị đắm để tìm kho vàng, nhưng đáng tiếc là chưa thành công.

Nguồn: [Link nguồn]

Phát hiện loại tiền cổ khó tin từ ”kho báu Maya” 2.500 tuổi

Một bức tranh tường niên đại 2.500 năm đã giúp vén màn sự thật về kho báu khảo cổ Maya vĩ đại được khai quật và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Minh ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN