Sự thật chuyện Quan Vũ chết rồi còn lấy mạng Lã Mông, "ám" Tào Tháo đến thất điên bát đảo

Trong Tam quốc diễn nghĩa, có 3 nhân vật kiệt xuất nhưng cái chết của họ đầy màu sắc hoang đường, trong đó có hai trường hợp bị Quan Vũ "hành".

Lã Mông – danh tướng đánh bại Quan Vũ, đoạt đất Nam Quận về cho Đông Ngô (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Lã Mông – danh tướng đánh bại Quan Vũ, đoạt đất Nam Quận về cho Đông Ngô (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

1. Lã Mông

Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung dành hết lời hay ý đẹp để ca ngợi phe Thục của Lưu Bị. Quan Vũ – danh dướng số 1 dưới trướng Lưu Bị – được miêu tả vô cùng oai phong: Tay cầm thanh long đao, cưỡi ngựa xích thố, lập vô số chiến công.

Vì muốn thần thánh hóa nhân vật Quan Vũ, La Quán Trung không ngần ngại bôi bác Lã Mông – người đã đánh bại “Võ thánh”, đoạt lại Kinh Châu cho phe Đông Ngô.

Hồi 77 Tam quốc diễn nghĩa viết, Tôn Quyền giết được Quan Vũ, lấy hết đất Kinh Châu liền khao thưởng 3 quân, riêng Lã Mông có công đầu. Tôn Quyền rót rượu mừng Lã Mông, Mông vừa đỡ lấy sắp uống thì bị vong hồn Quan Vũ nhập vào báo thù.

Quan Vũ quát tháo một hồi, Tôn Quyền sợ hãi vội kéo các tướng đến bái lạy. Quan Vũ xuất hồn đi thì Lã Mông ngã lăn xuống đất, hộc máu miệng rồi chết.

Qua ngòi bút của Lã Quán Trung, Lã Mông chết một cách vô cùng hoang đường. Đây hoàn toàn là chi tiết hư cấu của tác giả.

Theo Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ, Lã Mông sinh năm 176, là danh tướng kiệt xuất, đại đô đốc của Đông Ngô. Ông từ nhỏ đã nổi tiếng dũng cảm, có chí tiến thủ. Đến năm 216, Lã Mông được phong làm đại đô đốc.

Quan Vũ nhiều lần hiển thánh trong Tam quốc diễn nghĩa (ảnh: Sohu)

Quan Vũ nhiều lần hiển thánh trong Tam quốc diễn nghĩa (ảnh: Sohu)

Năm 219, Quan Vũ từ Nam Quận dẫn quân lên phía bắc đánh Phàn Thành (do phe Tào kiểm soát). Nam Quận trước đây vốn là đất của Đông Ngô, được Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn để lập nghiệp. Sau này Lưu Bị chiếm được Ích Châu, Tôn Quyền muốn đòi lại Nam Quận nhưng Lưu Bị không trả, phái Quan Vũ trấn thủ ở đây.

Nhận thấy Quan Vũ đi đánh Phàn Thành là cơ hội tốt để đoạt lại Nam Quận, Lã Mông giả ốm (Tam quốc chí chép Lã Mông vốn hay ốm), vờ xin Tôn Quyền cho nghỉ để chữa bệnh. Quan Vũ trúng kế, yên tâm đi đánh Phàn Thành.

Lã Mông dùng kế “áo trắng qua sông”. Ông giấu hết binh sĩ trong thuyền, sai lính chèo thuyền mặc áo trắng, giả làm người buôn bán để áp sát và tấn công các đồn phòng thủ ở Nam Quận. Bị đánh bất ngờ, 2 tướng phòng thủ Nam Quận là Phó Sĩ Nhân, Mi Phương đầu hàng. Lã Mông dễ dàng chiếm được Nam Quận.

Quan Vũ sau đó lọt vào ổ mai phục của Lã Mông và bị bắt sống. Tôn Quyền ra lệnh xử tử Quan Vũ. Trận chiến ở Nam Quận là đỉnh cao sự nghiệp cầm quân của Lã Mông.

Tam Quốc chí chép, Lã Mông được Tôn Quyền phong làm thái thú Nam Quận. Năm 220, Lã Mông mắc bệnh nặng. Tôn Quyền đón Lã Mông vào cung chữa trị, tìm nhiều phương thuốc chữa. Tôn Quyền mời thầy thuốc ở khắp nơi, hứa thưởng nghìn vàng cho người chữa khỏi được bệnh của Lã Mông.

“Tôn Quyền muốn thấy mặt Lã Mông, lại sợ Mông không được nghỉ ngơi, bèn xuyên lỗ qua tường để xem. Quyền thấy Mông đứng dậy ăn được thì mừng, nếu không thì than thở, trằn trọc cả đêm không ngủ. Bệnh của Mông tạm khỏi. Quyền sai bầy tôi đến chúc mừng. Sau bệnh thêm nặng, Quyền mời đạo sĩ vì Mông mà cầu đảo đêm ngày. Lã Mông chết ở trong điện, Quyền vô cùng đau buồn”, Tam quốc chí chép. 

Từ Tam quốc chí, có thể thấy quá trình Lã Mông mắc bệnh rồi chết rất minh bạch, không hề có chút yếu tố ma mị nào.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, cái chết của Tào Tháo có liên quan đến Quan Vũ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Trong Tam quốc diễn nghĩa, cái chết của Tào Tháo có liên quan đến Quan Vũ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

2. Tào Tháo

Trong Tam quốc diễn nghĩa, Tào Tháo cũng là một nạn nhân khác của vong hồn Quan Vũ.

Ở hồi 77, Tam quốc diễn nghĩa viết, Tôn Quyền ra lệnh chém đầu Quan Vũ, sợ bị Lưu Bị đem quân hỏi tội nên gửi đầu đến cho Tào Tháo. Tào Tháo mở hòm, thấy đầu Quan Vũ mở miệng, trợn mắt, râu tóc dựng ngược liền bị dọa hết hồn hết vía, ngã gục xuống đất, hồi lâu mới tỉnh lại được.  

Tào Tháo từ ngày xem đầu Quan Vũ thì mắc chứng nhức đầu, mỗi đêm nhắm mắt là lại thấy Quan Vũ. Các quan khuyên rằng cung điện ở Lạc Dương nhiều ma quỷ, cần xây cung điện mới. Tào Tháo nghe lời, muốn chặt một cây lê cực lớn để làm nóc điện nhưng lại mạo phạm thần linh.

Tào Tháo bị thần cây lê đến hành hạ, bệnh đau đầu càng trở nặng, không sao chịu được. Đám ma quỷ trong điện Lạc Dương cũng kéo tới đòi mạng, quấy phá ông.

Hoa Đà – thầy thuốc nổi tiếng nhất Tam quốc – được vời đến trị bệnh cho Tào Tháo. Hoa Đà đề xuất biện pháp bổ đầu để chữa bệnh. Tào Tháo không tin, sai xử tử Hoa Đà. Cuối cùng Tào Tháo chết vì bệnh đau đầu.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung miêu tả cái chết cùa Tào Tháo rất chi tiết, nhưng đầy yếu tố hoang đường. Điểm chung của Tào Tháo và Lã Mông là đều bị ma quỷ hành hạ rất thê thảm trước khi chết. Đây đều là các chi tiết hư cấu nhằm “vùi dập” 2 nhân vật kiệt xuất bậc nhất Tam quốc.

Hoa Đà chữa bệnh đau đầu cho Tào Tháo (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hoa Đà chữa bệnh đau đầu cho Tào Tháo (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo Tam quốc chí, Tào Tháo bị mắc bệnh đau đầu suốt nhiều năm, biết Hoa Đà là thầy thuốc giỏi nên mời đến chữa. Những lúc bị đau, Tào Tháo nhờ Hoa Đà châm cứu thì đỡ đau đi nhiều. Chứng nhức đầu theo thời gian ngày càng trở nặng, Tào Tháo sai Hoa Đà đến xem. Đà nói: “Bệnh này khó chữa, chăm lo chữa trị, có thể kéo dài sinh mạng”.

Hoa Đà sau đó về quê. Tào Tháo triệu đến, Hoa Đà lấy cớ vợ ốm để từ chối. Tào Tháo nhiều lần gửi thư, sai cả quan quân tới mời. Hoa Đà cậy tài năng nên khinh thường, không chịu lên đường. Ông cuối cùng bị bắt và chết trong ngục.

“Đà có thể trị khỏi bệnh này, nhưng hắn là kẻ tiểu nhân cố ý kéo dài bệnh để được trọng dụng. Nếu ta không giết kẻ này, cuối cùng hắn cũng không giúp ta cắt trừ gốc rễ bệnh tật”, Tào Tháo nói về Hoa Đà.

Theo Tam Quốc chí, Hoa Đà là người có y thuật cao siêu, nhưng vì lấy nghề thuốc lập nghiệp nên thường hối hận. Thời bấy giờ, nghề thầy thuốc của Hoa Đà chưa được xem trọng. Không có chi tiết nào cho thấy Hoa Đà muốn bổ đầu Tào Tháo.

Năm 220, Tào Tháo tái phát bệnh đau đầu rồi qua đời.

Bàng Thống – quân sư đoản mệnh thời Tam Quốc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Bàng Thống – quân sư đoản mệnh thời Tam Quốc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

3. Bàng Thống

Cái chết của Bàng Thống – quân sư được cho là tài giỏi không kém Gia Cát Lượng – khiến nhiều độc giả Tam quốc diễn nghĩa tiếc nuối. Nhiều người cho rằng, nếu Bàng Thống không chết quá sớm, Lưu Bị đã có thể thống nhất Tam quốc.

Theo Tam quốc chí, năm 211, Lưu Chương trấn thủ Ích Châu nhưng thường xuyên bị Trương Lỗ, thế lực cát cứ ở Hán Trung, uy hiếp. Lưu Chương muốn Lưu Bị đưa quân từ Kinh Châu vào hỗ trợ. Nhân dịp này, Bàng Thống đề nghị Lưu Bị chiếm cả Ích Châu.

Cuối năm 212, Trương Tùng – quan dưới trướng Lưu Chương – bị phát hiện âm mưu liên kết với Lưu Bị nhằm tạo phản. Lưu Chương xử tử Trương Tùng, trở mặt với Lưu Bị. Lưu Bị cũng lấy cớ Lưu Chương cấp thiếu quân lương để tấn công Ích Châu. Quân Lưu Bị thế như chẻ tre, chẳng bao lâu đã chiếm được Bồi Thành, uy hiếp Lạc Thành.

Hồi 63 Tam quốc diễn nghĩa viết, Bàng Thống chết trong trận Lạc Thành. Trước khi chết, Bàng Thống gặp rất nhiều điềm xấu và cát chết của ông đã được Gia Cát Lượng báo trước trong một bức thư gửi Lưu Bị.

Tuy nhiên, Bàng Thống phớt lờ chuyện này vì cho ràng Gia Cát Lượng đố kỵ với công lao của ông ở Ích Châu.

Trước khi tiến đánh Lạc Thành, Bàng Thống bị ngựa hất xuống đất như một điềm báo. Lưu Bị đổi ngựa trắng mình đang cưỡi cho Bàng Thống. Đây là con ngựa Đích Lư nổi tiếng hại chủ.

Bàng Thống dẫn quân theo đường nhỏ tiến đánh Lạc Thành, đến gò Lạc Phượng (chim phượng sa xuống đất), ông than: “Ta hiệu là Phượng Sồ, mà đây lại là gò Lạc Phượng, dễ thường quan hệ đến tính mạng ta”.

Bàng Thống vội rút lui nhưng bị tướng của Lưu Chương là Trương Nhiệm cho quân mai phục tấn công. Quân Ích Châu thấy tướng địch cưỡi ngựa trắng, ngỡ là Lưu Bị nên cứ nhằm Bàng Thống mà bắn. Bàng Thống chết trong loạn tên.

Từ Kinh Châu, Gia Cát Lượng xem thiên văn thấy một ngôi sao lớn rơi xuống, biết là Bàng Thống đã chết.

Đây đều là các tình tiết hư cấu của La Quán Trung nhằm đề cao tài năng của Gia Cát Lượng. Giống với Chu Du, Bàng Thống trong Tam quốc diễn nghĩa chết vì đố kỵ với Gia Cát Lượng.

Bàng Thống là người có công lớn giúp Lưu Bị chiếm được Ích Châu (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Bàng Thống là người có công lớn giúp Lưu Bị chiếm được Ích Châu (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Tam Quốc chí chép khá rõ ràng về cái chết của Bàng Thống. Theo đó, năm 213, Lưu Bị huy động Trương Phi, Triệu Vân và Gia Cát Lượng dẫn quân từ Kinh Châu vào Ích Châu trợ chiến. Lúc này, Bàng Thống vẫn còn sống (Tam quốc diễn nghĩa viết sau khi Bàng Thống chết, Gia Cát Lượng mới đến Ích Châu).

Năm 214, được tin cánh quân từ Kinh Châu liên tiếp thắng trận, Lưu Bị cùng Bàng Thống mở trận đánh lớn vào Lạc Thành. Bàng Thống dẫn một toán quân nhỏ, dụ Trương Nhiệm ra khỏi Lạc Thành. Lưu Bị dẫn quân chặn đường về của Trương Nhiệm. Cả 2 cánh quân của Lưu Bị cùng áp lại đánh Trương Nhiệm.

Sai lầm của Bàng Thống là xông pha trận mạc. Ông vốn là quân sư, không phải tướng đánh trận. Bàng Thống bị trúng tên và chết trong trận Lạc Thành.

Lưu Bị sau khi chiếm được Lạc Thành, sai mang Trương Nhiệm ra xử tử. Mỗi khi nhắc tới Bàng Thống, Lưu Bị thường khóc than.

____________

Tào Tháo đến lúc sắp chết cũng không hề khóc, nhưng trong cuộc đời chinh chiến, ông đã từng rơi nước mắt vì 3 nhân vật đặc biệt. Ai có thể khiến "gian hùng" Tào Tháo động lòng rơi lệ? Mời bạn đọc tham khảo trong bài kỳ sau, xuất bản sáng sớm 4/5.

Nguồn: [Link nguồn]

3 nhân vật tài giỏi bậc nhất nhưng bị Tam quốc diễn nghĩa “dìm hàng” thê thảm

Để chia phe “thiện” – “ác” trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã buộc một số nhân vật phải chịu tiếng oan. Những đánh giá sai lệch về họ nên được làm sáng tỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Tam Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN