Sự thật lịch sử: Bao Công có phải là kỳ tài phá án?
Bao Công nổi tiếng trên phim ảnh là vị quan thanh liêm, chính trực, đặc biệt đã nhiều lần phá giải được những vụ án ly kỳ, hấp dẫn. Tuy nhiên, sự thật về vị quan này trong lịch sử lại không được như vậy.
Bao Công – vị quan nổi tiếng tham liêm, chính trực trong lịch sử Trung Quốc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Theo Bách khoa toàn thư lịch sử Trung Quốc, Bao Công (999-1062), tên thật là Bao Chửng. Ông là người ở Hợp Phì, Lư Châu (nay thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc).
Bao Công sinh trưởng trong một gia đình có dòng dõi quan lại. Cha ông là Bao Nghi, từng giữ chức quan đại phu trong triều. Khi còn nhỏ, Bao Công đã nổi tiếng là người con hiếu thảo, sống mực thước.
Năm 1027, Bao Công thi đỗ tiến sĩ. Ông được cử đến nhậm chức tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc). Tuy nhiên, do cha mẹ già yếu, Bao Công xin hoãn làm quan để ở nhà chăm sóc.
Sau khi cha mẹ qua đời, ông quay lại làm quan. Bao Công đã trải qua nhiều chức vụ, từ tri huyện Thiên Trường, tri phủ Đoan Châu đến chức Ngự sử…Chức vụ cao nhất mà Bao Công đảm nhận gần cuối đời là Khu mật Phó sứ, tương đương với chức phó Tể tướng.
Trong các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, cũng như điện ảnh, Bao Công được biết đến rộng rãi khi đảm nhận chức vụ Phủ doãn phủ Khai Phong. Phủ Khai Phong hay còn có tên gọi khác là Biện Lương, là kinh đô của nhà Bắc Tống. Tuy nhiên, trên thực tế, Bao Công chỉ giữ chức vụ này trong một năm ngắn ngủi.
Trong thời gian Bao Công giữ vị trí phủ doãn, tình hình an ninh của phủ Khai Phong được cải thiện rất nhiều. Cũng vì vậy mà không có bất kỳ vụ án lớn nào được ông phá giải trong suốt một năm này.
Bao Công chỉ giữ chức Phủ doãn phủ Khai Phong trong vỏn vẹn một năm (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Về khả năng phá án của Bao Công, theo cuốn “Lịch sử Trung Quốc 5000 năm”, khi còn giữ chức tri huyện Thiên Trường, Bao Công từng xử lý một vụ án khá thú vị:
Một người nông dân ban đêm nhốt bò trong chuồng, đến sáng sớm đã thấy bò nằm dưới đất, trong miệng đầy máu vì lưỡi bị cắt đứt. Người này lập tức đến báo án. Bao Công nghe rõ sự tình, nhưng không phái người tới điều tra, chỉ nói: “Ngươi hãy khoan làm ầm ĩ việc này. Hãy trở về làm thịt con bò đó rồi nói sau”.
Người nông ban đầu còn e ngại, vì bấy giờ luật pháp nhà Tống có quy định, không được giết trâu, bò cày, để đảm bảo sức kéo nông nghiệp. Suy đi tính lại, con bò đã bị cắt lưỡi thì chẳng thể sống nữa, mà quan đã cho phép thì cũng không sợ bị phạt, người nông dân trở về giết bò, đem thịt ra chợ bán.
Quả nhiên ngay ngày hôm sau, có người hàng xóm đến nha huyện tố cáo tội tự ý giết bò cày. Bao Công gọi kẻ tố cáo vào, đập bàn quát lớn: “Tên này thật to gan, ngươi cắt lưỡi bò của người ta rồi còn dám tới đây tố giác sao?”
Kẻ tố giác sợ hãi, ngây người ra không cãi được, vội dập dầu nhận tội. Từ đó, Bao Công nổi tiếng về tài xử án. Tuy nhiên, những vụ án ông điều tra, xét xử khi còn là tri huyện, chỉ là những vụ nhỏ lẻ, trộm gà bắt chó.
Vụ án lớn nhất mà Bao Công từng trực tiếp xử lý, là vụ Lãnh Thanh giả mạo hoàng tử. Theo Tống sử, vào năm Hoàng Hựu thứ hai (năm 1050), tại kinh thành xuất hiện một kẻ có tên là Lãnh Thanh, cùng với một đạo sĩ, tên Cao Kế An, đi đến đâu cũng tự rêu rao mình là con trai thất lạc của hoàng đế Tống Nhân Tông.
Theo lời Lãnh Thanh, hắn là con trai của một cung nữ trong cung, tên Vương Thị. Vương Thị đã từng được hầu hạ hoàng đế, nhưng vì sau đó trong cung xảy ra hỏa hoạn nên nhiều cung nữ bị đuổi. Bà phải về quê và lúc này mới phát hiện mình đã mang thai.
Đến khi Lãnh Thanh trưởng thành, được mẹ nói rõ thân phận, lại đưa ra một dải lụa do vua ban, gọi là “Long Phụng tú” để chứng minh.
Vụ án lớn duy nhất Bao Công từng điều tra là vụ giả mạo làm hoàng tử (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Phủ doãn phủ Khai Phong khi đó là Tiền Minh Dật, cho gọi Lãnh Thanh đến tra hỏi, nhưng không cách nào làm rõ được chân tướng. Thậm chí, còn bị Lãnh Thanh dọa cho sợ mất vía, phải cúi mình thi lễ với hắn.
Tống Nhân Tông vốn là một ông vua hiếm muộn, nghe được tin này cũng trở nên mất bình tĩnh, muốn triệu ngay Lãnh Thanh vào cung gặp mặt. Quần thần khuyên can mãi, ông ta mới cho gọi Bao Công, lúc này đang giữ chức Trưởng quản Tri gián viện, đến điều tra vụ việc.
Bao Công trước hết cho thuộc hạ giả làm kẻ ăn chơi du đãng, kết bạn với Lãnh Thanh, ngày đêm ca hát chè chén để thăm dò tin tức. Ông cũng cho triệu Vương Thị đến kinh thành, tra rõ đầu đuôi, biết được Lãnh Thanh từ nhỏ vốn là kẻ ăn chơi, lêu lổng.
Ngoài Lãnh Thanh, Vương Thị còn sinh được một cô con gái. Bà ta đúng từng là cung nữ trong cung, còn tấm lụa “Long Phụng tú”, là do Lãnh Thanh tự ý lấy đi.
Bao Công nắm rõ sự tình, mới cho gọi Lãnh Thanh đến tra hỏi cặn kẽ: “Mẹ ngươi đúng là từng ở trong cung, nhưng ngươi rõ ràng là có một chị gái, sao chị ngươi không xưng là công chúa, mà ngươi lại dám nhận là hoàng tử?”.
Lãnh Thanh cứng họng, đành phải nhận tội. Hắn khai tên đạo sĩ Cao Kế An thấy mình khôi ngô, tuấn tú, cử chỉ khoáng đạt, trong nhà lại có tấm lụa vua ban nên lập kế bày ra một trò đại bịp. Nếu trót lọt, Lãnh Thanh sẽ lên làm hoàng đế, còn Cao Kế An dĩ nhiên nhận chức Quốc sư. Hai kẻ này về sau đều bị xử chém.
Có thể thấy, những vụ án mà Bao Công xử lý không nhiều và cũng không nằm trong thời gian làm việc tại phủ Khai Phong. Ông nổi tiếng trong sử sách là một vị quan thanh liêm, chính trực, hơn là một kỳ tài phá án.
Phủ Khai Phong nơi Bao Công làm việc (ảnh minh họa)
Khi Bao Công giữ chức tri phủ Đoan Châu (nay là thành phố Triệu Khánh, Trung Quốc), nơi đây vốn nổi tiếng với nghề làm nghiên mực. Hằng năm, quan địa phương phải nộp một số nghiên mực loại tốt nhất cho triều đình sử dụng.
Các quan tri phủ trước đó, thường nâng khống số nghiên mực phải nộp lên hàng chục lần, sau đó bớt xén để lấy tiền chi tiêu hoặc lấy nghiên mực thượng hạng lên biếu quan trên. Bao Công làm tri phủ Đoan Châu gần 5 năm, chỉ thu đủ số, không hề lấy riêng một nghiên mực nào.
Bao Công đến nhậm chức Phủ doãn phủ Khai Phong, quyết tâm chỉnh đốn trị an kinh thành. Theo quy định của nhà Tống, người dân muốn đến cáo giác ở nha môn thì không được tố cáo miệng.
Trước tiên, họ phải thuê người viết đơn, sau đó, lại nhờ đám thư lại chuyển đơn lên tri phủ. Bọn thư lại vì vậy tha hồ hạch sách, đòi tiền, nhũng nhiễu người dân.
Bao Công kiên quyết bài trừ tệ nạn này. Ông cho đặt một cái trống lớn ở cổng phủ, ai muốn tố cáo thì trực tiếp đến đánh trống là được xét xử, không cần thu đơn từ. Các vụ kiện liên quan đến những kẻ quan lại, quyền quý, vì vậy dồn đến nhiều như mây nước.
Bao Công cũng là người có công lớn trong việc trị thủy ở Khai Phong. Năm Diên Hựu nhứ nhất (năm 1056), thành Khai Phong có lũ lớn.
Nước từ con sông Huệ Dân chảy giữa Khai Phong đột nhiên dâng ngập một nửa kinh thành. Nguyên nhân là do đám quan lại lợi dụng chức quyền, lấn chiếm đất hai bên bờ để xây cất nhà cửa, vườn tược, làm cho diện tích lòng sông bị thu hẹp, nước không thoát nhanh được.
Bao Công cho rà soát lại toàn bộ những giấy tờ đất đai của bọn quan lại hai bên bờ sông, phát hiện toàn bộ đều là giả mạo. Ông lập tức tâu lên hoàng đế, cho phá hết nhà cửa, hoa viên lấn chiếm và bắt bọn quan lại phải bỏ tiền ra khơi thông dòng sông rộng như cũ. Nhân dân khắp kinh thành vì vậy đều ca ngợi, gọi Bao Công là Bao Thanh Thiên.
Bộ ba đao trảm đầu của Bao Công (ảnh minh họa)
Tống sử chép, Bao Công khi giữ chức Ngự sử - chức quan có nhiệm vụ can gián, giám sát quan lại trong triều, cũng nổi tiếng là người cương trực. Trước sự tố cáo của ông, đã có hơn 30 quan lại bị bãi chức, đặc biệt là vụ việc của Trương Nghiêu Tá. Hắn ta là bác ruột của Trương Quý Phi, người được hoàng đế vô cùng sủng ái.
Trương Nghiêu Tá vốn không có tài cán gì, nhưng lại được giữ những chức quan rất quan trọng trong triều. Khi Tống Nhân Tông muốn phong cho hắn làm chức Tuyên huy Sứ (chức quan lớn cai quản một lúc nhiều đơn vị hành chính cấp phủ), Bao Công đã bền bỉ dâng tấu phản đối 3 ngày liền.
Tống Nhân Tông vô cùng bực tức, tiếp tục phong Trương Nghiêu Tá lên làm Tuyên huy sứ. Bao Công cũng không nhượng bộ, trực tiếp lý luận với hoàng đế ngay trong triều. Bao Công tranh cãi quyết liệt, nước miếng bắn cả vào người vua.
Về đến hậu cung, Tống Nhân Tông tức giận mắng Trương Quý Phi: “Bao Chửng tranh luận, nhổ thẳng nước bọt vào mặt ta, nàng chỉ lo đến cái chức tuyên huy sứ, lẽ nào không biết đến Ngự sử Bao Chửng?”
Trước sự can ngăn quyết liệt của Bao Công, Trương Nghiêu Tá không được thăng chức. Tống Nhân Tông về sau cũng không nghe lời Trương Quý Phi mà phong thưởng quá cao cho người nhà nữa. Tuy vậy, Bao Công cũng bị giáng chức, đi Hà Bắc làm quan vận chuyển vật liệu cho triều đình.
Bao Công được người đời sau vô cùng kính phục bởi sự thanh liêm, chính trực (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Theo Tống sử, phần “Bao Chửng truyện” viết: “Chửng tính không a dua bè phái, chưa từng sửa nét mặt để làm vừa lòng người khác. Bình sinh không chút riêng tư, dù bà con thân thuộc cũng không gặp mặt. Y phục, đồ dùng, ăn uống lúc hiển quý vẫn như lúc áo vải”.
Trước khi qua đời, Bao Công đã để lại di huấn cho con cháu rằng: “Con cháu đời sau làm quan lại, ai phạm phải tội tham ô hối lộ thì không được về đất tổ. Sau khi kẻ đó chết, cũng không được chôn trong khu mộ dòng tộc. Nếu không làm theo tâm ý của ta, thì không phải con cháu hậu duệ của ta”.
Bao Công còn sai con trai khắc lời răn này lên bia đá dựng trong nhà, để cho con cháu các đời sau noi theo.
Nguồn: [Link nguồn]
Vị Thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh đã có lần tức tốc sang nước Đức, đòi “phân phải trái” với Hitler, nhưng cái...