Sự thật ít biết về chuyến thăm Crimea của Thủ tướng Anh Winston Churchill
Đầu năm 1945, các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Liên Xô đã tham dự Hội nghị Yalta tại Crimea thuộc Liên Xô. Nhưng, ít người biết rằng Thủ tướng Anh Winston Churchill trước đó đã từng đến thăm bán đảo này. Ông cũng là người thuyết phục Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt tới Crimea...
Các nhà lãnh đạo: Winston Churchill, Franklin Roosevelt và Joseph Stalin ở Livadia
Bị quân phát xít Đức tàn phá
Thủ tướng Anh Winston Churchill đến Crimea vào ngày 19-10-1944. Khi đó, ông tham gia Hội nghị Matxcơva lần thứ 4. Tại đây, các nước đồng minh thảo luận về trật tự thế giới thời hậu chiến. Trên đường về nước, do cần tiếp nhiên liệu, chuyên cơ chở ông Churchill hạ cánh xuống sân bay quân sự gần thành phố Simferopol ở Crimea. Chính quyền Crimea đã tiếp đón Thủ tướng Winston Churchill và các thành viên phái đoàn Anh tại một khách sạn ở Simferopol. Ông Churchill đã ở đây từ khoảng 17h đến 1h sáng hôm sau. Bữa tiệc tối sang trọng cũng đã được tổ chức tại khách sạn tại Simferopol.
Theo bà Elizabeth Nel, thư ký của ông Churchill, Simferopol khi đó bị các cuộc pháo kích của quân phát xít Đức tàn phá. Người Đức chỉ mới rút đi vài tháng trước và để lại những đống đổ nát. Tuy nhiên, một ngôi nhà nhỏ ở Simferopol được dùng làm nơi nghỉ ngơi cho ngài Thủ tướng và các thành viên trong phái đoàn Anh. Bà Nel cũng kể rằng, tối hôm đó, nến được thắp ở phòng tiệc. Những người phục vụ phái đoàn Anh là các cô gái Nga có gương mặt tươi tắn và bước đi loạng choạng với đôi giày cao gót khác thường. Họ hình như vừa mặc vội bộ đồng phục tiếp viên. Bữa tiệc diễn ra tốt đẹp. Mọi người hút xì gà, uống rượu vodka …
Có lẽ chuyến thăm Simferopol và những kỷ niệm êm đềm về vùng đất này đã tác động đến ông Churchill. Đó là, khi cần chọn địa điểm tổ chức hội nghị mà ở đó phe Đồng minh bàn bạc về các vấn đề sau chiến tranh, nhiều phương án khác nhau được đưa ra xem xét. Vào ngày 12-12-1944, ông Churchill đã thuyết phục ông Roosevelt đồng ý với đề nghị về việc tổ chức hội nghị này ở Crimea của nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin và nói thêm rằng trước đó ông đã dừng chân tại Simferopol.
Phải ngủ đêm trên tàu chiến
Hội nghị các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Liên Xô đã diễn ra vào tháng 2-1945 tại Cung điện Livadia ở thành phố Yalta của Crimea. Máy bay của Thủ tướng Winston Churchill hạ cánh xuống sân bay quân sự Saki ở Crimea vào ngày 3-2-1945. Ông Churchill đi cùng với con gái Sarah. Cô Sarah sau đó đã mô tả hành trình của họ trong các bức thư gửi cho mẹ cô. Sarah viết rằng, cô đi trên xe cùng với bố. Ông có tâm trạng tốt. Nhưng, xe của họ phải chạy qua vùng nông thôn trên các con đường lầy lội, gập ghềnh. Sau hơn 2 giờ, xe đến vùng núi. Đường sá tốt hơn…
Điểm dừng chân để ăn trưa diễn ra ở Alushta cách Simferopol 50km. Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov tiếp đón ông Churchill và con gái. Ông Churchill sau đó viết rằng đó là món ăn nhẹ ngon nhất. Còn Sarah mô tả trong bức thư gửi cho mẹ cô rằng bữa ăn trưa có rượu sâm panh, trứng cá muối. Mọi người ăn uống no say, trò chuyện vui vẻ.
Ngày 4-2-1945, các nhà lãnh đạo Franklin Roosevelt, Joseph Stalin và Winston Churchill cùng các thành viên trong phái đoàn ăn tối tại Cung điện Livadia. Trong 6 ngày tiếp theo, các nhà lãnh đạo liên tục hội đàm và đã đưa ra các quyết định quan trọng. Sau khi kết thúc Hội nghị Yalta vào ngày 11-2-1945, ông Churchill và con gái đã đến Sevastopol. Tại đây, họ quan sát tàu chiến ở Biển Đen bao gồm cả các tàu của Mỹ và Anh đã đến đây một ngày trước đó. Khi vào thành phố, phái đoàn Anh đã chứng kiến đường sá hư hỏng, những ngôi nhà đổ nát vì bom đạn. Ông Churchill phải ngủ đêm trên tàu chiến của Anh vì không còn tòa nhà nào có thể dùng để ở.
Tại Sevastopol, ông Churchill đã tới nghĩa trang quân nhân Anh, nơi chôn cất ngài John Winston Spencer-Churchill, người mang tước hiệu Công tước xứ Marlborough. Ông đã tử trận trong chiến tranh Crimea. Đây là ông nội của Thủ tướng Winston Churchill.
Nguồn: [Link nguồn]
Cầu Crimea được bảo vệ nghiêm ngặt từ trên bộ, dưới nước và trên không trước khi vụ nổ vào ngày 8-10 khiến 2 nhịp cầu bị sập.