Sự thật chuyện Bao Công phá vụ án nổi tiếng dùng mèo lột da đánh tráo Thái tử mới sinh
"Ly miêu hoán Thái tử" được biết tới là vụ đại án nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc, thể hiện những mưu mô thâm hiểm kinh người chốn cung đình. Theo dân gian và phim ảnh, vụ án này về sau được Bao Công phá giải, trở thành một trong những kỳ tích phá án của Bao đại nhân.
Ly miêu tráo Thái tử là vụ án nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc (ảnh minh họa)
Câu chuyện ly miêu tráo Thái tử bắt đầu nổi tiếng từ thời nhà Thanh, truyền tụng rộng rãi trong dân gian, sau đó, được biên tập lại trong cuốn tiểu thuyết Thất hiệp ngũ nghĩa, của tác giả Phạm Ngọc Côn.
Trong tiểu thuyết Thất hiệp ngũ nghĩa, đại án ly miêu tráo Thái tử lấy bối cảnh vào thời nhà Tống, khi Lưu Hoàng hậu và Lý Thần phi của vua Tống Chân Tông mang thai cùng lúc.
Đến ngày sinh nở, Lưu Hoàng hậu sinh được một công chúa nhưng không may chết yểu lúc vừa chào đời. Trong khi đó, Lý phi lại sinh được một hoàng tử.
Lưu Hoàng hậu vì ghen tức, lập mưu cùng tên thái giám Quách Hòe, lột da một con mèo rừng để đánh tráo với hoàng tử mới sinh.
Lý phi vừa mất con, lại bị vu cho tội sinh ra loài yêu nghiệt, bị đày vào lãnh cung. Lưu Hoàng hậu sai Quách Hòe đưa hoàng tử ra khỏi cung giết hại. May sao hoàng tử lại được một cung nữ tên Khâu Châu cứu thoát.
Một thời gian sau, Lý thị giả vờ điên loạn rồi bị đuổi ra khỏi cung, lưu lạc nhân gian. Con trai bà trải qua nhiều cơ duyên, vẫn được lên ngôi vua, chính là Tống Nhân Tông. Tuy nhiên, Tống Nhân Tông không hề hay biết về thân thế của mình, vẫn nhận Lưu Hoàng Hậu là mẫu hậu, cung phụng không khác gì mẹ ruột.
Sự thật Bao Công có phải là người phá giải vụ đại án này? (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Sự việc bị chìm vào quên lãng cho đến khi Bao Công đi tra án ngoài kinh thành, tình cờ gặp được Lý phi và biết rõ sự tình. Bao Công sau đó phá giải vụ án động trời, trừng trị Lưu Thái hậu và Quách Hòe, nghêng đón Lý phi hồi cung.
Tuy nhiên, đây chỉ là câu chuyện được hư cấu trong tiểu thuyết. Trên thực tế, việc Thái tử bị đánh tráo và việc Tống Nhân Tông nhận lại mẹ ruột mặc dù hoàn toàn có thật, nhưng không hề liên quan tới Bao Công.
Ly miêu tráo Thái tử là một vụ án vô cùng phức tạp. Trước hết, cần phải làm rõ về thân thế của Lưu Hoàng hậu – kẻ chủ mưu.
Lưu Hoàng hậu (968 – 1033), không được Tống sử chép lại tên thật. Theo dân gian và các tác phẩm kịch, phim ảnh, bà thường được gọi với cái tên Lưu Nga, vì vậy trong bài viết, xin sử dụng cái tên này để bạn đọc dễ hình dung.
Theo Tống sử, Lưu Nga quê ở Sơn Tây, từ nhỏ mồ côi cha mẹ, phiêu bạt khắp nơi. Năm 13 tuổi, bà được một nghệ nhân kim hoàn nổi tiếng tại kinh thành tên Cung Mỹ lấy về làm thiếp.
Năm 983, Tống Chân Tông (cha của Tống Nhân Tông), tên thật là Triệu Hằng, lúc bấy giờ chưa lên ngôi, biết tiếng của Cung Mỹ, liền cho triệu vào phủ làm việc. Cung Mỹ dẫn theo Lưu Nga đi cùng. Lưu Nga và Triệu Hằng bằng tuổi, tỏ ra rất quấn quýt, dần nảy sinh tình cảm, Cung Mỹ biết chuyện cũng không dám phản đối.
Sự việc dần truyền đến tai của Tống Thái Tông (cha Triệu Hằng). Giận dữ vì con trai tư thông với một người con gái bần hàn, lại là vợ lẽ của người khác, Tống Thái Tông ra lệnh đuổi Lưu Nga ra khỏi kinh thành. Triệu Hằng ra sức tìm cách luồn lách, giấu Lưu Nga vào ở nhà của một người quen biết trong kinh.
Lưu Hoàng hậu, người đứng sau thao túng tất cả (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Năm 997, Triệu Hằng lên ngôi, lấy hiệu là Tống Chân Tông (968 – 1022), cho đón Lưu Nga vào cung, phong làm Lưu mỹ nhân. Lưu Nga là người có nhan sắc, cử chỉ lại ôn nhu, tao nhã, rất được lòng Tống Chân Tông.
Lưu Nga sau đó đổi sang nhận chồng cũ là Cung Mỹ làm anh họ, bắt đổi tên thành Lưu Mỹ để nối tiếp hương hỏa nhà họ Lưu. Bà xin với Tống Chân Tông đưa Lưu Mỹ vào triều làm quan, nhằm củng cố thế lực cho mình.
Tống sử chép, năm Cảnh Đức thứ tư (1007), Quách Hoàng hậu qua đời, Tống Chân Tông muốn lập Lưu Nga làm hoàng hậu, nhưng bị quần thần kịch liệt phản đối. Triều thần cho rằng, Lưu Nga xuất thân bần hàn, thân thế lại không rõ ràng, đặc biệt lại không có con với hoàng đế, không thể lập làm hoàng hậu. Tống Chân Tông cũng đành bất lực.
Một thời gian sau, cung nữ thân cận hầu hạ Lưu Nga là Lý thị mơ thấy được gặp tiên nhân, báo rằng sắp sinh long thai. Tống Chân Tông và Lưu Nga thấy vậy bèn lập kế mượn bụng của Lý thị sinh con, lấy cớ để lập hoàng hậu.
Tống Chân Tông cho Lý thị vào hầu hạ, quả nhiên không lâu sau thì có thai, được thưởng cho một cây trâm ngọc. Có lần, Lý thị cùng Hoàng đế lên một lầu cao, trâm ngọc chẳng may rơi xuống đất, Tống Chân Tông cầu rằng: "Nếu trâm còn nguyên, tất sinh quý tử". Khi cho người xuống nhặt dâng lên thì quả nhiên, cây trâm vẫn còn nguyên vẹn.
Năm 1011, Lý thị sinh được một hoàng tử, đặt tên là Triệu Thụ Ích. Tống Chân Tông tuyên bố với quần thần rằng hoàng tử là do Lưu Nga sinh ra. Lưu Nga được phong làm Tu nghi (cách hoàng hậu hai bậc).
Trong cung ai cũng biết chuyện nhưng không dám nói ra, Lý thị về sau cũng được phong là Sùng Dương huyện quân.
Lưu Nga dựa thế Tống Chân Tông sủng ái, cướp con của Lý phi (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Tháng 12, năm 1012, Tống Chân Tông tuyên cáo thiên hạ, chính thức lập Lưu Nga làm hoàng hậu, Triệu Thụ Ích được phong Thái tử, quần thần không ai có thể phản đối.
Lưu Hoàng hậu vốn là người thông minh, lại có nhiều tham vọng. Từ khi vào cung, bà ta đã ra sức học tập, đọc nhiều sách vở, đối với việc chính trị, tấu chương đều biết tường tận.
Tống Chân vì quá sủng ái Lưu Nga, thường cho cùng bàn việc nước, phê duyệt tấu sớ các nơi gửi về. Trong triều, không ít quần thần phản đối việc này. Lưu Nga dựa vào thế lực của những đại thần như Lưu Mỹ, Tiền Duy Viễn, Định Vị trấn áp, tước hết quyền hành của những kẻ phản kháng.
Năm 1022, Tống Chân Tông qua đời, Lưu Nga trở thành Hoàng Thái hậu. Tống Chân Tông trước khi mất, lập chiếu truyền ngôi cho Triệu Thụ Ích – tức Tống Nhân Tông.
Ông cũng để lại di chiếu cho Lưu Nga có quyền “Quân quốc trọng sự, quyền thủ xử phân” (quyền được tham gia vào chính sự, nếu là việc trọng đại). Tống Nhân Tông lên ngôi lúc mới 11 tuổi, quyền hành trong triều tất cả đều rơi vào tay Lưu Hoàng Thái hậu.
Trong lịch sử Trung Quốc, Lưu Nga thường được so sánh với Lã Hậu (vợ Lưu Bang) và Võ Tắc Thiên, đều là những người phụ nữ quyền lực khuynh đảo thiên hạ. Tuy nhiên, thân thế của bà trong lịch sử Trung lại rất mù mờ, thậm chí, còn không có cả tên thật. Điều này đến nay vẫn là một trong những bí ẩn trong lịch sử Trung Quốc.
Lưu Nga quyền lực vượt trên cả hoàng đế, đày đọa Lý phi (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Nói về Lý thị, sau khi Tống Chân Tông băng hà, bà bị Lưu Nga đẩy đi canh giữ lăng miếu, không được gặp mặt con trai. Theo cuốn Tư trị thông giám, quần thần trong triều bị Lưu Nga áp chế, không ai dám nói sự thật. Tống Nhân Tông vì vậy, không hề hay biết về thân thế thật sự của mình.
Tháng 4.1032, Lý thị qua đời, được phong hiệu là Thần phi. Có một số thông tin cho rằng, bà bị Lưu Nga hạ độc chết.
Lý Thần phi chết nhiều ngày, Lưu Nga vẫn không cho phát tang. Tể tướng là Lã Di Giản bất bình, liền lên triều tâu chuyện có người chết trong cung. Lưu Nga bắt Tống Nhân Tông đi ra ngoài, rồi mắng Lã Di Giản té tát.
Lã Di Giản nổi giận, nói: “Muốn họ Lưu sau này còn tồn tại, thì phải trọng đãi Lý Thần phi”. Lưu Nga vì vậy e ngại, bèn dùng nghi lễ của hoàng hậu, an táng cho Lý phi rất tử tế.
Năm 1033, Lưu Nga lâm bệnh rồi qua đời. Tống Nhân Tông sai bỏ đế phục mà bà ta đang mặc, cho làm tang lễ rất trọng thể.
Lúc này, chú của Tống Nhân Tông là Yên vương Triệu Nguyễn Nghiễm mới tiết lộ thân thế thật sự của hoàng đế, lại kể tội Lưu Thái hậu đã hạ độc sát hại Lý Thần phi, rồi dùng dằng không chịu phát tang.
Tống Nhân Tông kinh hoàng, ốm liền mấy ngày trời, hạ chiếu tự trách móc bản thân. Ông sai quân bao vây phủ của nhà họ Lưu. Sau đó, đích thân tới mộ của Lý Thần phi thăm viếng.
Khi khai quật và bật nắp quan tài, phát hiện xác của Lý Thần phi được ướp bởi rất nhiều thủy ngân, dung nhan vẫn nguyên vẹn như trước khi mất, lại mặc trang phục của hoàng hậu, Tống Nhân Tông than vãn: “Chuyện thiên hạ nói, sao có thể đáng tin”.
Tống Nhân Tông vì vậy ra lệnh tha tội cho cả nhà họ Lưu, ân điển như cũ, lại đến trước mộ của Lưu Nga – Lưu Thái hậu khóc than: “Từ nay về sau, đại nương cả đời trong sạch”.
Tống Nhân Tông làm rõ thân thế, nhận lại mẹ ruột (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Đến đây mới thấy, những lời mà Tể tướng Lã Di Giản nói với Lưu Nga khi trước đã hoàn toàn ứng nghiệm. Tống Nhân Tông sợ thiên hạ đàm tiếu về Lưu Thái hậu, ra chiếu bố cáo công khai sự việc, khuyên răn cả nước.
Tuy nhiên, câu chuyện Tống Nhân Tông nhận lại mẹ ruột về sau vẫn bị thêu dệt đủ điều, rồi trở thành vụ án “ly miêu tráo Thái tử” nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc.
Xét về Bao Công, năm 1027 ông mới đỗ tiến sĩ, sau đó, về nhà chăm sóc cha mẹ. Đến năm 1035, Bao Công mới ra làm quan, bắt đầu từ chức Tri huyện Thiên Trường (nay thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc), vì vậy, ông không thể có đóng góp hay liên quan gì đến sự kiện này.
Nguồn: [Link nguồn]
Bao Công nổi tiếng trên phim ảnh là vị quan thanh liêm, chính trực, đặc biệt đã nhiều lần phá giải được những vụ án...