Sự thật bất ngờ về cướp biển Somalia

Nhắc đến cướp biển Somalia, nhiều người nghĩ tới những kẻ tàn ác, xảo quyệt, nghiện ma túy, nhưng đó chỉ là một phần sự thật.

Sự thật bất ngờ về cướp biển Somalia - 1

Cướp biển Somalia đứng cạnh một con tàu vừa chiếm được

Mới đây, 26 con tin người châu Á, trong đó có người Việt Nam đã được thả tự do sau 4 năm bị cướp biển Somalia giam giữ. Đây là vụ bắt cóc con tin lâu thứ hai của cướp biển Somalia.

Cướp biển ở ven biển quốc gia châu Phi này là một mối đe dọa lớn với vận tải quốc tế. Trong năm 2012, cướp biển Somalia đã khiến nền kinh tế toàn cầu tổn thất 5,7 tỷ đến 6,1 tỷ USD. Năm 2015, những tên cướp biển trong khu vực đã tấn công ít nhất 306 thủy thủ.

Dù xuất hiện với tần số dày đặc trên các trang báo quốc tế, có một điều ít người biết về cướp biển Somalia: rất nhiều trong số họ xuất phát là ngư dân.

Thật dễ dàng để tưởng tượng hình ảnh cướp biển Somalia xảo quyệt, ăn mặc quần áo rách rưới, sử dụng ma túy tràn lan, dựa trên những bài báo viết về nạn cướp biển ở đây. Thế nhưng theo các chuyên gia, tờ Time đưa tin, họ không phải là những tên cướp liều lĩnh, thay vào đó, chỉ là những người theo chủ nghĩa cơ hội ở vùng đất ít luật lệ nhất hành tinh.

Sự thật bất ngờ về cướp biển Somalia - 2

26 con tin người châu Á, trong đó có người Việt Nam đã được thả tự do sau 4 năm bị cướp biển Somalia giam giữ

Từ sau cuộc nội chiến lật đổ chính phủ cuối cùng của Somalia năm 1991, quốc gia với 3.330 km đường bờ biển (dài nhất châu Phi) thường xuyên bị tàu nước ngoài cướp phá. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2006 cho biết trong giai đoạn trên, vùng biển Somalia đã trở thành địa điểm quốc tế với tên "miễn phí cho tất cả". Đội tàu đánh cá từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây đánh bắt trái phép tài nguyên của Somalia và khiến ngư dân nước này mất nghiệp. Cũng theo một báo cáo khác của Liên Hợp Quốc, lượng thủy hải sản trị giá 300 triệu USD đã bị lấy cắp từ bờ biển của nước này mỗi năm.

Để đối mặt với điều này, người dân Somalia bị “bần cùng hóa” đã buộc phải bảo vệ chính môi trường kiếm ăn của mình tại ven biển Eyl, Kismayo và Harardhere (những nơi hiện đang là hang ổ của cướp biển).

“Những băng đảng cướp biển đầu tiên xuất hiện vào những năm 90, nhằm chống lại các tàu đánh cá nước ngoài", ông Peter Lehr, giảng viên về chủ nghĩa khủng bố tại Đại học St Andrews ở Scotland nói. Tên của các đội tàu cướp biển hiện tại, ví dụ như Cảnh sát biển tình nguyện quốc gia Somalia hay Thủy quân lục chiến Somalia, là minh chứng cho động cơ ban đầu của hải tặc.

Sự thật bất ngờ về cướp biển Somalia - 3

Ngư dân Somalia bị “bần cùng hóa” đã buộc phải bảo vệ chính môi trường kiếm ăn của mình

Vùng nước mà người Somalia bảo vệ là một mỏ vàng đánh cá, theo giảng viên Lehr. Một nghiên cứu năm 2006 dự đoán với tỷ lệ khai thác thủy sản hiện tại, đến năm 2050, hầu hết đại dương sẽ trống rỗng. Tuy nhiên, vùng biển Somalia vẫn sẽ cung cấp cá ngừ, cá mòi và cá thu và các loài hải sản khác như tôm hùm và cá mập.

Các nhóm đánh bắt cá quốc tế thường đến từ các nước xa xôi như Hàn Quốc, Nhật Bản và Tây Ban Nha, hoạt động bất hợp pháp và không có giấy phép trong nhiều thập kỷ qua, Liên Hợp Quốc cho biết. Tsuma Charo, làm việc tại Chương trình hỗ trợ thủy thủ tại Nairobi, nói "đánh bắt bất hợp pháp đã khiến cướp biển ngày càng gia tăng".

Trong những ngày khởi đầu của cướp biển Somali, ngư dân bắt giữ tàu cá nước ngoài có thể lấy được tiền chuộc nhanh chóng. Lý do là các chủ tàu và các công ty không muốn gây sự chú ý vì sự vi phạm luật biển quốc tế của họ. Điều này, theo Charo, cho phép cướp biển xây dựng mạng lưới chiến thuật và thèm muốn những chiến lợi phẩm lớn hơn.

Sự thật bất ngờ về cướp biển Somalia - 4

"Đánh bắt bất hợp pháp đã khiến cướp biển ngày càng gia tăng"

Ngoài đánh cá bất hợp pháp, tàu nước ngoài cũng bị các ngư dân địa phương buộc tội đổ chất thải độc hại ngoài khơi Somalia. Một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc năm 2005 cho biết các chất thải phóng xạ có hại đã gây ra một loạt bệnh hô hấp và da liễu ở những ngôi làng dọc theo bờ biển Somali.

Kết hợp những yếu tố trên, hải tặc Somali đã xâm lấn vào ngành công nghiệp đánh bắt, ngành công nghiệp bùng nổ duy nhất của nước này. Theo các nhà quan sát, nếu không phải ngư dân, cướp biển Somalia cũng là những người nghèo tìm kiếm vận may của họ, Time đưa tin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN