Chuyện Tào Tháo xa hoa, trụy lạc trong Tam quốc diễn nghĩa và sự thật trái ngược hoàn toàn
Trong Tam quốc diễn nghĩa, sự xa hoa, trụy lạc của Tào Tháo được thể hiện rõ nét nhất qua việc xây dựng đài Đồng Tước lộng lẫy, tuyển nhiều gái đẹp đưa vào đó để hưởng lạc.
Tào Tháo thường bị coi là gian hùng, tính cách tham lam, thích ăn chơi hưởng lạc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Trong suốt tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã xây dựng một nhân vật Tào Tháo nổi tiếng với tính cách tiểu nhân. Một kẻ tham tài hiếu sắc và đặc biệt ưa thích ăn chơi xa xỉ.
Sự xa hoa, trụy lạc của Tào Tháo trong tác phẩm được thể hiện rõ nét nhất qua việc xây dựng đài Đồng Tước. Tại hồi 44 và 56 Tam quốc diễn nghĩa, đài Đồng Tước được miêu tả như sau:
“Đền Đồng Tước đứng sừng sững bên bờ sông Chương Hà. Chính giữa là đài Đồng Tước cao hơn mười trượng, cực kỳ tráng lệ. Phía tả là Ngọa Long đài, phía hữu là Kim Phụng đài. Lại có hai cái cầu bắc nối ba đài lại với nhau như hai cầu vồng trên lưng trời. Tào Tháo cho trang hoàng thật lộng lẫy, rồi tuyển nhiều con gái đẹp, bắt ở hết bên trong để hưởng lạc”.
Tuy nhiên, nhiều tài liệu lịch sử thể hiện, trên thực tế Tào Tháo lại là một ông vua có lối sống tiết kiệm và giản dị bậc nhất.
Đài Đồng Tước được ví như biểu tượng sự xa hoa của Tào Tháo (ảnh minh họa)
Ngụy quốc chí (sử liệu chính thức của thời đại Tam quốc), ghi chép như sau:
Trước khi mất, Tào Tháo truyền lệnh xuống dưới lo liệu hậu sự của mình:
- Thiên hạ nay còn chưa định yên, việc chôn cất không nên theo phép xưa. Táng (chôn) xong đều phải bỏ áo tang. Các quân tướng đóng giữ đều không được rời khỏi doanh trại. Các quan lại vẫn phải làm nguyên chức phận. Liệm (vải bọc tử thi) thì dùng áo thường mặc. Không được chôn vàng ngọc châu báu theo.
Ngụy quốc chí còn chép: Cuối thời Hán, các vương công, quý tộc phần nhiều đều bắt chước áo quan của nhà vua, liệm thì dùng bằng khăn lụa cho đẹp. Trong đó, có bọn Viên Thiệu, Thôi Báo dù là tướng sĩ mà đều dùng vải lụa mà liệm. Tào Tháo thấy phép tống tang, mặc áo liệm thây phiền nhiễu mà vô ích, do đó ông tự làm áo quan cho mình khi chết.
Trong lịch sử, đa số các vị quân vương đều rất chú ý đến cuộc sống của mình ở thế giới bên kia sau khi chết. Họ thường cho xây dựng đền đài, lăng tẩm hoàng tráng và chôn theo mình nhiều của cải. Thậm chí, còn chôn sống cả thê thiếp, người hầu hạ theo cùng. Ngụy vương Tào Tháo ngược lại là người không xem trọng vấn đề này.
Tào Tháo thực tế là người có phong cách sống vô cùng giản dị, tiết kiệm (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Không chỉ xót xa sự hoang phí trong việc chuẩn bị hậu sự, mà ngay cả việc hỷ sự, Tào Tháo cũng là người đặc biệt tiết kiệm. Khi con gái của ông được gả đi thì màn che trong phủ chỉ được dùng loại vải thô, màu đen. Của hồi môn cũng vô cùng đơn giản. Hầu gái được cho đi theo không quá mười người.
Trong đời sống hàng ngày, Tào Tháo lại càng thể hiện sự đạm bạc, không ưa xa xỉ. Trong Nội giới lệnh (lệnh trong phủ của Tào Tháo), ông nói:
- Quần áo, chăn màn của ta đều đã dùng được hơn mười năm. Hàng năm, ta đều tháo ra giặt lại, may vá rồi dùng tiếp.
Ông đặt ra quy định tỳ thiếp trong phủ không được mặc áo gấm thêu, người hầu kẻ hạ không được đi giày có hai màu. Trướng dùng chỉ đủ rộng để che gió, rách thì may vá lại. Đệm chiếu nằm chỉ cần đủ mềm mại, không được thêu thêm viền.
Tương truyền, có lần Tào Tháo nhìn thấy người con dâu - vợ của Tào Thực, ăn mặc quá sức lộng lẫy, vi phạm giới lệnh. Ông nổi trận lôi đình và ban cho nàng ta cái chết ngay sau đó.
Đối với kẻ dưới, Tào Tháo cũng cực kỳ cẩn thận trong việc phong thưởng. Khi đánh thành, chiếm ấp, thu được tiền bạc ông đều ban hết cho người có công, thưởng cho người gắng sức. Bốn phương dâng vật gì đều cùng bầy tôi chung hưởng. Tuy nhiên, nếu không có công thì một tơ một hào cũng không được phép cho.
Tào Tháo là vị quân vương rất chăm lo cho đời sống người dân (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Ngụy chí chép: Ngụy Thái Tổ (Tào Tháo) thấy thiên hạ đổ nát, tài vật thiếu thốn, nên bắt chước người xưa làm mũ da để đội cho bền. Cắt giảm lụa, gấm vóc để làm triều phục của quan lại cho hợp với phong cách giản dị.
Quan chức triều thần cũng đều bị ảnh hưởng theo lối sống mộc mạc của Tào Tháo. Có thể kể đến những tướng lĩnh như Hạ Hầu Đôn, Hoa Hâm, Tuân Úc, đều được ghi nhận trong lịch sử là người có tính tiết kiệm, không tham tài vật.
Trong chính sách an sinh đối với dân chúng, Tào Tháo cũng thể hiện sự tính toán rạch ròi, sao cho không để thất thoát của công. Theo Ngụy thư, lệnh của ông ban ra như sau:
“Mùa đông năm ngoái trời chướng lệ (dịch bệnh) nhiều, dân có tang thương, quân dấy ở ngoài, người cày ruộng thiếu, ta rất thương xót. Nay lệnh cho trai gái, quan dân rằng:
Con gái ngoài tuổi mười bảy mà chưa có chồng con; người mà tay không làm được việc, chân không đi được; người già nếu không có vợ con, anh em của cải, thì đều được cấp ăn cả đời.
Trẻ nhỏ từ mười hai tuổi trở xuống mà không có cha mẹ, anh em thì được nuôi tới đủ mười hai tuổi thì thôi. Người nghèo khổ không tự làm ăn được thì tùy miệng ăn mà cấp phát. Người già cả từ tuổi chín mươi trở lên, không làm việc được thì ban cho một người giúp nuôi”.
Vào cuối năm 2009, các nhà khảo cổ Trung Quốc tuyên bố đã tìm thấy ngôi mộ của Tào Tháo tại thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam. Khi khai quật mộ, các nhà khảo cổ phát hiện trong mộ có những bức vách không được chạm khắc. So với nhiều lăng mộ đế vương khác, các đồ vật được chôn theo cũng ít hơn hẳn.
Có thể thấy, đa số nhiều người đều nghĩ đến Tào Tháo là một gian hùng, xảo quyệt và tham lam. Nhưng thực chất, ông lại là một vị quân vương có lối sống giản dị bậc nhất và rất quan tâm đến đời sống của nhân dân.
Thời Tam quốc, Tào Tháo hay Tôn Quyền đều là những thế lực hùng mạnh hơn Lưu Bị, nhưng Gia Cát Lượng một mực chờ đợi...