Sự tàn nhẫn đằng sau ly cà phê chồn thơm ngon
Thức uống có giá trị cao nhất ngành cà phê, phổ biến ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, chứa đựng sự thật vô cùng tàn nhẫn.
Chồn bị nuôi nhốt công nghiệp
Cà phê chồn, xuất xứ gốc từ Indonesia với tên gọi kopi luwak, là thức uống xếp vào hàng cao cấp. Hương vị của loại cà phê này đậm đà và ít acid hơn do hạt cà phê đã qua quá trình lên men trong dạ dày của loại chồn (thuộc họ cầy hương) sinh sống ở châu Á và Phi. Do tính hiếm có và quá trình khai thác cầu kỳ, giá hạt cà phê tuy đã giảm trong vài năm gần đây những vẫn khá cao, từ 200-400USD/kg và bán rất chạy.
Trước kia, người ta tìm phân chồn sinh sống trong tự nhiên. Tuy nhiên khi thấy lời lãi lớn, nhiều người đã bắt nhốt những con chồn này để sản xuất cà phê công nghiệp. Tờ Animal Welfare đã có bài viết đề cập tới vấn đề này khi khảo sát tình trạng 48 con chồn bị nhốt, và mô tả phương thức kinh doanh này như một dạng "nô lệ".
"Đáng buồn là nhiều du khách không hề biết rằng những con chồn bị nhốt và đối xử rất tàn nhẫn, thậm chí còn chụp ảnh và đưa lên mạng xã hội", Neil D'Cruze, nhà nghiên cứu từ tổ chức phi lợi nhuận Bảo vệ Động vật Thế giới viết trong báo cáo.
Chồn trong lồng tại Indonesia
Trong tự nhiên, hạt cà phê nằm trong khẩu phần của chồn để cân bằng chế độ ăn uống, còn chồn nuôi nhốt bị ép ăn quá nhiều hạt còn xanh. Là giống hoạt động về đêm, chúng dễ căng thẳng do phải ở ngoài ánh nắng mặt trời ngột ngạt. Khi bị kích động, chồn sẽ đánh nhau, tự gặm nát chân mình và thậm chí bị chứng phân kèm máu. Nhiều con bị bệnh và chết do căng thẳng.
Từ năm 2013, ít nhất 13 nhà bán lẻ đã loại bỏ cà phê chồn khỏi danh mục sản phẩm, kể cả các cửa hàng phân phối lớn, và hứa rằng sẽ thực hiện điều tra quy trình sản xuất. Tuy nhiên để điều tiết ngành công nghiệp cà phê rất phức tạp. Việc giám sát nguồn gốc hạt cà phê vốn đã khó, để xác định có xảy ra tình trạng tàn nhẫn với động vật không có thước đo rõ ràng còn khó hơn.
Phó giám đốc Công tác bảo tồn khu vực Đông Nam Á, Chris Shepherd tỏ ra lo ngại: "Indonesia là nhà sản xuất chính, nhưng hình thức này còn tồn tại cả ở Thái Lan, Việt Nam và nhiều khu vực khác. Nên có nhiều nghiên cứu để hiểu được quy mô ngành này một cách đầy đủ, và tìm cách giảm thiểu lượng cầu đối với một sản phẩm có quy trình tàn nhẫn với động vật".