Sự kiện xảy ra 30 giây thay đổi vận mệnh một quốc gia mãi mãi
Cách đây 10 năm, một trận động đất cực mạnh xảy ra Haiti, biến thủ đô Port-au-Prince trở thành một cơn ác mộng. 70.000 người bị chôn vùi và hàng trăm ngàn người thiệt mạng sau đó.
Một nhà thờ ở thủ đô Haiti sau 10 năm vẫn chưa được xây lại.
Theo CNN, trận động đất khủng khiếp mạnh 7 độ richter đã chia đất nước Haiti ở vùng Caribe thành 2 phần khác biệt của lịch sử. Đó là tương lai và quá khứ.
Quá khứ là một giai đoạn đầy biến động của nền độc tài, bị xâm chiếm, kháng chiến với điểm nhấn là cuộc cách mạng nô lệ lật đổ đoàn quân của Napoleon.
“Giống như là có người vừa thả một quả bom ở Port-au-Prince vậy”, Francoise Chandler, một liên lạc viên địa phương của UNICEF, kể lại.
“Mọi thứ đều rung động, tiếng ồn ở khắp nơi. Tôi nghĩ như có một thảm họa 11.9 khác vì tôi cũng từng ở New York trong giai đoạn đó. Bụi bay mù mịt phủ kín đường phố”, Chandler kể lại.
30 giây thay đổi vận mệnh
Theo cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trận động đất chỉ kéo dài 30 giây, nhưng đã làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh đất nước Haiti. Ban đầu, sự chú ý của dư luận thế giới giúp người Haiti có thêm hi vọng tái thiết đất nước.
Trận động đất kinh hoàng ở Haiti năm 2010 ước tính đã khiến 300.000 người chết.
“Thế giới lúc đó thực sự đã đứng về phía Haiti”, phóng viên CNN Sanjay Gutpa nhớ lại. “Khi bạn bật tivi, đọc báo, kể về thảm họa ở Haiti thì đó cũng là sự hỗ trợ đối với quốc gia nhỏ bé ở vùng Caribe”.
Lính cứu hỏa từ Mỹ, nhân viên cứu hộ từ Iceland, lều y tế từ Israel, chó nghiệp vụ từ Trung Quốc, dầu mỏ từ Venezuela và các tổ chức phi chính phủ đều đổ dồn đến Haiti.
Trận động đất năm 2010 gây thiệt hại từ 7,8-8,5 tỉ USD trong khi số tiền tái thiết mà Haiti nhận được từ cộng đồng quốc tế lên tới 10 tỉ USD.
“Ngay sau trận động đất, chúng tôi nghĩ về hi vọng, vì đứng dậy từ đống đổ nát sẽ giúp mọi người trở thành người tốt và sống có trách nhiệm hơn”, Harold Prévil, bác sĩ sản khoa và là người đứng đầu bệnh viện Sacre Coeur ở thành phố Milot, phía bắc Haiti, nói.
Vô vọng
10 năm sau, Milot và những người khác nói với CNN rằng họ đã mất niềm tin vào đất nước, không còn lạc quan về triển vọng tái thiết như trước.
Hôm 11.1, Tổng thống Haiti thừa nhận rằng đất nước vẫn chưa thể bước ra khỏi thảm họa.
Thủ đô Haiti năm 2019 vẫn tan hoang như giai đoạn năm 2010.
“Dù đã nỗ lực hết sức, vết sẹo về thảm họa tồi tệ đó vẫn còn nguyên. 10 năm sau, chúng ta vẫn thiếu các cơ sở vật chất cơ bản phục vụ người dân”.
Gần như toàn bộ những nơi bị trận động đất phá hủy, đến nay vẫn không được xây lại, bao gồm cả tòa nhà chính phủ, Cung điện Quốc gia, một phần vì lo ngại độ an toàn nếu động đất quay trở lại.
Những người Haiti trải qua thảm họa cũng không thể nào quên được nỗi đau thương vong, mất người thân cách đây 10 năm.
Marline Naromie Joseph, một nhà tâm lý Haiti, nhớ về cảnh xác chết nằm la liệt trên phố. Một số vẫn nhớ cảnh như mặt đất chuyển động ngay dưới chân, mỗi khi quay trở lại địa điểm cũ.
Sau thảm kịch động đất, Haiti chìm trong bão lớn, lũ lụt và hạn hán. Con người cũng là yếu tố khiến đất nước Haiti chìm trong bất ổn. Nạn tham nhũng và mâu thuẫn chính trị là hai nguyên nhân chính.
“Khó khăn vẫn tồn tại được nhưng khó khăn thường trực thì thực sự khiến người ta mệt mỏi, kiệt sức”, Joseph nói.
Chuyện gì sẽ xảy ra
Người dân biểu tình phản đối chính phủ vào ngày 27.9.2019.
Haiti là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất bởi biến đổi khí hậu, vì nằm ngay vành đai hứng bão ở biển Caribe. Nói về tương lai, người Haiti nghĩ đến những thảm họa có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Có thể nói, Haiti trước và sau năm 2010 đã hoàn toàn khác biệt. “Nếu kịp tái thiết, có lẽ chúng tôi đã đứng lên nghiên cứu, tìm hiểu cách đối phó với thiên tai. Giờ đây thì mọi người đã quá chán nản, nên mặc kệ chờ vào số phận”, Etzer Emile, một nhà kinh tế Haiti nói. “Haiti chưa bao giờ bước ra khỏi bóng tối sau thảm họa năm 2010”.
Năm 2019, các khoản hỗ trợ nhân đạo ở Haiti của Liên Hợp Quốc chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu thực tế. Vania André, phóng viên tờ Haitian Times, nói những người Mỹ gốc Haiti từng muốn trở về tái thiết quê hương. Nhưng những rào cản trong nước khiến họ quay về rồi lại rời đi, vì ở đây quá khó khăn để làm ăn.
Có lẽ những người người Haiti ngày nay học được chỉ là cách để đối phó nếu động đất quay lại. Prévil, một bác sĩ sản khoa, nói: “Ở đây, tôi có một cái ghế vững chắc. Nếu có động đất thì tôi trốn bên dưới. Sau khi an toàn tôi sẽ cố gắng tìm cách giúp đỡ càng nhiều người càng tốt. Đó là điều duy nhất tôi biết đến nay”.
Nguồn: [Link nguồn]
Tiểu hành tinh rơi xuống Trái Đất khiến khủng long tuyệt chủng cũng đã tạo ra một đợt sóng thần khổng lồ với sóng...