Sự kiện sắp diễn ra ở Pháp có thể gây xáo trộn toàn cầu

Cuộc bầu cử sớm mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi có thể là sự kiện có sức tàn phá lớn nhất kể từ sau chiến tranh, không chỉ đối với Pháp mà cả Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và phương Tây.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen. (Ảnh: WSJ)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen. (Ảnh: WSJ)

Vai trò lãnh đạo của Pháp trong EU, ghế của nước này trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tầm ảnh hưởng quân sự với tư cách là một cường quốc toàn cầu khiến cuộc bầu cử sắp tới gần giống như “sự kiện thế giới”, tương đương màn tái đấu giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và đối thủ Donald Trump vào tháng 11 năm nay.

Tất cả các cuộc bầu cử đều quan trọng, nhưng một số cuộc bầu cử mang tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Vấn đề quan trọng nhất là đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu có thể chiến thắng.

Tổng thống Macron có thể sẽ thua, sau những nỗ lực của ông nhằm củng cố EU, điều tiết kinh tế dựa trên các yếu tố thị trường và tìm kiếm sự cân bằng mới và bền vững giữa châu Âu và Mỹ.

Cuộc bầu cử vào cuối tháng này và đầu tháng 7 có thể sẽ đánh dấu không chỉ sự thất bại mà còn xóa bỏ “chủ nghĩa Macron” - cuộc thử nghiệm lộn xộn của Tổng thống Macron với những cải cách theo định hướng thị trường nhằm giải phóng sức sáng tạo của nước Pháp, bài viết trên Politico nhận định.

Các lực lượng trung hữu và trung tả trước đây thống trị đời sống hậu chiến của Pháp, giờ đây đã bị thu gọn thành một số nhóm tranh giành nhau. Hai quyền lực thống trị đời sống chính trị Pháp hiện nay và có thể tồn tại trong nhiều năm nữa là cánh tả chia rẽ và cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Chưa chắc bà Marine Le Pen, lãnh đạo RN, sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội gồm hai vòng, vào ngày 30/6 và 7/7. Ông Jordan Bardella, ứng cử viên cho chức thủ tướng, tuyên bố sẽ từ chối thành lập chính phủ trừ khi giành được đa số rõ ràng (ít nhất 289) trong số 577 ghế tại Quốc hội.

Các cuộc thăm dò cho thấy ông Bardella sẽ giành được tối đa 260 ghế, nhưng sự ủng hộ có thể tiếp tục thay đổi trong những ngày cuối cùng.

Ngay cả khi ông Bardella trở thành thủ tướng, ông Macron sẽ vẫn là tổng thống cho đến năm 2027.

Tuy nhiên, hệ thống của Pháp tập trung quyền lực ở quốc hội, thủ tướng và chính phủ. Nếu có quan điểm chính trị khác với tổng thống, họ sẽ là người nắm quyền quyết định.

Điều đó từng xảy ra ba lần trong nửa thế kỷ qua, trong những khoảng thời gian ngắn “chung sống” giữa phe trung tả và phe trung hữu. Trong những lần đó, hai phe bất đồng về nhiều vấn đề cụ thể, nhưng thống nhất về các nguyên tắc cơ bản, từ vị trí của Pháp trong EU đến cam kết về nhân quyền.

Trong khi đó, đảng RN của bà Le Pen thù ghét EU và tuyên bố sẽ làm mọi cách trong khả năng của mình để làm suy yếu, thậm chí phá hủy nó. Bà cam kết sẽ thực hiện chính sách phân biệt đối xử giữa người Pháp và người nước ngoài cư trú ở Pháp, thậm chí giữa các nhóm người Pháp khác nhau, tùy theo nơi sinh hoặc chủng tộc.

Bà cũng không chỉ trích gay gắt việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trước đây, bà từng vay khoản tiền lớn từ một ngân hàng Nga và một khoản từ ngân hàng liên quan đến Thủ tướng Hungary Viktor Orbán. Bà nói rằng sự can thiệp của Nga vào Syria là điều "tốt cho thế giới".

Theo một cuộc thăm dò của báo Le Monde, một số ứng cử viên RN tranh cử trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội cuối tuần này có quan hệ trực tiếp với Mátxcơva. Những ứng viên khác hoặc có quan điểm phân biệt chủng tộc, hoặc hoài nghi về vắc xin, hoài nghi về khí hậu và phủ nhận COVID-19.

Bà Le Pen từng nói: “Các chính sách mà tôi ủng hộ đều được Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện”.

Bà Marine Le Pen muốn rời khỏi cánh quân sự của NATO, tổ chức mà bà coi là công cụ bá chủ của Mỹ.

Do đó, nếu RN điều hành chính phủ, đó sẽ không khác gì con dao chặt đứt sự thống nhất của phương Tây và châu Âu.

Tại sao người Pháp thường thận trọng lại chấp nhận rủi ro như vậy?

Một số người cho biết họ đã trải qua những điều tồi tệ nhất trong những năm qua, khi chi phí sinh hoạt cao, lương thấp, tội phạm và nhập cư nằm ngoài tầm kiểm soát, dịch vụ đang sụp đổ, thâm hụt nghiêm trọng…

Pháp có vẻ đã làm tốt hơn các quốc gia EU khác về tăng trưởng việc làm và giảm lạm phát trong những năm gần đây. Tổng thống Macron chi nhiều hơn các nước khác để làm hạ giá hàng hoá, do đó thâm hụt ngân sách tăng vọt.

Nhập cư và tội phạm là vấn đề đau đầu, nhưng về thống kê vẫn ở mức thấp hơn so với một số thập kỷ trước. Dịch vụ đang chịu áp lực nhưng vẫn hoạt động. Tình hình ở Pháp được đánh giá là tốt hơn ở Anh.

Tổng thống Macron không được ghi nhận cho những thành công của mình và bị chỉ trích nặng nề vì những thất bại. Điều đó có thể một phần do lỗi của chính ông.

Ông Macron hứa sẽ trở thành một nhà cách mạng và làm chính trị kiểu khác, nhưng hóa ra ông vẫn thuộc dòng chính. Ông không nỗ lực xây dựng phong trào chính trị cấp cơ sở. Những người dân bình thường cảm thấy xa lạ khi nghe những lời hùng biện của ông.

Bằng cách quét sạch những dư âm của phe trung hữu và trung tả, ông đã tạo ra một sự đối ngẫu chính trị mới giữa phe trung hữu và phe cực hữu. Điều đó đã giúp ích cho ông chiến thắng trong hai cuộc bầu cử tổng thống.

Nhưng người Pháp là một dân tộc luôn muốn sự luân phiên thường xuyên. Đối với nhiều cử tri ôn hòa trước đây, giải pháp thay thế cho ông Macron là phe cực hữu đang cố gắng làm dịu hình ảnh.

Kết quả của cuộc bầu cử sắp tới có thể dẫn đến một sự thay thế khác. Nó sẽ đưa Pháp, châu Âu và thế giới bước vào giai đoạn mà Nga và Trung Quốc có thể hài lòng hơn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa phát biểu trong tập podcast được phát sóng ngày 24/6 rằng cả đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) và liên minh cánh tả Mặt trận Nhân dân mới (NPF)- những ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử quốc hội - đều gây nguy cơ dẫn đến "nội chiến" ở Pháp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Loan - Politico ([Tên nguồn])
Tin tức Pháp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN