Sứ giả bị giết dã man, Alexander đại đế nổi trận lôi đình "tắm máu" 8.000 người

Thời cổ đại, khi 2 bên giao chiến, luật bất thành văn là không được giết sứ giả của nhau. Tuy nhiên, một đội quân đã làm ngược lại điều này với sứ giả của Alexander đại đế và phải nhận kết cục thảm khốc.

"Quân tử trả thù 10 năm chưa muộn" - câu nói không mấy xa lạ với nhiều người. Lịch sử thế giới có nhiều cuộc báo thù lưu danh sử sách của các vị hoàng đế, lãnh chúa, chiến tướng nổi tiếng. Loạt bài dài kỳ này sẽ cung cấp những câu chuyện thú vị có thật trong lịch sử về những cuộc báo thù nổi tiếng.

Nguyên nhân cuộc “tắm máu”

Năm 356 TCN, Alexander đại đế chào đời ở Pella, thủ đô cổ đại của Macedonia. Ông là con của vua Philip đệ nhị và công chúa Olympias xứ Ipiros. Nhà triết học Aristotle là người chịu trách nhiệm chính trong việc dạy dỗ Alexander đại đế.

Năm 336 TCN, vua Philip bị ám sát, Alexander được thừa kế một vương quốc hùng mạnh nhưng đầy rẫy bất ổn. Bằng tài năng thiên bẩm, ông nhanh chóng dẹp yên kẻ thù trong nước và xác lập lại quyền lực của người Macedonia tại Hy Lạp. Sau đó, Alexander đại đế lên đường chinh phạt đế chế Ba Tư.

Tyre là thành phố lớn và quan trọng nhất của Phoenicia - nền văn minh ở miền bắc khu vực Canaan cổ đại, với trung tâm nằm dọc vùng eo biển Liban, Syria và bắc Israel ngày nay.

Trong chiến dịch chống lại đế quốc Ba Tư, Alexander đại đế, hoàng đế của Macedonia - vùng đất thuộc Hy Lạp, muốn đánh chiếm Tyre vì thành phố này được xem là bến cảng cuối cùng của người Ba Tư.

Hoàng đế Macedonia nghĩ ra một kế. Ông bày tỏ nguyện vọng muốn thực hiện nghi lễ hiến tế tại đền thờ thần Heracles (thần Melqart trong văn hóa Phoenicia) trong thành phố Tyre.

Tuy nhiên, người Tyre nhận ra điều này thực chất là mưu đồ của Alexander đại đế nhằm chiếm thành phố. Họ khôn khéo từ chối khi nói rằng vị vua của Macedonia có thể tới làm lễ hiến tế tại thành Tyre cũ, nơi được xây dựng trên đất liền và không có tầm quan trọng chiến lược. Lực lượng hải quân của người Tyre đều đóng tại các cảng ở thành phố Tyre mới.

Người Tyre có cơ sở để từ chối nguyện vọng của Alexander đại đế đồng nghĩa với việc chấp nhận khả năng chiến tranh xảy ra. Ảnh minh họa: Pinterest

Người Tyre có cơ sở để từ chối nguyện vọng của Alexander đại đế đồng nghĩa với việc chấp nhận khả năng chiến tranh xảy ra. Ảnh minh họa: Pinterest

Người Tyre từ chối nguyện vọng của Alexander đại đế đồng nghĩa với việc chấp nhận khả năng chiến tranh xảy ra. Nhưng họ có cơ sở để tự tin khi làm vậy.

Ngoài sở hữu lực lượng hải quân cùng đội lính đánh thuê hùng mạnh, thành phố của người Tyre nằm trên hòn đảo cách bờ khoảng gần 1 km. Theo một số sử gia Hy Lạp, các bức tường bao quanh thành phố có chiều cao ấn tượng, 46m. Dù đây là con số còn gây tranh cãi nhưng ngay cả khi nó không tồn tại. Hệ thống phòng thủ của quân Tyre vô cùng ghê gớm và đã vượt qua nhiều cuộc vây hãm lớn trong quá khứ.

Ngay khi đưa ra quyết định khước từ mong muốn của Alexander đại đế, người Tyre lập tức sơ tán toàn bộ phụ nữ, trẻ em tới thuộc địa của họ - thành phố Carthage (Tunisia ngày nay) và chỉ còn khoảng 40.000 người ở lại chuẩn bị phòng thủ. Những người đứng đầu Carthage hứa sẽ gửi thêm tàu và viện binh tới hỗ trợ quân Tyre.

Khả năng phòng thủ của Tyre chắc chắn không phải hữu danh vô thực. Bằng chứng là Alexander đại đế phải triệu tập một hội đồng chiến tranh, giải thích cặn kẽ cho các tướng lĩnh về tầm quan trọng sống còn của việc chiếm giữ các thành phố của người Phoenicia trước khi tiến vào Ai Cập. Tyre là một thành trì của hạm đội Ba Tư. Alexander đại đế không thể ngó lơ vì nó có thể trở thành mối đe dọa lớn với hậu phương của ông.

Trong nỗ lực cuối cùng nhằm tránh hao binh tổn tướng, hoàng đế Macedonia cử sứ giả tới gửi thư chiêu hàng nhưng bất thành. Thậm chí, sứ giả của Alexander đại đế còn bị quân Tyre sát hại dã man và vứt thi thể xuống biển. Kể từ đó, cơn lôi đình của vị hoàng đế Macedonia bắt đầu.

Vây hãm Tyre: Từ kẻ đi săn thành con mồi

Các nỗ lực thương thuyết bất thành, Alexander đại đế bắt đầu cuộc vây hãm thành phố Tyre vào tháng 1/332 trước Công nguyên (TCN). Sau khi chiếm được thành phố Tyre cũ, hoàng đế Macedonia cho xây một đường đắp cao dẫn tới thành phố Tyre mới bằng vật liệu như đá, gỗ... tận dụng từ thành phố Tyre cũ.

Ban đầu, việc xây đường đắp cao tiến triển tốt vì vùng nước gần đất liền rất nông. Nhưng càng về sau, đội quân của Alexander đại đế càng gặp khó khăn. Vùng biển gần thành Tyre mới khá sâu, khoảng 5,5m. Tiến độ việc xây đắp chậm lại, được ví như sên bò. Chưa kể, nhóm người xây đắp còn phải hứng "mưa tên" cùng gạch đá từ quân Tyre bảo vệ thành.

Đối phó với tình thế này, Alexander đại đế cho xây 2 tháp gỗ bọc da thô và đặt chúng ở cuối đường đắp cao đang xây dang dở. Các tháp này có gắn pháo để đáp trả đòn tấn công của quân Tyre. Binh lính của Alexander đại đế còn dựng thêm các bức tường gỗ che chắn cho nhóm người xây đắp.

Alexander đại đế cho xây 2 tháp gỗ bọc da thô và đặt chúng ở cuối đường đắp cao đang xây dang dở. Các tháp này có gắn pháo để đáp trả đòn tấn công của quân Tyre. Ảnh minh họa: SlideShare

Alexander đại đế cho xây 2 tháp gỗ bọc da thô và đặt chúng ở cuối đường đắp cao đang xây dang dở. Các tháp này có gắn pháo để đáp trả đòn tấn công của quân Tyre. Ảnh minh họa: SlideShare

Việc xây dựng được tiếp tục và Alexander đại đế tỏ ra rất quyết tâm với công trình này. Để khích lệ tinh thần, ông tặng tiền cho những người xây đường đắp cao, thúc giục họ đẩy nhanh tiến độ.

Người Tyre không ngồi yên chịu trận, họ quyết định lấy tấn công làm phòng thủ. Quân Tyre chất đầy các vật liệu dễ cháy như rơm, đuốc, nhựa thông và lưu huỳnh lên một chiếc thuyền chở ngựa cũ.

2 thuyền nhỏ hơn có mái chèo kéo chiếc thuyền chất đầy vật liệu dễ cháy về phía cuối đường đắp cao của quân Macedonia khiến cả 3 mắc cạn.

Nhóm quân Tyre châm lửa, vứt lên thuyền chứa chất dễ cháy và nhanh chóng bơi về thành phố an toàn. Đoạn cuối đường đắp cao trở thành "địa ngục" khi chiếc thuyền bốc cháy, lan sang cả 2 tòa tháp gỗ.

Quân Tyre đối phó với 2 tháp gỗ của quân Alexander đại đế. Ảnh minh họa: Pinterest

Quân Tyre đối phó với 2 tháp gỗ của quân Alexander đại đế. Ảnh minh họa: Pinterest

Nhiều nhóm quân Tyre trên các thuyền nhỏ từ trong thành phố chèo ra đường đắp cao, bắt giữ đám quân Macedonia đang bỏ chạy hoặc dập lửa. Các bức tường gỗ được dựng lên dọc đường đắp cao trước đó cũng bị phá hủy.

Alexander đại đế triệu tập hạm đội hải quân hùng mạnh

Cuộc tấn công bất ngờ là một thành công với người Tyre, nhưng họ không thể ngờ điều đó càng khiến quyết tâm chiếm thành phố của Alexander đại đế dâng cao. Hoàng đế Macedonia ra lệnh mở rộng đường đắp cao và xây thêm các tháp pháo.

Nhận thấy ưu thế về hải quân là chìa khóa để chiếm thành phố Tyre, Alexander đại đế tạm thời rời khỏi vòng vây và tới thành phố Sidon, cách Tyre 40 km về phía nam, để tập trung hạm đội hải quân hùng mạnh.

Ngoài ra, hoàng đế Macedonia còn nhận được thuyền lớn từ các khu vực như Byblos, Aradus, Rhodes, Lycia, Cilicia và Macedon. Vua của đảo Síp cũng gửi 120 chiến thuyền tới Sidon. Tổng cộng, Alexander đại đế khi đó sở hữu hạm đội 220 chiến thuyền.

Trong khi chờ đợi các đội hải quân tập hợp, Alexander đại đế dành 10 ngày trong đất liền, thực hiện các trận đánh nhỏ vào lãnh thổ Ả rập. Trở về Sidon, hoàng đế Macedonia hài lòng khi Cleander, người được cắt cử đi chiêu mộ binh lính, trở về từ Hy Lạp cùng 4.000 lính đánh thuê.

Alexander đại đế tập hợp hạm đội hải quân hùng mạnh. Ảnh minh họa: Pinterest

Alexander đại đế tập hợp hạm đội hải quân hùng mạnh. Ảnh minh họa: Pinterest

Không để mất thêm thời gian, Alexander đại đế cùng hạm đội hải quân của ông quay về Tyre. Họ dừng lại và lập trạm tại vị trí trong tầm quan sát của binh sĩ trong thành phố Tyre.

Người Tyre bị bất ngờ. Họ không biết gì cho tới khi hạm đội hải quân hùng hậu của Alexander đại đế xuất hiện. Không những thế, lời hứa cử thêm tàu cùng viện binh từ thành phố Carthage cũng không được thực hiện.

Với sự chênh lệch này, một cuộc đối đầu trực tiếp với hải quân của Alexander đại đế chẳng khác nào tự sát. Và tất cả những gì người Tyre có thể làm là phong tỏa các lối vào 2 cảng chính ở phía nam và bắc thành phố. Họ thả một hàng rào cọc gỗ nổi ở cửa cảng phía nam (cảng Ai Cập) và điều các tàu chiến 3 tầng chặn dọc lối vào cảng phía bắc (cảng Sidon).

Alexander đại đế thử độ hiệu quả của những tuyến phòng thủ này bằng một cuộc tấn công vào cảng Sidon. 3 thuyền của người Tyre bị đánh chìm. Tuy giành được lợi thế nhưng người đứng đầu Macedonia không vội vàng thực hiện tổng tấn công hải quân. Thay vào đó, ông lệnh cho đội quân người Síp phong tỏa cảng Sidon, trong khi một số thuyền khác canh chừng ở góc phía nam thành phố.

Các máy bắn tên, bắn đá được lắp trên đường đắp cao và chiến thuyền liên tục bắn phá vào các tuyến phòng thủ của thành phố Tyre.

Alexander đại đế không thể đưa chiến thuyền tới gần thành phố vì người Tyre đã quăng nhiều tảng đá lớn xuống khu vực biển gần tường thành. Nếu cố tiến vào, chiến thuyền có thể bị đâm thủng hoặc mắc cạn.

Lúc này, cuộc vây hãm bắt đầu đến giai đoạn kỳ công và nguy hiểm nhất.

Quân của Alexander đại đế dùng thuyền và dây thòng lọng kéo các tảng đá lớn ra xa tường thành. Để đối phó, quân Tyre điều một số thuyền chở quân tới cắt dây mỏ neo thuyền của quân Macedonia.

Hoàng đế Macedonia điều một số thuyền có lớp rào chắn bằng kim loại làm bình phong cho hạm đội tiến gần thành phố Tyre. Tuy nhiên, quân Tyre vẫn tiếp tục cắt dây mỏ neo thuyền khiến thuyền của quân Macedonia bị trôi. Cuối cùng, Alexander đại đế đối phó bằng cách thay dây thừng mỏ neo bằng dây xích sắt. Quân Tyre từ đó không thể áp dụng chiến thuật cũ. Các tảng đá vẫn tiếp tục được kéo ra xa tường thành.

Trong lúc hoạt động này diễn ra, quân Macedonia và quân Tyre đã có những cuộc đấu nảy lửa. Quân Tyre đứng trên tường thành đổ nhiều nồi lớn chứa cát nóng đỏ xuống. Theo gió biển, số cát này bay tới các thuyền của quân Macedonia, khiến thuyền bốc cháy cũng như len lỏi vào trong áo giáp khiến quân lính của Alexander đại đế chịu nhiều đau đớn. Dù hiệu quả, nhưng các biện pháp như vậy chỉ là tạm thời và quân Tyre hiểu điều đó.

Nhận ra sự nguy hiểm của đội quân vây hãm, người Tyre đưa thuyền ra cửa cảng Sidon, chuẩn bị cho một cuộc phá vòng vây. Khoảng 13 thuyền được điều động cùng các tay chèo và quân lính tinh nhuệ nhất. Giữa cái nắng nóng như thiêu đốt của buổi chiều Địa Trung Hải, họ điều khiển các thuyền nối đuôi nhau lặng lẽ rời cảng Sidon.

Hầu hết các thuyền của người Síp được Alexander đại đế cử đến phong tỏa cảng Sidon đều thiếu quân số. Nắm được điểm yếu này, 13 thuyền của quân Tyre quyết định tấn công bất ngờ, khiến 2 chiến thuyền của quân Síp bị đánh chìm, nhiều chiếc khác bị hư hại.

Alexander đại đế lên một chiến thuyền và đích thân chỉ huy cuộc phản công với 5 chiến thuyền 3 tầng và toàn bộ thuyền 5 mái chèo có thể lâm trận. Chỉ huy chiến thuyền đi quanh đảo, Alexander đại đế ra lệnh tấn công bất ngờ vào đội tàu của quân Tyre. Không kịp chống đỡ, quân Tyre tan rã và bỏ chạy về cảng Sidon. Một số thuyền Tyre bị phá hủy trong đợt tấn công tiếp theo, 2 thuyền khác bị bắt giữ tại cửa cảng Sidon. Hầu hết quân Tyre nhảy xuống biển và bơi vào thành phố.

Cuộc quyết chiến cuối cùng “tắm máu” 8.000 người

Alexander đại đế và binh sĩ thừa thắng xông lên. Ảnh minh họa: Radu Oltean

Alexander đại đế và binh sĩ thừa thắng xông lên. Ảnh minh họa: Radu Oltean

Alexander đại đế thừa thắng xông lên, lệnh cho các chiến thuyền áp sát thành phố và bắt đầu tấn công bằng những trục gỗ công thành. Quân Hy Lạp, đồng minh của Alexander đại đế, ở phía bắc hòn đảo cố đột kích vào thành phố nhưng thất bại.

Tuy một kẽ hở nhỏ được mở ra ở khu vực phía nam tuyến phòng thủ của quân Tyre nhưng quân Macedonia ở đường đắp cao đang chịu nhiều thương vong và thất bại hơn nên Alexander đại đế quyết định tạm ngừng tấn công 3 ngày. Ngày thứ 4, quân Macedonia tiếp tục tấn công. Trong khi các cuộc tấn công nghi binh thu hút sự chú ý của quân Tyre, 2 chiến thuyền chở theo các dụng cụ làm cầu tiếp cận kẽ hở ở phòng tuyến phía nam thành phố Tyre. Alexander đại đế đích thân chỉ huy 2 chiến thuyền này, gồm các thành viên ưu tú Hypaspist và quân chủ lực Macedonia (Pezhetairoi).

Admetus, chỉ huy lực lượng Hypaspist, là người đầu tiên vào được thành phố nhưng bị giết bởi một mũi giáo khi đang hô hào quân lính xông lên. Tuy nhiên, cuộc tấn công này thắng lợi và quân Macedonia cùng các đồng minh Hy Lạp nhanh chóng tràn vào thành phố từ nhiều điểm, giết chóc, cướp bóc.

Những người Tyre sống sót, lùi về Agenorium - một pháo đài cũ ở khu vực phía bắc thành phố Tyre - nhưng chỉ cầm cự được một thời gian ngắn trước khi bị tàn sát. Khi nổi giận, quân đội Macedonia không còn khái niệm tha thứ. Trước đó, họ phải chịu hàng tháng trời đày đọa, bị bắn tên, ném đá và tận mắt chứng kiến quân mình bị giết hại, treo xác trên tường thành.

Theo thống kê của trang Ancient, 6.000 người Tyre bị quân Macedonia giết hại và khoảng 2.000 người khác bị đóng đinh trên thập tự giá ở bãi biển. Hơn 30.000 trong thành phố bị bán làm nô lệ.

Những người được tha mạng gồm gia đình nhà vua và một số người Carthage phục vụ trong đền thờ thần Heracles. Quân đội Macedonia tổn thất khoảng 400 người.

Sau cuộc vây hãm kéo dài 6 tháng, Alexander đại đế phục hận thành công. Ông tổ chức lễ hiến tế thần Heracles và cuộc rước kiệu qua các đường phố trong thành phố Tyre.

---------------

Vlad III, người cai trị xứ Wallachia, một công quốc ở phía nam Transylvania (Romania ngày nay), được xem là nguyên mẫu Dracula ngoài đời thực. Để trả mối thù nhà, Vlad III chấp nhận làm con tin, lĩnh hội tinh túy của đối phương sau đó quay trở lại rửa hận. Cuộc báo thù của nguyên mẫu Dracula ngoài đời thực khiến 8 vạn người mất mạng. Nhiều thi thể bị đâm xiên trên cọc nhọn. 

Mời quý độc giả đón đọc phần tiếp theo của loạt bài Những cuộc báo thù lưu danh sử sách thế giới, đăng vào  19h ngày 30.8.2020 trên mục Thế giới. 

Nguồn: [Link nguồn]

Loạt tội ác khiến 8 vạn người chết thảm của ”bá tước Dracula”

Sự tàn bạo của nguyên mẫu Dracula ngoài đời thực khiến kẻ thù phải chùn bước và thốt lên: "Không thể xâm chiếm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN