Su-35S Nga áp sát, buộc tiêm kích F-35A Mỹ chuyển hướng

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tiêm kích Su-35S liên tục bám sát chiến đấu cơ tàng hình F-35A, dường như để buộc chiến đấu cơ Mỹ tránh xa oanh tạc cơ Tu-95MS.

Tài khoản Fighter Bomber của phi công tiêm kích Nga hôm 4/4 đăng trên Telegram video quay từ buồng lái tiêm kích hạng nặng Su-35S, cho thấy cuộc chạm mặt với chiến đấu cơ tàng hình F-35A Mỹ trong chuyến tuần tra của oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS.

Trong video, tiêm kích Su-35S Nga liên tục áp sát sau đuôi và chếch lên trên so với máy bay F-35A Mỹ, cả hai đều ở khá xa oanh tạc cơ Tu-95MS. Chiếc F-35A sau đó dường như cố tăng giãn cách và chuyển hướng tránh xa biên đội Nga.

Tiêm kích F-35A có mã đuôi AK 5451, thuộc biên chế Không đoàn tiêm kích số 354 đóng quân tại căn cứ Eielson ở bang Alaska, Mỹ.

Tiêm kích Su-35S Nga áp sát F-35A Mỹ trong video công bố ngày 4/4. Video: Telegram/Fighter_bomber

"Những vụ áp sát như vậy có thể dẫn đến va chạm giữa các máy bay, buộc phi công hai bên phóng ghế thoát hiểm và chỉ có 50% cơ hội được giải cứu. Phi công Nga hiểu rõ nguy cơ, song vẫn quyết liệt thực hiện vì đó là điều phải làm", Fighter Bomber cho hay.

Giới chức Nga và Mỹ chưa bình luận về video.

Lần gần nhất Bộ tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD), cơ quan phụ trách phòng thủ vùng trời Mỹ và Canada, công bố hoạt động theo dõi oanh tạc cơ Nga ở gần Alaska là hồi tháng 2. NORAD khi đó cho biết các chiến đấu cơ F-35A Mỹ đã theo dõi biên đội Nga gồm tiêm kích Su-35S và oanh tạc cơ Tu-95MS hoạt động trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Alaska.

"Biên đội F-35A tiếp cận, xác nhận danh tính hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS và hai tiêm kích Su-35S Nga. Các phi cơ Nga hoạt động ở không phận quốc tế và không xâm phạm vùng trời chủ quyền của Mỹ hay Canada. Hoạt động này diễn ra thường xuyên, không bị coi là mối đe dọa", thông báo của NORAD có đoạn.

Từ trái qua: Tiêm kích Su-35S, oanh tạc cơ Tu-95MS Nga và chiến đấu cơ F-35A Mỹ gần Alaska ngày 18/2. Ảnh: NORAD

Từ trái qua: Tiêm kích Su-35S, oanh tạc cơ Tu-95MS Nga và chiến đấu cơ F-35A Mỹ gần Alaska ngày 18/2. Ảnh: NORAD

ADIZ là vùng trời do một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tự ấn định và buộc máy bay dân sự khi tiến vào phải thông báo, nhận dạng, xác định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia, vùng lãnh thổ đó. ADIZ không phải không phận, nhưng theo thông lệ quốc tế, máy bay quân sự thường gửi thông báo trước khi tiến vào ADIZ nước khác nhằm tránh những vụ đụng độ bất ngờ.

Phi cơ quân sự Nga kể từ năm 2007 liên tục tiến vào ADIZ Alaska, khu vực kéo dài khoảng 200 hải lý ngoài khơi bờ biển phía tây bang này. Mỹ thường xuyên điều tiêm kích theo dõi, nhưng phi cơ Nga chưa từng xâm phạm không phận Mỹ. Hai bên tiến hành hoạt động tiếp cận, áp sát một cách chuyên nghiệp và an toàn.

Vùng nhận dạng phòng không Alaska (gạch chéo). Đồ họa: Aviationist

Vùng nhận dạng phòng không Alaska (gạch chéo). Đồ họa: Aviationist

Tuy nhiên, giới chức Mỹ từng một số lần chỉ trích máy bay Nga có hành động uy hiếp an toàn trong các cuộc chạm mặt. Sự việc gần nhất xảy ra ngày 23/9/2024, khi NORAD cáo buộc tiêm kích Su-35S Nga đột ngột vọt lên từ phía sau và tạt trước mũi chiếc F-16 làm nhiệm vụ giám sát, khiến phi công Mỹ bị bất ngờ, phải chuyển hướng và lùi ra xa.

Mặc dù những tiêm kích F-16 mà phương Tây chuyển cho Ukraine được kỳ vọng sẽ thay đổi cục diện chiến trường, song thực tế phản ánh bức tranh tương đối...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Tiến (WarZone, AFP, AP) ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN