Stephen Hawking: Từ học sinh cá biệt đến thiên tài vật lý hàng đầu

Đối mặt với khả năng chết sớm vì căn bệnh quái ác, thiên tài vật lý Stephen Hawking hoàn toàn thay đổi nhận thức về cuộc đời và điều đó giúp ông làm nên điều kỳ diệu.

Stephen Hawking: Từ học sinh cá biệt đến thiên tài vật lý hàng đầu - 1

Thiên tài vật lý Stephen Hawking.

Giáo sư vật lý Stephen Hawking sinh ngày 8.1.1942, trùng với kỷ niệm 300 năm ngày mất của nhà Vật lý, Thiên Văn, Toán học Galieo Galile.

Cha của ông, Frank Hawking, từng giữ chức trưởng bộ môn Ký sinh trùng tại Viện Nghiên cứu Y học quốc gia. Người cha hướng con trai đi theo con đường y học nhưnng Stephen Hawking ngay từ nhỏ đã bộc lộ niềm đam mê mãnh liệt với khoa học vũ trụ.

Thời đi học nhiều sóng gió

Tuy nhiên, thời kỳ đầu đến trường, kết quả học tập của Stephen Hawking không mấy nổi trội. Thậm chí ông không thể đọc, viết thành thạo.

“Chị gái tôi biết đọc khi mới 4 tuổi, còn tôi thì mãi đến 8 tuổi mới có thể đọc chữ thành thạo”, ông Hawking nói. “Vở viết của tôi rất lộn xộn, những bài tập của tôi luôn khiến các cô giáo thất vọng. Tôi chưa bao giờ xếp hạng ở nửa trên của lớp".

Nhưng các bạn thường gọi tôi là "Einstein”, có lẽ họ đã nhìn thấy dấu hiệu của điều gì đó tốt hơn, ông Hawking nhớ lại.

Thiên tài vật lý thừa nhận mình chưa từng là một học sinh xuất sắc cả khi học trung học và sau này là Đại học Oxford. Hawking hiếm khi làm bài tập về nhà bởi ông tự tin mình có khả năng hiểu bản chất của những vấn đề liên quan tới toán học và vật lý.

Stephen Hawking: Từ học sinh cá biệt đến thiên tài vật lý hàng đầu - 2

Hawking từng nói căn bệnh quái ác chính là động lực để ông tiếp tục sống một cách tích cực.

Ở nhà, ông có niềm đam mê đặc biệt với máy móc. "Tôi thường mày mò tháo lắp mọi thứ để tìm hiểu xem nó hoạt động thế nào nhưng rồi khiến thứ đó bị hỏng luôn vì không thể lắp lại được".

Cuối năm lớp 9, kết quả học tập của Hawking gần như đứng cuối lớp. Bạn bè và thầy cô giáo đều đánh giá Stephen Hawking là một người thông minh nhưng điều đó không giúp ông trong việc đạt thành tích cao trong học tập.

Thầy giáo dạy toán ở trường phát hiện ra tài năng thiên bẩm của Hawking trong lĩnh vực toán học và khuyên Hawking nên theo đuổi lĩnh vực này.

Đến năm 1959, Hawking thi đỗ vào Đại học Oxford chuyên ngành Vật lý bởi ở đây chưa có chuyên ngành Toán học.

Ngay cả khi theo học Oxford, tình trạng học lực của Hawking cũng không khá hơn. Ông thừa nhận mình chỉ dành 1 giờ mỗi ngày cho việc học. Ông cũng không giành được điểm số cao trong các bài kiểm tra vì chỉ ưu tiên trả lời các câu hỏi lý thuyết mà bỏ qua thực tiễn.

Stephen Hawking: Từ học sinh cá biệt đến thiên tài vật lý hàng đầu - 3

Stephen Hawking thời trẻ.

"Tôi không tự hào về quãng thời gian đó. Tôi rất chán nản và cảm thấy không có thứ gì đáng để nỗ lực", Hawking nhớ lại.

Bước ngoặt đến ở tuổi 21

Cuộc đời Stephen Hawking hoàn toàn thay đổi ở tuổi 21, khi ông được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ (ALS). Đây là căn bệnh quái ác khiến các tế bào thần kinh tê liệt.

Một khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ cảm nhận cơ thể từ từ đông cứng cho tới khi liệt hẳn. Họ dần mất khả năng vận động, không thể nhai thuốc, thức ăn và thậm chí còn gặp khó khăn khi hít thở. Các bác sĩ khi đó dự đoán, Hawking không thể sống quá 2 năm.

“Tôi nhận ra tình trạng bất thường của cơ thể khi học năm thứ 3 Đại học Oford. Vài lần tôi bị ngã mà không hiểu rõ tại sao. Đến tuổi 21, tôi mới bắt đầu làm các xét nghiệm và phát hiện căn bệnh quái ác”, Hawking nhớ lại.

Hawking đã gần như suy sụp nhưng đó cũng là lúc cuộc đời thiên tài vật lý thay đổi hoàn toàn theo hướng tích cực.

"Khi phải đối mặt với khả năng chết sớm, tôi nhận ra cuộc đờinày rất đáng sống, có rất nhiều điều tôi muốn làm", Stephen Hawking nói. “Thực sự trước khi mắc bệnh, đó mới là lúc tôi cảm thấy chán nản và không có mục đích trong cuộc đời”.

Stephen Hawking: Từ học sinh cá biệt đến thiên tài vật lý hàng đầu - 4

Stephen Hawking là người đưa ra giả thuyết về vụ nổ Big Bang và hố den trong vũ trụ.

Có thể nói, bệnh tật hiểm nghèo lại giúp Stephen Hawking tìm thấy động lực sống. Ông quay trở lại với công việc nghiên cứu trong khi căn bệnh cũng tiến triển chậm hơn so với dự đoán.

Đến năm 1985, ông mất khả năng nói hoàn toàn và phụ thuộc vào hoàn toàn vào chương trình máy tính do Intel tài trợ. Chiếc ghế mà Hawking thường ngồi chính là một kiệt tác của công nghệ, giúp ông giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua máy tính.

Bất chấp tình trạng bệnh tình trở nên tồi tệ hơn theo năm tháng, Hawking vẫn không ngừng lên lớp giảng dạy. Thiên tài vật lý thừa nhận điều này là không hề dễ dàng nhưng ông không từ bỏ việc đưa món quà của trí tuệ cho thế hệ sau.

Hawking từng nói công việc nghiên cứu đã tặng cho ông nhiều thời gian sống hơn, điều mà người khác không làm được.

"Làm việc trong ngành Vật lý lý thuyết là một may mắn của tôi, bởi đây là một trong số ít lĩnh vực mà sự tàn tật không phải một khuyết điểm quá quan trọng", Hawking chia sẻ trên tờ New York Times năm 2011.

Công việc của ông là sự tiếp nối từ Isaac Newton và thậm chí là các lý thuyết của Albert Einstein.

Stephen Hawking: Từ học sinh cá biệt đến thiên tài vật lý hàng đầu - 5

Stephen Hawking trải nghiệm môi trường không trọng lực. Ảnh: NASA.

Ông trở nên nổi tiếng khi đưa ra bằng chứng toán học cho thuyết Big Bang và sự tồn tại của hố đen. Thuyết này cho rằng toàn bộ vũ trụ đều bắt nguồn từ một điểm, một điểm không xác định với một độ dày đặc vô hạn và một sức hút vô hạn.

Mặc dù nghiên cứu của Hawking đa phần chỉ mang ý nghĩa về lý thuyết, nhưng những học thuyết này dần được chấp nhận rộng rãi trong giới nghiên cứu khoa học vũ trụ.

Cuốn sách “Lược Sử Thời Gian” xuất bản năm 1988 của Stephen Hawking bán được tới 10 triệu bản và là tác phẩm bán chạy nhất thời bấy giờ.

Những năm cuối đời, thiên tài vật lý Stephen Hawking tin rằng số phận của nhân loại không chỉ giới hạn trên Trái đất. Ông hối thúc con người tiếp tục vươn xa hơn nữa ngoài vũ trụ, định cư tại những hành tinh khác bởi sớm muộn Trái đất cũng không còn là môi trường sống lý tưởng.

Vì sao thiên tài vật lý Hawking chống được bệnh quái ác suốt 50 năm?

Căn bệnh của Hawking thường gây tử vong chỉ vài năm sau khi chẩn đoán nhưng ông đã sống cùng nó suốt hơn 50 năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn khoa học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN