Sri Lanka: Sau vỡ nợ là nguy cơ bên bờ vực

Biểu tình lan khắp Sri Lanka, trong khi chính quyền Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đối mặt với nguy cơ sụp đổ vì khủng hoảng kinh tế hiện tại.

Khủng hoảng chính trị đang ngày một nghiêm trọng ở Sri Lanka khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đối mặt sức ép từ chức giữa lúc biểu tình leo thang để phản đối tình hình kinh tế đất nước khó khăn. Hồi ngày 12-4, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka tuyên bố quốc gia này đã vỡ nợ, mất khả năng thanh toán các khoản nợ nước ngoài.

Bất ổn xã hội lan rộng

Theo đài CNN, tình trạng người dân xuống đường biểu tình phản đối Tổng thống Rajapaksa bắt đầu diễn ra từ nhiều tuần lễ qua, ban đầu chỉ vài trăm người ở thủ đô Colombo, sau đó con số đã tăng lên hàng ngàn người và lan ra khắp các khu đô thị lớn của Sri Lanka.

Người biểu tình tập trung trước tòa nhà Văn phòng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở thủ đô Colombo, Sri Lanka hôm 13-4.

Người biểu tình tập trung trước tòa nhà Văn phòng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở thủ đô Colombo, Sri Lanka hôm 13-4.

Chiếm phần lớn trong số đó là những người trẻ tuổi, thế hệ thanh niên thời đại công nghệ cao và đang bất an về tương lai của bản thân khi chứng kiến tình trạng khủng hoảng của đất nước. Trên khắp các ngả đường của Colombo, người dân treo đầy biểu ngữ phản đối chính quyền, phản đối lạm phát và kêu gọi ông Rajapaksa từ chức.

Chuyên gia Jehan Perera thuộc tổ chức Hội đồng Hòa bình quốc gia Sri Lanka nhận định quy mô và thành phần tham gia biểu tình thời gian qua là chưa có tiền lệ. Nó cho thấy những sự kiện này không còn mang tính đảng phái chính trị nữa mà thực sự phát sinh từ sự bất bình của người dân trước đường lối lãnh đạo nhiều sai lầm của chính quyền đương nhiệm.

“Người dân đang muốn ông Rajapaksa và chính phủ của ông phải chịu trách nhiệm, phải hoàn trả lại tiền bạc, tài sản cho người dân rồi rời khỏi Sri Lanka do ông mang hai quốc tịch Sri Lanka và Mỹ. Tôi cho rằng biểu tình sẽ không chấm dứt cho đến khi các yêu cầu của người dân được đáp ứng” - ông Perera nói.

Hãng tin Reuters ghi nhận giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, điện ở Sri Lanka đều tăng chóng mặt. Nhiên liệu đang trở nên khan hiếm khiến người dân phải xếp hàng dài chờ đổ xăng, trong khi điện bị cúp đến 8 tiếng mỗi ngày gây khó khăn cho sinh hoạt và làm ngưng trệ nhiều hoạt động trong xã hội. Nhiều người dân Sri Lanka không thể tiếp tục mưu sinh vì giá thuê trang thiết bị, giá đầu vào quá cao. Nạn đói cũng bắt đầu quay lại khi người dân không thể đi làm để bắt kịp đà tăng giá của lương thực.

Nhiên liệu đang trở nên khan hiếm khiến người dân phải xếp hàng dài chờ đổ xăng, trong khi điện bị cúp đến 8 tiếng mỗi ngày.

Chuyên gia kinh tế Shahana Murkherjee của Công ty phân tích tài chính Moody’s Analytics (Mỹ) nhận định Sri Lanka đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kép: vừa trả nợ nước ngoài vừa đáp ứng nhu cầu trong nước. Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất ở nước này kể từ khi giành độc lập đến nay.

Căng thẳng chính trị gia tăng

Trước sức ép khủng khiếp của làn sóng biểu tình phản đối, gần như nội các của chính phủ Sri Lanka hiện tại đã từ chức hồi đầu tháng 4, theo hãng tin AFP. Hơn 40 chính trị gia khác cũng đã rời bỏ đảng cầm quyền của ông Rajapaksa và cảnh báo khủng hoảng hiện nay có thể dẫn tới bạo lực leo thang nếu ông Rajapaksa vẫn tại vị. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này đến nay vẫn cương quyết không có ý định từ chức và bác bỏ mọi lời chỉ trích.

Nhiều người lo ngại Sri Lanka có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị, do theo quy định của hiến pháp nước này thì Quốc hội không thể bỏ phiếu phế truất tổng thống. Tuy nhiên, các đảng đối lập chính ở Sri Lanka đã liên minh lại và đang tìm cách khống chế quyền lực của ông, bằng cách tổ chức phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với đảng cầm quyền trong cơ quan này.

“Ông Rajapaksa đã mất đi tín nhiệm và sự công nhận hợp pháp của nhân dân, vì thế ông ấy không thể tiếp tục nắm quyền được nữa” - nghị sĩ Shanakiyan Rasamanickam, thành viên đảng Liên minh quốc gia Tamil (TNA) thuộc liên minh các đảng phái đối lập, khẳng định.

Trước mắt, mục tiêu của phe đối lập là đẩy ông Rajapaksa vào thế yếu, buộc ông phải lựa chọn một trong hai phương án: Từ chức hoặc phải chấp nhận một đạo luật kiểm soát quyền lực của tổng thống. Phe đối lập được cho là đang kỳ vọng hai phương án này sẽ mở đường cho họ thành lập chính phủ mới nằm ngoài tầm kiểm soát của ông Rajapaksa hoặc ít nhất là một chính phủ liên hiệp quy tụ nhiều thành phần.•

51 tỉ USD là tổng số nợ nước ngoài của Sri Lanka, điều đáng chú ý là GDP của nước này chỉ vào khoảng 81 tỉ USD tính đến năm ngoái. Dự trữ ngoại hối của đảo quốc này đã giảm hơn 2/3 trong hai năm qua, trong khi những khoản cắt giảm thuế và đại dịch COVID-19 tác động mạnh lên nền kinh tế vốn dựa vào du lịch, buộc chính quyền Sri Lanka phải dựa vào vay nợ để chi tiêu.

Ấn Độ lên tiếng sẵn sàng giúp Sri Lanka trả nợ

Kể từ khi tuyên bố vỡ nợ, chính quyền Sri Lanka đã yêu cầu các quốc gia thân thiện bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc cấp các hạn mức tín dụng, lương thực và năng lượng để hỗ trợ nước này trả nợ.

Reuters dẫn một nguồn tin chính phủ cấp cao ở New Delhi cho biết dù thông báo của Sri Lanka về việc không trả được nợ là một điều đáng lo ngại nhưng Ấn Độ vẫn có thể cung cấp cho họ khoản hoán đổi và hỗ trợ lên tới 2 tỉ USD. Về phía Sri Lanka, được biết họ đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ Ấn Độ để trả khoản nợ đến hạn, chẳng hạn như khoản nợ cho Liên minh thanh toán bù trừ châu Á. Nguồn tin cho biết nước này đã nhận được phản hồi tích cực từ Ấn Độ.

Chính phủ và ngân hàng trung ương của Ấn Độ cũng như Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính của Sri Lanka đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Dù vậy, nguồn tin của Reuters cho rằng điều kiện của Ấn Độ đặt ra cho Sri Lanka là phải giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Sri Lanka có khoản nợ chưa thanh toán khoảng 3,5 tỉ USD với Trung Quốc - chiếm 10,8% tổng số nợ nước này và công ty Trung Quốc cũng đang nhận thầu xây dựng các cảng và đường sá ở Sri Lanka.

Nguồn: [Link nguồn]

Là chủ nợ lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng khó cứu Sri Lanka

Học giả ở TP Thượng Hải nghiên cứu về hoạt động cho vay của Trung Quốc ở nước ngoài cho biết các hạn mức tín dụng mới dành cho Sri Lanka khó có thể được chấp thuận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN