Sri Lanka: Phương Tây trừng phạt không "hạ" nổi Nga, chỉ "làm khổ" nước nghèo
Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Sri Lanka – ông Ranil Wickremesinghe – cho rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây không thể “hạ gục” Nga, trong khi những nước nghèo lại chịu hậu quả nặng nhất.
Thủ tướng Sri Lanka - ông Ranil Wickremesinghe (ảnh: TASS)
“Có ai nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ giúp ích không? Chúng chỉ đẩy giá cả tăng lên. Chúng ta hãy nhìn vào các biện pháp trừng phạt phương Tây áp đặt đối với Nga và tự hỏi chúng có cần thiết không. Chúng không hạ gục nổi Nga, nhưng lại khiến các nước nghèo khổ sở”, kênh Doordarshan (Ấn Độ) dẫn lời ông Wickremesinghe.
Ông Wickremesinghe cho rằng, Sri Lanka là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt lên Nga. Nguồn dự trữ ngoại tệ của đảo quốc Nam Á hiện gần như bằng 0, trong khi giá nhiên liệu và lương thực thế giới tăng cao.
“Cuộc khủng hoảng hiện tại một phần là do chúng tôi tự gây ra, nhưng cũng có tác động từ bên ngoài. 6 triệu người dân của chúng tôi đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng”, ông Wickremesinghe nói.
Theo ông Wickremesinghe, xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt Mỹ, EU áp đặt đối với Nga đang khiến nguồn cung ngũ cốc bị gián đoạn, đẩy nhiều quốc gia rơi vào nguy cơ khủng hoảng lương thực.
Hôm 21.5, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho rằng, dự trữ lúa mì toàn cầu có thể cạn kiệt trong khoảng 10 tuần. Nếu nguồn cung lương thực tiếp tục gián đoạn, khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ còn tồi tệ hơn tình hình năm 2007 và 2008.
Người dân Sri Lanka rơi vào cảnh thiếu thốn các hàng hóa thiết yếu như lương thực, nhiên liệu, thuốc men (ảnh: Reuters)
Hôm 18.7, Josep Borrell – Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) – cho rằng các lệnh trừng phạt khối này áp đặt không nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine, mà để phá hủy nền kinh tế Nga.
“Lệnh trừng phạt của EU không ngăn chặn các hành động quân sự ở Ukraine mà sẽ gây ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế Nga”, RT dẫn lời ông Borrell.
“Phải nói là không dễ dàng, nhưng chúng ta phải tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế Nga. Các thành viên không được từ bỏ chính sách này”, ông Borrell nói và kêu gọi các nước thành viên EU không "mệt mỏi vì các lệnh trừng phạt".
Ông Borrell cho hay, EU đã có kế hoạch cấm vàng Nga vào cuối tuần này. Lệnh cấm được cho sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu, mua hoặc chuyển giao trực tiếp hoặc gián tiếp vàng - mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Nga sau năng lượng.
Theo đài RT, từ hôm 24.6, EU đã công bố 6 gói trừng phạt nhằm vào Nga. Trong khi kinh tế Nga gặp khó khăn, bản thân EU cũng rơi vào tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng. Ở phiên giao dịch hôm 12.7, đồng euro đã rớt giá xuống mức ngang bằng đồng USD lần đầu tiên sau gần 20 năm.
Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố, với các hệ thống vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ, quân đội nước này đang gây ra tổn thất đáng kể cho Nga.
Nguồn: [Link nguồn]