Sóng thần khiến 1.400 người chết ở Indonesia: Núi lửa thức giấc
Núi lửa trên đảo Sulawesi phun trào tro bụi cao 4.000 mét, vài ngày sau trận động đất, sóng thần tàn phá hòn đảo, khiến hơn 1.400 người thiệt mạng.
Núi lửa tạo thành cột khói cao 4.000m, có thể nhìn thấy từ cách xa hàng trăm km.
Theo Daily Star, sau nhiều tháng hoạt động địa chất, núi lửa Soputan bắt đầu phun tro bụi, tạo thành cột khói cao tới 4.000m, có thể nhìn thấy từ cách xa hàng trăm km. Giới chức trên đảo Sulawesi đã ra cảnh báo yêu cầu các chuyến bay tránh xa khu vực.
Cư dân sống trong khu vực bán kính 6,5km quanh núi lửa được khuyến cáo tránh xa vùng nguy hiểm. Hiện chưa có báo cáo về thương vong, thiệt hại sau khi núi lửa Soputan thức giấc. Chính quyền Indonesia đang theo dõi sát sao tình hình.
Đáng chú ý là ngọn núi lửa phun tro bụi thức giấc ở cùng hòn đảo xảy ra động đất, sóng thần khiến hơn 1.400 người thiệt mạng. Khu vực núi lửa cách thành phố Palu, nơi thiệt hại nặng nề do sóng thần, khoảng 600km.
Một nhà địa chất làm việc cho chính phủ Indonesia nói núi lửa Soputan phun tro bụi nhiều khả năng là kết quả của trận động đất 7,5 độ richter xảy ra hồi tuần trước. Chính trận động đất này cũng kích hoạt sóng thần cao tới 6 mét.
Núi lửa phun khói bụi ở cùng hòn đảo xảy ra thảm họa động đất, sóng thần.
Một số nhà địa chất khác thì tỏ ra thận trọng, cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận rằng hoạt động bất thường của núi lửa là do tác động từ động đất.
Thông tin núi lửa thức giấc xuất hiện trong bối cảnh chính quyền Indonesia xác nhận số người chết trong thảm họa kép đã vượt quá 1.400 người. Hiện vẫn còn khoảng 100 người mất tích. Trước đó, con số người thiệt mạng được xác định là 1.374 người.
Lực lượng cứu hộ hiện vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân mất tích, mắc kẹt trong các đống đổ nát sau thảm họa kép động đất, sóng thần.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có chuyến đi thứ hai đến đảo Sulawesi hôm 3.10. Ông Widodo khẳng định chính quyền đang nỗ lực hết sức để cứu sống các nạn nhân. Mục tiêu của ông Widodo là sớm khôi phục hệ thống điện để người dân trên đảo bắt đầu quay lại với cuộc sống bình thường.
Trước đó, phát ngôn viên cơ quan quản lý thảm họa Indonesia, Sutopo Purwo Nugroho nói ông hi vọng số người thiệt mạng sẽ không tăng thêm. “Chúng tôi đang nỗ lực cứu hộ, nhưng thời gian không còn nhiều”.
Cứu trợ nhỏ giọt, người dân mất kiên nhẫn, phần cướp bóc tìm thức ăn, phần tìm cách rời khỏi vùng thảm họa.