Sống sót sau thảm họa Titanic, người đàn ông bị cả nước Nhật ghét bỏ
Người đàn ông tội nghiệp bị cả chính phủ và người dân Nhật Bản chê trách cho tới cuối đời chỉ vì không chìm xuống biển Đại Tây Dương cùng con tàu Titanic.
Ông Masabumi Hosono – người Nhật Bản duy nhất lên tàu Titanic (ảnh: Insider)
Trường hợp của ông Masabumi Hosono – một công chức Nhật Bản – là câu chuyện buồn, dù ông là một trong số rất ít người châu Á sống sót sau thảm họa chìm tàu Titanic.
Thảm họa ập đến
Theo Japan Times, ông Hosono là hành khách người Nhật Bản duy nhất lên tàu Titanic. Ngày 10/4/1912, con tàu hoa lệ rời cảng từ Southampton (Anh) đến thành phố New York (Mỹ).
Ông Hosono, khi đó 42 tuổi, là quan chức Nhật làm việc tại Nga với vai trò là Ủy viên Hội đồng Đường sắt của Bộ Giao thông Nhật Bản. Nhưng trên tàu Titanic, ông chỉ là hành khách hạng 2.
Những gì xảy ra sau đó đã trở thành lịch sử. Ngày 14/4/1912, tàu Titanic chở 2.223 hành khách đã đâm phải băng trôi và bị đắm ngay trong chuyến đi đầu tiên.
Tranh vẽ thảm họa Titanic (tranh: CNN)
Người đàn ông đã sẵn sàng chết
Theo nhật ký của ông Hosono (chủ yếu được viết trong những ngày ông lênh đênh trên xuồng cứu hộ), vào tối ngày 14/4/1912, quan chức người Nhật bị đánh thức bởi những tiếng gõ cabin.
Vì chỉ là hành khách hạng 2 nên ông Hosono bị đưa xuống khoang dưới, cách xa khu vực để xuồng cứu sinh. Theo thống kê trong báo cáo điều tra gửi Thượng viện Mỹ, tỷ lệ số khách ở khoang hạng nhất của tàu Titanic được cứu là 60,5%.
Trong những giây phút tưởng chừng như cuối đời, ông Hosono thấy một thủy thủ đang hạ xuồng xuống và tuyên bố còn 2 chỗ trống. Khi ông Hosono còn dang do dự, một người đàn ông đã lao về phía trước.
“Anh chìm trong tuyệt vọng khi nghĩ rằng mình không thể gặp lại em và các con. Anh nghĩ chẳng còn cách nào khác ngoài việc chịu chung số phận với tàu Titanic. Nhưng cách người đàn ông đó nhảy xuống xuồng đã thôi thúc anh nắm lấy cơ hội cuối cùng”, ông Hosono viết trong lá thư gửi vợ.
Những ghi chép của ông Hosono về thảm họa chìm tàu Titanic được gia đình công bố vào năm 1997.
Ông Hosono giành được một chỗ trong xuồng cứu sinh và trở thành một trong số 706 người sống sót sau thảm họa. Hơn 1.500 người khác trên tàu đã chết, hầu hết là đàn ông. Có 162 người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em.
Câu nói “ưu tiên phụ nữ và trẻ em” lên xuồng cứu sinh trong thảm họa Titanic đã trở thành huyền thoại, theo Japan Times.
Xuồng cứu hộ bơi ra xa khỏi tàu Titanic (ảnh từ bộ phim Titanic của đạo diễn James Cameron)
Bị chỉ trích
Sau vụ chìm tàu, truyền thông Nhật Bản ban đầu tập trung đưa tin về cuộc đoàn tụ đầy cảm động của ông Hosono với gia đình.
Tuy nhiên, khi số người chết không ngừng tăng lên, báo giới nhanh chóng đổi thái độ và đăng nhiều bài viết chỉ trích ông Hosono, gọi ông là “kẻ hèn nhát”. Một số tờ báo Mỹ cũng đăng bài công kích ông Hosono – một quan chức Nhật Bản.
Trong khi ông Hosono bị chỉ trích, thì một số người phụ nữ sống sót sau vụ chìm tàu Titanic lại được ca ngợi.
Bà Molly Brown, người yêu cầu những người sống sót trên xuồng cứu sinh quay lại cứu thêm những người gặp nạn, được báo giới đặt biệt danh là “quý bà Molly Brown không thể chìm”.
Violet Jessop – nữ tiếp viên trên tàu Titanic – cũng được báo giới ca ngợi là người phụ nữ “không thể chìm”. Bà Jessop may mắn thoát nạn trong 3 vụ tai nạn tàu thủy, trong đó có vụ chìm tàu Titanic.
Theo Metropolis Japan, ông Hosono bị dư luận Nhật Bản phê phán vì không tuân thủ nguyên tắc “phụ nữ và trẻ em là trên hết”. Nhiều người cho rằng, với tinh thần samurai, ông Hosono nên sẵn sàng đón nhận “cái chết danh dự”.
Theo Insider, ông Hosono bị chính phủ Nhật Bản buộc thôi việc. Người đàn ông tội nghiệp bị tấn công bởi những lá thư căm ghét và phải gánh chịu “mura hachibu” – thái độ tẩy chay của xã hội.
“Sự hèn nhát” của ông Hosono thậm chí còn trở thành ví dụ trong một cuốn sách dạy giao tiếp.
Ông Hosono bị tâm lý kỳ thị đeo bám đến cuối đời. Năm 1939, ông Hosono qua đời bởi nguyên nhân tự nhiên. Ngay cả khi Hosono đã chết, “Titanic” vẫn là cụm từ cấm kỵ trong gia đình ông, theo AP.
Năm 1954, tàu Toya Maru của Nhật bị đắm khiến hơn 1.100 người thiệt mạng, vụ việc của ông Hosono khi đó lại bị báo giới nhắc lại.
Danh dự được phục hồi
Theo Brantford Expositor, thái độ tẩy chay của xã hội Nhật Bản đối với ông Hosono kéo dài đến những năm 1990.
Sau khi bộ phim kinh điển Titanic của đạo diễn James Cameron ra mắt (năm 1997), dư luận Nhật Bản có cái nhìn càng thêm tiêu cực đối với ông Hosono.
Cùng năm 1997, tờ AP có bài viết cho rằng, ông Hosono đã bị nhầm lẫn với một người đàn ông châu Á khác trên tàu Titanic. Người này có hành vi tranh giành xuồng cứu hộ và từ chối rời đi.
Theo ghi chép của ông Hosono, ông đã nỗ lực để giúp xuồng cứu hộ tránh xa tàu Titanic đang chìm, giúp cứu sống những người cùng xuồng.
Bài viết của AP đã phần nào giúp khôi phục danh dự cho ông Hosono, theo Matt Taylor, nhà nghiên cứu người Mỹ kiêm học giả về tàu Titanic.
Một xuồng cứu sinh của tàu Titanic không chở hết trọng tải. Chiếc xuồng này được thiết kế để chở được 65 người, nhưng chỉ có 28 người lên xuồng, theo History Channel (ảnh: History Channel)
Theo Japan Times, những tài liệu ghi chép về thảm họa cho thấy hành động của ông Hosono không ích kỷ như báo giới từng miêu tả. Nhiều xuồng cứu sinh trên tàu Titanic vẫn còn trống chỗ ngồi nhưng được thả xuống biển quá sớm. Ngay cả xuồng cứu sinh số 10 chở ông Hosono thực ra vẫn còn trống chỗ.
Tàu Titanic ra khơi với 20 xuồng cứu sinh, mỗi chiếc đủ sức chứa từ 40 – 60 người. Như vậy, tổng sức chứa của toàn bộ xuồng cứu sinh là khoảng 1.170 người.
Theo Japan Times, khẩu hiệu “ưu tiên phụ nữ và trẻ em” trong vụ chìm tàu Titanic có thể đã khiến nhiều người đàn ông ngần ngại xuống xuồng cứu sinh, gây ra những cái chết không đáng có.
Số hành khách nữ thiệt mạng trong vụ đắm tàu Titanic là 114. Số hành khách nam thiệt mạng là hơn 1.000 người.
Nguồn: [Link nguồn]
Phát hiện bất ngờ cho thấy tàu Titanic “không đơn độc” dù chìm sâu hơn 4.000 mét dưới đáy Đại Tây Dương.