Sống ở "thiên đường của quỷ", người dân chỉ thọ tới tuổi 35
Được mệnh danh là "thiên đường của quỷ", thành phố này vẫn thu hút nhiều người tới ở vì một thứ có giá trị dưới lòng đất.
La Rinconada thành phố được mệnh danh là "thiên đường của quỷ" ở Peru. Ảnh: Getty
Theo The Sun, La Rinconada, thành phố xa xôi nhất thế giới nằm ở độ cao hơn 4.800 mét trên dãy Andes (Peru), là nhà của 50.000 dân - những người có tuổi thọ chỉ từ 30 - 35. Nơi đây cũng là nhà của những người đào vàng.
Sống ở nơi được mệnh danh là "thiên đường của quỷ", người dân địa phương thường mắc các bệnh về phổi và hô hấp, ảnh hưởng tới hệ thần kinh, gây mất trí nhớ, dị tật, tê liệt và cuối cùng là tử vong.
Nguyên nhân là vì họ phải sống trong điều kiện lạnh giá và bị bao phủ bởi rác thải. Nguồn nước cũng bị nhiễm thủy ngân độc hại, thứ dùng để làm sạch vàng được đào từ các hầm mỏ.
Những người dân ở La Rinconada cho biết, sau nhiều năm khai thác, nguồn vàng ở "thiên đường của quỷ" đã cạn kiệt.
"Mọi thứ không còn như trước đây. Đó là lý do vì sao nhiều điều tồi tệ xảy ra", một người dân địa phương nói. Thợ đào vàng bị bắn chết trong các đường hầm. Phụ nữ trẻ bị bán vào các nhà thổ. Các cuộc ẩu đả liên tục xảy ra.
Khi chính quyền địa phương và cảnh sát can thiệp, hạn chế quá trình đào vàng thì bị những kẻ đào vàng trái phép đe dọa bằng thuốc nổ.
Nhiều người dân sống ở "thiên đường của quỷ" đã chết vì mắc các bệnh về phổi và hô hấp. Ảnh: Getty
Eva Chura, một phụ nữ sống bằng việc đào vàng, cho biết, lúc này những người đàn ông không còn mặn mà tìm vàng vì nguồn vàng cạn kiệt.
"Họ thường tới các quán bar để uống rượu thay vì tới hầm mỏ đào vàng", Chura nói thêm.
Người dân địa phương dùng thủy ngân để tách vàng khỏi lớp đá, sau đó dùng nước rửa sạch. Lượng nước rửa chứa thủy ngân chảy từ trên núi xuống vùng trũng hơn. Ban đầu là những nhánh nhỏ, dần dần tạo thành sông.
"Nước được sử dụng để khai thác mỏ được đổ bừa bãi và ảnh hưởng tới các cộng đồng ở hạ nguồn. Nguồn nước canh tác, chăn nuôi của người dân bị nhiễm bẩn", Federico Chavarry, một công tố viên xử lý tội phạm môi trường ở La Rinconada, cho biết. "Ngoài ra, nước có kim loại nặng và thủy ngân cũng chảy trực tiếp tới hồ Titicaca".
Titicaca, hồ nước lớn nhất ở Nam Mỹ, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và thủy sản cho người dân ở khu vực xung quanh.
12 năm trước, Chura rời bỏ quê nhà Chupa ở vùng Puno để tới với "thiên đường của quỷ".
Chura có 8 con và đang sống cùng 5 đứa trong ngôi nhà tạm bợ có mái bằng tôn. Con lớn nhất của Chura là Natalie, 13 tuổi. Khi đi tìm vàng, Chura vẫn phải địu theo cậu con út Alizon vì phải cho con bú.
Bà mẹ 8 con mất 1 tiếng để di chuyển tới địa điểm tìm vàng dành cho phụ nữ. Khi tới đây, các phụ nữ phải làm một số thủ tục để cầu may.
"Có lúc thì tìm được vàng, có lúc lại không. Hiện tại, khả năng tìm thấy vàng rất thấp", Chura chia sẻ.
Những người đàn ông ở La Rinconada đã dồn toàn bộ phụ nữ từ khu vực đào vàng sang khu vực đổ đất đá đào dưới hầm mỏ.
Những người phụ nữ phải khom lưng lật qua, lật lại đất đá để tìm ánh sáng lấp lánh của vàng.
Chura (giữa ảnh) địu con sau lưng và những phụ nữ lật đá tìm vàng ở La Rinconada. Ảnh: Getty
Ảnh: Getty
Bất cứ thứ gì có thể bán được, dù là nghi ngờ, họ vẫn mang về. Sau đó, họ mang bán những thứ tìm được cho những người ở chợ đen.
"Có tuần, tôi kiếm được 1-2g vàng", bà mẹ 8 con nói.
Số lượng vàng mà mỗi phụ nữ thu thập được là rất nhỏ, nhưng có tới hàng nghìn người phụ nữ sống nhờ việc này. Theo một số ước tính, có tới hơn 15.000 người "bới vàng" ở Peru.
Vàng được nhiều người thu nhặt nhưng rác thì không. Rác có ở khắp nơi nhưng không ai thu dọn.
Nguồn: [Link nguồn]
Hai kẻ săn mồi có cuộc đấu "một mất một còn" và phần thắng nghiêng về kẻ "lỳ đòn" hơn.