‘Sống chung với COVID-19’ trở thành xu thế toàn cầu
Trải qua hơn một năm rưỡi đối phó với COVID-19 và hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề về kinh tế, một số quốc gia như Úc, New Zealand, Hàn Quốc mới đây đã quyết định chuyển từ chiến lược “không COVID-19” sang “thích nghi an toàn với dịch bệnh”.
Nhân viên công sở ở Hàn Quốc đeo khẩu trang trong suốt để dễ trò chuyện với người khiếm thính. Ảnh: Yonhap
Sống chung với COVID-19
Chính phủ Hàn Quốc ngày 15/10 công bố kế hoạch nới lỏng dần các lệnh hạn chế phòng COVID-19, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ở nước này đang gia tăng nhanh chóng. Theo kế hoạch mới có hiệu lực từ ngày 18/10, khu vực Seoul - nơi sinh sống của một nửa dân số Hàn Quốc - vẫn sẽ được áp dụng các biện pháp phòng dịch cấp 4 (cấp cao nhất). Các khu vực còn lại sẽ áp dụng cấp 3.
Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cho phép người dân khu vực Seoul tụ tập theo nhóm 8 người (tăng so với giới hạn hiện tại là 6 người) từ sau 18 giờ hằng ngày nếu trong đó có 4 người đã tiêm chủng đầy đủ. Ở các khu vực khác, người dân sẽ được tụ tập theo nhóm tối đa 10 người nếu có 6 người đã tiêm vắc xin.
Lệnh hạn chế liên quan đến thời gian hoạt động của các địa điểm như nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim… sẽ được nới lỏng. Các sự kiện thể thao sẽ được tổ chức trên sân có khán giả, nếu 30% tổng số khán giả đã được tiêm phòng.
Các quy định mới sẽ được áp dụng đến ngày 31/10. Sau đó, chính quyền Hàn Quốc sẽ xem xét công bố chiến lược mở cửa toàn diện hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và người lao động tự do. Seoul kỳ vọng có thể kích hoạt trở lại toàn bộ nền kinh tế vào tháng 11, khi đạt mục tiêu 80% dân số trưởng thành được tiêm đủ liều.
Úc - một trong những quốc gia từng thành công với chiến lược “không COVID-19” - đang hướng tới việc sống chung với dịch bệnh sau khi thừa nhận rằng biến thể Delta dễ lây lan đến mức không thể ngăn chặn hoàn toàn.
Từ ngày 11/10, các quán cà phê, nhà hàng, phòng gym ở thành phố Sydney (bang New South Wales) đã bắt đầu mở cửa đón khách với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Tại bang Victoria (Úc), số ca mắc mới COVID-19 đang tiếp tục gia tăng. Nhưng thành phố Melbourne - thủ phủ của bang này - ngày 17/10 đã quyết định sẽ dỡ bỏ lệnh hạn chế ra đường sau khi lập kỷ lục thế giới về thời gian phong toả. Một trong những lý do khiến chính quyền Melbourne quyết định mạnh dạn mở cửa là nhờ tỷ lệ tiêm chủng đủ liều của bang Victoria đã gần đạt 70%.
“Kể từ 23h59’ ngày 21/10, sẽ không còn phong toả, không còn hạn chế ra đường, không còn giờ giới nghiêm”, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews thông báo.
Một số loại hình kinh doanh dù được phép mở cửa trở lại nhưng vẫn bị hạn chế về quy mô hoạt động. Lệnh hạn chế sẽ tiếp tục được nới lỏng, bao gồm việc mở cửa các cửa hàng bán lẻ, khi tỷ lệ tiêm chủng ở bang Victoria đạt 80%, dự kiến chậm nhất là vào ngày 5/11.
Giống với Úc, New Zealand từng duy trì chiến lược “không COVID-19” trong suốt hơn một năm. Nhưng từ đầu tháng 10, quốc gia này đã phải chấp nhận chuyển sang sống chung với virus sau khi bùng phát ổ dịch mới vì biến thể Delta. Người dân thành phố Auckland - khu vực đông dân nhất ở New Zealand - đã bắt đầu được tụ tập với quy mô hạn chế. Tuy nhiên, giới chức New Zealand nhấn mạnh các lệnh hạn chế nghiêm ngặt sẽ chỉ được nới lỏng sau khi 90% dân số đủ điều kiện (từ 12 tuổi trở lên) của nước này được tiêm chủng. Hiện, con số này mới đạt gần 60%.
Kết nối với thế giới
Không chỉ dần dỡ bỏ các lệnh hạn chế, nhiều quốc gia đã bắt đầu mở cửa biên giới, nối lại các đường bay quốc tế để đón khách du lịch đã tiêm đủ liều vắc xin.
Theo quy định mới của Singapore, từ ngày 19/10, những người đã được tiêm đủ liều vắc xin từ tám quốc gia bao gồm Anh, Pháp, Canada, Đan Mạch, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ có thể nhập cảnh Singapore mà không cần cách ly nếu có kết quả xét nghiệm âm tính. Từ ngày 15/11, quy định này sẽ tiếp tục được áp dụng đối với những người đến từ Hàn Quốc.
Tại Mỹ, những du khách đã tiêm đủ liều vắc xin có thể nhập cảnh từ ngày 8/11 và chỉ cần xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước đó. Quy định được áp dụng với du khách đến từ Khối Schengen (26 quốc gia châu Âu), Anh, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ireland và Nam Phi. Đáng chú ý, thay vì chỉ chấp nhận những người đã tiêm vắc xin Mỹ, Nhà Trắng tuyên bố du khách “đã tiêm các loại vắc xin được Cục Quản lý Thực phẩm - Dược phẩm (FDA) Mỹ hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép”, thậm chí tiêm trộn vắc xin, đều sẽ đủ điều kiện nhập cảnh. Danh sách này bao gồm các vắc xin của Moderna, Pfizer/BioNTech, Johnson & Johnson, AstraZeneca/Oxford (gồm cả phiên bản của Viện Huyết thanh Ấn Độ và của Hàn Quốc), Sinopharm, Sinovac.
Tại Úc, chính quyền Sydney cho biết thành phố này sẽ cho phép du khách đã tiêm chủng đủ liều nhập cảnh mà không cần cách ly từ 1/11. Cũng từ ngày này, Thái Lan sẽ miễn quy định cách ly đối với du khách đã tiêm phòng đầy đủ đến từ 5 quốc gia bao gồm Anh, Mỹ, Đức, Singapore, Trung Quốc. “Chúng ta phải hành động vừa nhanh chóng vừa thận trọng để không bỏ lỡ cơ hội thu hút khách du lịch vào mùa nghỉ lễ cuối năm và năm mới”, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nói. Hồi tháng 8, Thái Lan tuyên bố sẽ chuyển sang chiến lược “sống chung với COVID-19” và đang tăng tốc tiêm chủng trên toàn quốc. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 30% dân số Thái Lan đã được tiêm chủng đầy đủ.
Thừa nhận rằng quyết định mở cửa biên giới có thể mang lại một số rủi ro, Thủ tướng Prayut cho biết các nhà chức trách sẽ theo dõi tình hình cẩn thận và có “hành động phù hợp, tương xứng” nếu các biến thể COVID-19 nguy hiểm mới xuất hiện.
Cảnh sát đôi khi phải được điều động để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn khi đám đông tỏ ra mất kiên nhẫn vì phải...
Nguồn: [Link nguồn]