Sốc với tác phẩm nghệ thuật 130.000 năm của loài người khác
Một mảnh xương gấu được chạm khắc 130.000 năm trước là tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất Á-Âu. Nhưng nó không thuộc về loài người tinh khôn chúng ta.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi GS Tomasz Płonka, nhà khảo cổ học từ Đại học Wrocław (Ba Lan) đã dùng những kỹ thuật hiện đại để phân tích một hiện vật khai quật hơn 70 năm trước và phát hiện ra nó là tác phẩm nghệ thuật của loài người cổ Neanderthals.
Mảnh xương gấu được xác định là tác phẩm nghệ thuật của loài người cổ Neanderthals được chụp theo 4 góc độ khác nhau - Ảnh: Journal of Archaeological Science
Theo Live Science, mảnh xương được phát hiện vào năm 1953 tại hang Dziadowa Skała ở miền nam Ba Lan.
Lớp trầm tích chứa đựng mảnh xương có niên đại từ thời Eemian (130.000 đến 115.000 năm trước), một trong những thời kỳ ấm hơn của kỷ băng hà cuối cùng
Ban đầu, các nhà khảo cổ tin rằng nó là xương sườn của một con gấu. Nhưng phân tích mới của TS Plonka và các cộng sự cho thấy đó là xương chi trước bên trái, có thể là của loài gấu nâu (Ursus arctos).
Song song đó, quá trình xem xét lại mảnh xương bằng kính hiển vi 3D và chụp cắt lớp vi tính (CT) - từ đó tạo ra mô hình kỹ thuật số của xương - đã làm rõ thêm những "dấu vết lạ".
Họ nhận thấy các dấu vết là có chủ ý, một số đường khắc được lặp lại một cách có hệ thống.
Để tìm ra cách tạo ra các vết mổ, nhóm nghiên cứu đã tạo ra các dấu vết thí nghiệm trên xương gia súc tươi bằng lưỡi dao đá lửa và dao thời kỳ đồ đá cũ bằng cách sử dụng bảy kỹ thuật rạch, bao gồm chuyển động qua lại và chuyển động cưa mạnh.
Điều này cho thấy các đường rạch này không phù hợp với hoạt động giết mổ, sử dụng công cụ hoặc giẫm đạp động vật. Trái lại, nó được khắc khá tinh tế lên xương bằng một con dao đá lửa.
Nói cách khác, nó đúng là tác phẩm nghệ thuật. Với niên đại 130.000 năm, đó là tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất vùng Á - Âu.
Từ đó, bài công bố nghiên cứu trên tạp chí khoa học Journal of Archaeological Science kết luận những sự nhất quán này cho thấy người nghệ sĩ tiền sử không chỉ vẽ nguệch ngoạc mà còn có thể có khả năng nhận thức nâng cao.
Chiếc xương giống hình trụ, dài khoảng 10,6 cm, được trang trí bằng 17 vết cắt song song cách đều nhau. Người khắc nó đã khắc trong một lần và là người thuận tay phải.
Thú vị hơn, anh ta - hoặc cô ta - không phải loài người tinh khôn Homo sapiens chúng ta, dựa theo các bằng chứng khảo cổ khác trong khu vực.
Khu vực mà chiếc xương được tìm thấy là lãnh địa cổ xưa của người Neanderthals thời kỳ đó.
Họ là một loài cùng chi Homo (chi Người) với chúng ta, từng giao phối dị chủng với tổ tiên chúng ta khoảng hơn 30.000-40.000 năm trước, để lại một tỉ lệ nhỏ DNA trong cơ thể hầu hết chúng ta.
Người Neanderthals có một thói quen đặc biệt là tạo ra những dấu vết song song tương tự trên xương mà các nhà nghiên cứu ngày nay tin rằng đó là một loại văn hóa biểu tượng nào đó.
Một trong những ví dụ thú vị nhất từng được tìm thấy là hộp sọ của một người phụ nữ thuộc loài này với 35 hình chạm khắc, đa số nằm song song.
Trước đây, người ta cho rằng đời sống của loài Neanderthals khá mông muội. Nhưng các bằng chứng được tìm thấy trong vài năm gần đây cho thấy trước khi tuyệt chủng, họ đã phát triển rất tốt các kỹ năng dệt sợi, chế tạo vũ khí, công cụ, trang sức...
Họ cũng có tổ chức xã hội chặt chẽ, phân công lao động trong cộng đồng, cũng như có phong tục tang ma, phong cách nghệ thuật hang động... rất riêng.
Một phần các kỹ thuật sơ khai của loài người tinh khôn Homo sapiens thậm chí có thể đã thừa hưởng từ người anh em khác loài này.
Tỉ lệ gien loài người khác cực kỳ "đậm đặc" của người dân đảo quốc này đã được bảo tồn qua 50.000 năm cô lập di truyền.
Nguồn: [Link nguồn]