Sốc không lời tả xiết với ‘bãi chiến trường’ Gaza

Sau 8 tháng kể từ khi cuộc xung đột ở Gaza nổ ra, điều kiện vệ sinh tại dải đất này tệ hại đến mức đáng báo động khi nước thải tràn đầy đường, rác thải khắp nơi, còn ruồi, muỗi thì nhiều vô kể.

Tại Dải Gaza hiện giờ, nước thải khắp nơi, ruồi muỗi bay đầy, rác thải chất cao trên đường phố. Khi mùa hè đến cùng với cái nóng khắc nghiệt, tình trạng này càng trở nên đáng quan ngại. Theo đài CNN, hàng trăm ngàn người ở Gaza đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng về vệ sinh.

Ông Ismail Zayda - sống tại TP Gaza (bắc Gaza) - cho biết nguồn cung cấp nước đã bị cắt trong gần 9 tháng qua.

“Các dịch vụ trong TP không hoạt động và rác thải chất thành đống lớn trước cửa nhà và trên đường của chúng tôi. Lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy một số lượng lớn côn trùng bay như vậy. Thành thật mà nói, Gaza hiện giờ có những loài côn trùng mà chúng tôi nhìn thấy lần đầu tiên trong đời, nhưng chúng tôi không biết tên của chúng. Chúng chích vào cơ thể chúng tôi và của con cái chúng tôi” – ông Zayda nói.

Người dân đi ngang bãi rác ở Deir al Balah (miền trung Gaza) vào tháng 5. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Người dân đi ngang bãi rác ở Deir al Balah (miền trung Gaza) vào tháng 5. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Đường “đầy nước thải”

Nhà ông Zayda có một bể bơi nhưng lâu rồi không dùng đến. Chính ông cũng không ngờ bể bơi này giờ đây lại thành “nam châm” thu hút côn trùng.

“Ban ngày ruồi đến, ban đêm muỗi bay theo đàn. Ban đêm chúng tôi đốt lửa và đốt rác cho đến khi côn trùng đi mất” – ông Zayda kể.

Gần như cả ngày, ông Zayda phải đeo khẩu trang. Nguyên nhân một phần là do một số phương tiện chạy bằng dầu ăn, vì không có dầu diesel. Điều này khiến việc hít thở trở nên khó khăn.

“Những con đường đầy nước thải chảy qua các đường phố, đầy chất thải và đầy đống đổ nát từ các vụ đánh bom” - ông Zayda mô tả.

Việc xử lý nước thải trong bối cảnh cơ sở hạ tầng bị hư hại và thiếu nhiên liệu đã trở thành một vấn đề vô cùng nan giải ở Gaza.

Ông Carl Skau – Phó Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) – cho biết sau khi đến thăm Gaza ông biết được rằng 1 triệu người đã phải rời khỏi TP Rafah (cục nam Gaza) và hiện “mắc kẹt” tại một “khu vực đông đúc dọc theo bãi biển trong cái nóng thiêu đốt của mùa hè”.

Ông Assem Al-Nabih – nhân viên truyền thông tại TP Gaza – cho hay TP hiện có “sự rò rỉ một lượng lớn nước thải ở nhiều khu vực khác nhau và rò rỉ ra cả biển”. Ông Al-Nabih ước tính hơn 4 km đường ống dẫn nước đã bị phá hủy hoặc hư hỏng. Đối với tình hình Gaza hiện tại, việc sửa chữa những đường ống hư hỏng gần như là không thể.

Theo đánh giá của các cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức đối tác, 67% cơ sở hạ tầng và nước sạch, vệ sinh ở Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại do cuộc xung đột ở Gaza.

Người dân xếp hàng lấy nước sạch từ một tổ chức viện trợ ở Deir al Balah trong bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Người dân xếp hàng lấy nước sạch từ một tổ chức viện trợ ở Deir al Balah trong bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Những hồi chuông báo động liên tục

Cuộc xung đột ở Gaza hiện đã bước sang tháng thứ tám và đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Các nhóm nhân quyền nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về điều kiện sống “không thể tả xiết” đối với người dân Gaza. Tại dải đất này, các cuộc tấn công của Israel gây thiệt hại nặng tại các khu dân cư, cơ sở hạ tầng y tế, trong khi nguồn cung cấp lương thực, nước và nhiên liệu đã cạn kiệt.

Trong một đánh giá gần đây, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết tại trại tị nạn Deir al Balah (miền trung Gaza) - nơi hàng ngàn người đang trú ẩn - nhiều người gặp các vấn đề sức khỏe như viêm gan A, bệnh ngoài da và bệnh hô hấp. Khả năng tiếp cận nguồn nước tại khu vực này cũng cực kỳ thấp.

Theo OCHA, tại một địa điểm sơ tán trong khu vực, lượng nước trung bình dành cho 1 người trong 1 ngày là chưa đến 1 lít. Trong khi đó, nhiều cơ quan quốc tế khuyến nghị lượng nước tối thiểu để con người có thể sống trong 1 ngày là 3 lít.

Nguồn cung cấp nước an toàn là rất cần thiết. Nó không chỉ dùng để uống và nấu ăn, mà còn để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật.

OCHA cho biết hơn 2/3 cơ sở hạ tầng và nước sạch, vệ sinh ở Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại do cuộc xung đột ở Gaza. Cơ quan này cũng xác nhận nhiều cơ sở hạ tầng khác không hoạt động do “mất an ninh, khó tiếp cận, thiếu điện và nhiên liệu để vận hành máy phát điện”.

Theo OCHA, khả năng thích ứng của người dân đang “bị kéo căng quá mức”. Trong đó, những người dễ bị tổn thương nhất lại đang lấy nước từ các nguồn không đáng tin cậy, được đựng trong các thùng chứa không phù hợp, đồng thời thiếu các vật dụng vệ sinh cơ bản như xà phòng.

Tuy nhiên, điều kiện vệ sinh không phải là nỗi lo lớn nhất của người dân Gaza. An toàn sinh mạng vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người dân nơi đây.

Người dân dùng nước nấu ăn tại trại tị nạn Jabalia (bắc Gaza). Ảnh: REUTERS

Người dân dùng nước nấu ăn tại trại tị nạn Jabalia (bắc Gaza). Ảnh: REUTERS

Ông Rik Peeperkorn - đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Bờ Tây và Gaza - cho biết hơn 10.000 trường hợp khẩn cấp ở Gaza cần được sơ tán khỏi dải đất để điều trị.

“Nhóm lớn nhất là chấn thương do chiến tranh, chấn thương nặng, chấn thương cột sống. Nhóm khác tất nhiên là những người mắc các bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch, hô hấp” – ông Peeperkorn nói.

Theo ông Peeperkorn, trước cuộc xung đột ở Gaza, khoảng 50 đến 100 người dân được phép rời Gaza hàng ngày để đi điều trị bệnh ở Jerusalem và Bờ Tây. Kể từ ngày 7-5, không một trường hợp nào có thể rời khỏi TP Rafah.

“Cửa khẩu Rafah nên được mở lại càng nhanh càng tốt, hoặc nên có một lối đi hoặc cơ chế thay thế vì chúng tôi không thể bỏ rơi những bệnh nhân nguy kịch này. Hiện tại, chúng tôi chưa ước tính được có bao nhiêu bệnh nhân đã qua đời vì không được chuyển đi điều trị kịp thời” – ông Peeperkorn xác nhận.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhà Trắng đã bác bỏ tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyhu về việc Mỹ trì hoãn cung cấp vũ khí và đạn được cho đồng minh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Tin tức Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN