So sánh sức mạnh quân sự Trung Quốc và Ấn Độ: Ai mạnh hơn ai?
Ấn Độ - Trung Quốc, 2 quốc gia đông dân nhất thế giới và đều sở hữu vũ khí hạt nhân đang bên bờ vực xung đột ở biên giới. Trong bối cảnh nguy cơ đụng độ gia tăng, cả quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đều có những thế mạnh riêng.
Xe tăng Type 15 của Trung Quốc (ảnh: SCMP)
Truyền thông Trung Quốc mới đây đã đăng tải hình ảnh những chiếc máy bay chở theo binh sĩ hướng đến khu vực biên giới đang tranh chấp với Ấn Độ. Theo nguồn tin quân đội Ấn Độ, Trung Quốc đã tăng thêm ít nhất 5.000 binh sĩ cùng nhiều vũ khí đến Đường kiểm soát thực tế (LAC). Ngược lại, Ấn Độ cũng điều tới một lực lượng tương đương.
“Động thái của chúng tôi là tương xứng với việc triển khai thêm quân đội của Trung Quốc, cả về quân số, vũ khí mặt đất và trên không”, một quan chức quân đội cấp cao ở Ấn Độ nói với tờ Hindustan Times.
Căng thẳng Trung - Ấn đang ngày càng gia tăng ở khu vực biên giới kéo dài khoảng 3.500 km giữa 2 nước. Ngoài một Đường kiểm soát thực tế được thiết lập, khu vực biên giới Trung – Ấn chưa bao giờ được phân định chính xác.
Giới chức Ấn Độ cáo buộc, Trung Quốc ngày càng qua ranh giới về Ấn Độ ở khu vực Ladakh.
Kể từ cuộc xung đột có đổ máu năm 1962, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc thường xuyên có những vụ ẩu đả nhỏ lẻ ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, những ngày gần đây, căng thẳng Trung – Ấn diễn ra theo chiều hướng đáng báo động.
Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia có dân số lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn được xem là nhỉnh hơn một chút về dân số với 1,3 tỷ dân so với 1,2 tỷ dân của Ấn Độ.
Trung Quốc chi ngân sách quốc phòng vượt xa Ấn Độ (ảnh: SCMP)
Tờ Global Firepower nhận định, Trung Quốc là cường quốc quân sự xếp thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nga. Với vị trí thứ 4, Ấn Độ xếp ngay sau Trung Quốc.
Quân đội thường trực Trung Quốc có khoảng hơn 2 triệu người, so với 1,4 triệu của Ấn Độ.
Tuy nhiên, lực lượng binh sĩ dự bị của Ấn Độ lại lên tới 2,1 triệu người, so với 510.000 của Trung Quốc.
Chi ngân sách cho quốc phòng của Trung Quốc là rất lớn, khoảng 233 tỷ USD mỗi năm. Năm 2020, mặc dù kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, Trung Quốc vẫn quyết định tăng ngân sách quốc phòng lên 6,6%.
Ấn Độ chi ngân sách cho quốc phòng chỉ ở mức 61 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, Trung Quốc nợ nước ngoài cao gấp 3 lần Ấn Độ, một phần của nguyên nhân này cũng là Bắc Kinh tập trung quá nhiều vào phát triển quân đội.
Xét về thiết bị quốc phòng, Trung Quốc có khoảng 3.210 máy bay quân sự. Trong khi đó Ấn Độ chỉ sở hữu 2.123 máy bay quân sự.
Hải quân Trung Quốc có 777 tàu chiến, so với 285 tàu chiến Ấn Độ.
Tuy nhiên, lực lượng bộ binh Ấn Độ có tới 4.295 xe tăng, trong khi Trung Quốc chỉ sở hữu 3.500 chiếc.
Những hình ảnh và video được đăng tải bởi cả truyền thông Ấn Độ, Trung Quốc gần đây cho thấy, binh sĩ 2 nước đều lấn sang phần kiểm soát của đối phương và sinh ra ẩu đả.
Tên lửa Ấn Độ (ảnh: ABC News)
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia trong nước cho rằng, những vụ đụng độ giữa binh sĩ Trung - Ấn chưa thể kết thúc trong thời gian ngắn do nhiều bất đồng cốt lõi chưa được giải quyết.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, kể từ sau cuộc đụng độ Doklam với Ấn Độ năm 2017, quân đội Trung Quốc đã đặc biệt phát triển kho vũ khí nhằm chiếm ưu thế trong cuộc xung đột quân sự với Ấn Độ ở vùng cao nguyên. Trong số này có thể kể đến xe tăng Type 15, máy bay trực thăng Z-20, máy bay không người lái GJ-2 cùng một số vũ khí khác.
Truyền thông Ấn Độ cho rằng, chỉ khi nào quân đội Trung Quốc rút lui khỏi khu vực lấn chiếm thì tình hình căng thẳng mới có thể hạ nhiệt.
“Binh sĩ Trung Quốc nên rút ngay khỏi khu vực đã lấn chiếm từ Ấn Độ trong nhiều tuần qua. Bắc Kinh nên chỉ đạo cho quân đội của họ thực hiện điều này. Nếu không, Ấn Độ buộc phải chuẩn bị tâm thế cho một cuộc chiến kéo dài”, The Hindu (báo Ấn Độ) bình luận.
Bất chấp những căng thẳng đang gia tăng ở biên giới, sau cuộc họp cấp cao giữa tướng lĩnh hai nước, Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý giải quyết tranh chấp bằng hòa bình.
“Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý giải quyết căng thẳng ở khu vực biên giới một cách hòa bình thông qua các thỏa thuận song phương. Hai bên sẽ tiếp tục thực hiện những cam kết ngoại giao và quân sự để đảm bảo hòa bình, ổn định biên giới”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố.
Quân đội Ấn Độ được lệnh sẵn sàng cảnh giác cao độ ở các điểm nóng tranh chấp, sau khi đàm phán cấp tướng với...
Nguồn: [Link nguồn]