So sánh sức mạnh quân sự Israel - Hamas
Chiến dịch "Cơn lũ al-Aqsa" do Hamas phát động khiến quân đội Israel bất ngờ và phần nào hé lộ sức mạnh của lực lượng quân sự đang kiểm soát Dải Gaza.
Các tay súng Hamas huấn luyện tấn công trên xe máy (ảnh: Sky News)
Hôm 7/10, Hamas bất ngờ điều lực lượng lớn tấn công Israel. Khoảng 5.000 quả rocket được bắn và hơn 1.000 tay súng Hamas xâm nhập lãnh thổ Israel.
Theo Al Jazeera, lực lượng Hamas (viết tắt của “Phong trào kháng chiến Hồi giáo”) thành lập năm 1987 bởi lãnh tụ Hồi giáo Sheikh Ahmed Yasin. Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza (giáp biên giới với Israel), rộng khoảng 365 km2. Dải Gaza là nơi sinh sống của khoảng 2,3 triệu người, chủ yếu là dân Palestine.
Mục tiêu của Hamas là tấn công nhà nước Israel. Lực lượng này cho rằng, Israel “chiếm đóng lãnh thổ” của Palestine.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ ở tại Anh, Hamas có khoảng 15.000 – 20.000 tay súng chiến đấu thường trực. Cũng có nguồn tin cho rằng, lực lượng chiến đấu thường trực của Hamas là khoảng 30.000 – 40.000 người.
Hamas cũng có thể huy động lực lượng dự bị với hàng chục nghìn quân ở Gaza. Theo CNN, nhiều người dân Palestine sẵn sàng ủng hộ Hamas.
Sky News cho hay, lực lượng của Hamas chủ yếu là bộ binh, được trang bị các vũ khí nhỏ.
Người Palestine leo lên xác xe tăng Israel bị Hamas bắn cháy hôm 7/10 (ảnh: Reuters)
Hamas cũng có tên lửa chống tăng và rocket. Các vũ khí hạng nặng này có thể do Iran cung cấp hoặc Hamas tự sản xuất.
Hamas đã tự sản xuất tên lửa Qassam-1. Loại tên lửa này có thể bay xa 2 – 3km và mang theo khoảng 60kg chất nổ. Hamas cũng tự cải tiến Qassam-1 thành các mẫu tên lửa với tầm bắn xa hơn là Qassam-2, Qassam-3 và Qassam-4.
Ngoài tên lửa dòng Qassam, Hamas còn sở hữu tên lửa J-89 có tầm bắn khoảng 80km và R-160 có tầm bắn khoảng 160km.
Hamas cũng sở hữu kho rocket đáng gờm với hàng nghìn quả.
Theo Al Jazeera, Hamas không có lực lượng hải quân, không quân. Lực lượng này cũng không sở hữu xe tăng, xe bọc thép nào. Các xe thiết giáp Hamas thu giữ được thường bị phá hủy tại chỗ hoặc đưa về trưng bày cho người dân Palestine xem.
Do thiếu xe thiết giáp, các tay súng Hamas thường sử dụng ô tô bán tải để vận chuyển vũ khí hoặc yểm trợ hỏa lực.
Về phía Israel, nước này sở hữu một trong những lực lượng mạnh nhất thế giới, theo Al Jazeera.
Một nhóm chiến đấu cơ của Israel (ảnh: Sky News)
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) năm 2023 cho hay, Israel có khoảng 169.500 quân nhân tại ngũ. Lực lượng dự bị của Israel là hơn 465.000 người.
Hôm 10/10, Israel tuyên bố đã huy động 300.000 quân dự bị cho cuộc chiến với Hamas.
Theo Al Jazeera, Israel có hơn 2.200 xe tăng và hơn 530 khẩu pháo các loại. Số vũ khí này là nguồn hỏa lực to lớn của lực lượng bộ binh.
Về không quân, Israel sở hữu 339 máy bay quân sự các loại, trong đó có 309 máy bay chiến đấu. Quân đội Israel có 196 chiến đấu cơ F-16, 83 chiến đấu cơ F-15 và 30 chiến đấu cơ F-35.
So về ưu thế trên không, quân đội Israel vượt trội hơn hẳn Hamas, theo Al Jazeera.
Về sức mạnh hải quân, Israel có 5 tàu ngầm và 49 đơn vị tuần tra ven biển.
Quân đội Israel tấn công một cảng biển ở Dải Gaza hôm 10/10 (ảnh: CNN)
Israel cũng sở hữu hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt). Hệ thống này nổi tiếng hiệu quả khi đánh chặn các loại rocket và tên lửa tầm gần.
Theo IISS, trong năm 2021, Iron Dome đã đánh chặn 90% tên lửa và rocket do Hamas phóng vào Israel.
Israel cũng được cho là có khả năng tấn công hạt nhân, theo IISS. Nước này sở hữu tên lửa Jericho và máy bay có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho hay, năm 2022, Israel chi 23,4 tỷ USD cho quân sự.
Cùng năm 2022, Israel nhận hơn 3 tỷ USD viện trợ quân sự của Mỹ.
Từ năm 1946 đến năm 2022, Israel được Mỹ viện trợ quân sự hơn 200 tỷ USD.
Nguồn: [Link nguồn]
Lực lượng Hamas kêu gọi “tổng động viên” thế giới Ả Rập và Hồi giáo để ủng hộ người Palestine trong cuộc chiến với Israel.