Hình phạt khắc nghiệt nhất cho kẻ ấu dâm trên thế giới

Những kẻ phạm tội ấu dâm trên thế giới không những phải đối mặt với bản án nặng nề, thậm chí là tử hình mà còn bị xã hội xa lánh và kì thị suốt đời.

Hình phạt khắc nghiệt nhất cho kẻ ấu dâm trên thế giới - 1

Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng hình thức "thiến hóa học" tội phạm ấu dâm.

Theo CNN, đối với tội phạm ấu dâm, nhiều nước trên thế giới như Phần Lan, Nga, một số bang ở Mỹ, Hàn Quốc hay Indonesia đã áp dụng hình phạt "thiến hóa học".

Phương pháp “thiến hóa học” khá đa dạng ở các nước, bao gồm việc tiêm dung dịch hoặc uống viên nén có chứa hormone của phụ nữ vào những đối tượng phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em. Hormone phụ nữ sẽ khiến cho đối tượng mất hoàn toàn dục vọng và không thể thực hiện các hành vi tình dục.

Ngay từ năm 2013, Hàn Quốc đã bắt đầu áp dụng hình thức “thiến hóa học” đối với các tội phạm ấu dâm tái phạm nhiều lần. Đối tượng Pyo là người đầu tiên bị “thiến hóa học” và mỗi liều thuốc sẽ có hiệu quả trong vòng 3 năm. Pyo cũng phải đeo vòng điện tử để cảnh sát theo dõi suốt 20 năm sau khi mãn hạn tù.

Tháng 10.2016, Indonesia thông qua dự luật, cho phép "thiến hóa học" tội phạm tình dục.

Đạo luật tăng hình phạt đối với kẻ tấn công tình dục trẻ em được Indonesia đưa ra sau khi bé gái 14 tuổi tên Yuyun ở Bengkulu, đảo Sumatra bị hãm hiếp và sát hại dã man vào tháng 4.2016. Cảnh sát xác định, hung thủ là một nhóm 14 thanh, thiếu niên.

Ngoài ra, đối tượng cũng có thể phải đối mặt với án tử hình hoặc án tù thấp nhất lên tới 10 năm. Những kẻ phạm tội sau khi ra tù đều bị theo dõi thường xuyên bằng thiết bị điện tử.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang siết chặt quy định về tội ấu dâm và lạm dụng tình dục trẻ em. Một số bang ở Mỹ đã chấp thuận hình phạt “thiến hóa học”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết giải quyết tình trạng ấu dâm ở trẻ em bằng cách xét xử nhanh các vụ án, nâng khung hình phạt cao nhất lên mức tử hình.

Hình phạt khắc nghiệt nhất cho kẻ ấu dâm trên thế giới - 2

Tội phạm ấu dâm ở Indonesia có thể phải chịu mức án cao nhất là tử hình.

Đạo luật bảo vệ an toàn cho trẻ em mang tên Adam Walsh được áp dụng năm 2006, sau khi cậu bé Adam Walsh, bang Florida, bị bắt cóc và sát hại trong một khu mua sắm.

Điểm nhấn của đạo luật này là sự thành lập của bảng danh bạ quốc gia các tội phạm tính dục (national sex offender registry). Người dân Mỹ được phép truy cập tự do vào danh bạ này.

Các tội phạm tính dục dù mãn án và quay về sống trong xã hội, nhưng hình ảnh, tên tuổi, ngày sinh, địa chỉ, nơi làm việc… đều sẽ bị công khai.

Đạo luật Adam Walsh chia các tội phạm tính dục thành ba dạng 1, 2 và 3, tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội ác. Dạng 1 là mức nhẹ nhất, các tội phạm ở dạng này mỗi năm phải thông báo với cảnh sát về nơi ở, và phải trình diện cảnh sát thường xuyên trong vòng 15 năm.

Ở dạng 2, đối tượng phải thông báo với cảnh sát mỗi 6 tháng và trình diện trong 25 năm. Đối với mức nặng nề nhất, đối tượng phải thông báo với cảnh sát 3 tháng một lần và trình diện cả đời.

Đối với đạo luật Jessica, đạo luật được áp dụng sau khi cô bé Jessica Lunsford bị một kẻ với tiền án tội tính dục bắt cóc, hãm hiếp và giết hại năm 2005.

Luật Jessica quy định, kẻ phạm tội ấu dâm với trẻ em dưới 12 tuổi phải chịu ít nhất 25 năm tù giam nếu phạm tội lần đầu, và án chung thân nếu tái phạm.

Một số kẻ phạm tội nguy hiểm phải đeo trên mình thiết bị GPS và bị giám sát đến trọn đời.

Hình phạt khắc nghiệt nhất cho kẻ ấu dâm trên thế giới - 3

Tội phạm ấu dâm ở Mỹ không những bị xã hội kì thị mà cũng khó có thể sống yên ổn trong tù.

Chưa dừng lại ở án phạt tù và “thiến hóa học”, các tội phạm ấu dâm ở Mỹ cũng bị đối xử “đặc biệt” trong tù.

Ngay cả khi lựa chọn hình thức biệt giam, các tội phạm ấu dâm cũng phải đối mặt với sự xua đuổi, xúc phạm nặng nề bằng lời nói của các tù nhân khác xung quanh, thậm chí là của cả giám thị trại giam.

Nhiều người bị các tù nhân khác nhổ nước bọt vào người khi họ được dẫn giải qua buồng giam. Hậu quả là nhiều phạm nhân ấu dâm trở nên trầm cảm, tìm đến cái chết trong tù.

"Ngoài nguy cơ bị sát hại bất cứ lúc nào, họ còn phải chịu đựng các hình thức bắt nạt khác, như bị bạn tù cướp thức ăn, bị ném phân và nước tiểu vào buồng giam. Cuộc sống trong tù với họ không khác gì địa ngục trần gian ", Leslie Walker, một nhà hoạt động bảo vệ quyền của tù nhân ở bang Massachusetts nói.

Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp “thiến hóa học” để trừng trị tội phạm ấu dâm cũng vấp phải sự phản đối từ một bộ phận dư luận. Họ cho rằng hình phạt này vi phạm nhân quyền.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, “bất kỳ tội phạm nào cũng nên bị trừng phạt theo cách được cho phép trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”. Hình thức thiến hóa học được cho là đi ngược với quyền con người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN