Số phận "khốn khổ" của chiếc cúp vàng World Cup đầu tiên
Từng phải nằm dưới gầm giường, bị đánh cắp rồi được một con chó tìm thấy, nhưng sau đó chiếc cúp vàng danh giá vẫn tiếp tục phải chịu kiếp "trầm luân".
Jules Rimet là chiếc cúp đầu tiên trong lịch sử giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.
Kể từ khi khởi xướng giải đấu World Cup, FIFA tuyên bố sẽ trao chiếc cúp Chiến thắng (Victory) cho đội nào lên ngôi vô địch. Chiếc cúp bạc mạ vàng cao gần 31cm được coi là biểu tượng vô giá cho đội chiến thắng.
Giải đấu World Cup mùa đầu tiên năm 1930 vinh danh đội chủ nhà Uruguay và bức tượng cũng ở lại quốc gia này sau khi giải đấu kết thúc.
4 năm sau, chiếc cúp được chuyển giao cho Italia – đội 2 lần liên tiếp vô địch World Cup ở các kỳ 2 và 3. World Cup sau đó không còn được tiếp tục tổ chức vì Thế chiến 2 nổ ra.
Phó chủ tịch FIFA Ottorino Barassi đã bí mật đem bức tượng giấu dưới gầm giường tại nhà riêng, trong một hộp đựng giày. Nỗ lực này giúp chiếc cúp khỏi làn sóng chiến tranh.
Đến năm 1946, chiếc cúp được đổi tên thành Jules Rimet, theo tên của chủ tịch FIFA trong giai đoạn 1921-1954. Rimet là người sáng lập giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.
Vụ trộm lịch sử
Đội tuyển Anh duy nhất một lần nâng cao chiếc cúp Jules Rimet vào năm 1966.
Theo Mirror, tháng 3 năm 1966, cúp Jules Rimet bị trộm mất trong một lần được trưng bày tại một trung tâm triển lãm ở Anh – nước chủ nhà đăng cai World Cup 1966.
Tên trộm đã lấy chiếc cúp trị giá khoảng 14.000 USD và bỏ lại nhiều thứ giá trị khác. Nghi phạm được xác định là người khoảng 30 tuổi, có chiều cao trung bình với đôi môi mỏng, mái tóc đen và vết sẹo trên mặt.
Vụ việc vỡ lở trong bối cảnh FIFA cố gắng giải quyết khủng hoảng bằng cách đặt hàng thợ kim hoàn làm một bản sao y hệt.
Vài ngày sau, manh mối vụ trộm dần hé mở khi Chủ tịch FIFA Joe Mears nhận được một bức thư tống tiền.
"Chào Joe. Tôi chắc rằng ông đang đứng ngồi không yên để đi tìm chiếc cúp vàng World Cup. Với tôi, nó chỉ như đống vàng phế liệu mà thôi”, lá thư nêu rõ.
Người gửi thư yêu cầu khoản tiền chuộc hơn 19.000 USD. Để làm tin, người này nói sẽ gửi một bưu kiện đựng nắp tháo rời của cúp tới sân Stamford Bridge, ở Chelsea.
Vụ việc trở thành màn đuổi bắt giữa tên trộm và cảnh sát Anh. Nhưng điều đáng nói là kẻ trộm dù bị bắt vẫn không khai ra nơi cất giấu chiếc cúp vàng.
Vài ngày sau, chiếc cúp được tìm thấy một cách hết sức tình cờ tại khu vườn phía Nam London bởi một chú chó có tên Pickles. Chú chó này sau đó được trao tặng huy chương; xuất hiện trên chương trình truyền hình nổi tiếng của đài BBC và được cung cấp miễn phí thức ăn trọn đời. Chủ nhân của chú chó cũng được tặng số tiền 6.000 bảng Anh.
Những bí ẩn xung quanh tung tích của chiếc cúp khi đó vẫn là bí ẩn không có lời giải thích.
Cúp vàng World Cup biến mất vĩnh viễn
Đội tuyển Brazil nói chung và đội trưởng Carlos Alberto nói riêng là đội bóng cuối cùng có cơ hội nâng cao chiếc cúp vàng Jules Rimet vào năm 1970.
Đội trưởng đội tuyển Brazil ăn mừng chiếc cúp vô địch năm 1970.
Brazil khi đó đã 3 lần vô địch World Cup và có quyền giữ chiếc cúp phiên bản gốc mãi mãi theo đúng lời cố Chủ tịch FIFA Jules Rimet.
Nhưng chiếc cúp bị đánh cắp một lần nữa ở Rio de Janeiro vào năm 1983. Đó là khi một nhóm cướp bí mật tấn công toà nhà. Sau khi khống chế được bảo vệ, bọn chúng phá tấm cửa khung gỗ, rồi vội vã mang bức tượng quý giá đi.
Ngân hàng Nhà nước Rio de Janeiro đã treo phần thưởng khổng lồ cho người mang chiếc cúp trở về an toàn.
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Brazil Giulite Coutinh khi đó còn kêu gọi người dân: "Giá trị tinh thần của bức tượng lớn hơn nhiều so với giá trị thực. Những tên trộm không có lòng yêu nước".
Nhưng người ta không còn nhìn thấy chiếc cúp Jules Rimet một lần nào nữa. Tung tích chiếc cúp đến nay vẫn là điều bí ẩn. Nó được cho là đã bị nung chảy.
Chiếc cúp vàng thay thế mang tên FIFA World Cup Trophy đã xuất từ vòng chung kết World Cup 1974. Chiếc cúp này mang lại nhiều may mắn cho Đức, khi đội tuyển nước này 3 lần nâng cao chiếc cúp vào năm 1974, 1990 và 2014.
Lỗi đá phản lưới nhà trong một giải World Cup đã khiến một sao bóng đá phải chịu số phận bi thảm.