Số phận bí ẩn của 3 tù nhân đào thoát khỏi nhà tù Alcatraz
Alcatraz được biết đến là nhà tù khắc nghiệt và đáng sợ nhất trên thế giới. Nó nằm hẻo lánh trên một hòn đảo giữa vịnh San Francisco (bang California, Mỹ). Cách đây 61 năm, 3 tù nhân đã thực hiện cú đào thoát vô cùng khó tin và biệt tăm từ đó. Sau hơn nửa thế kỷ, người ta phát hiện ra một số chi tiết đáng ngạc nhiên về cuộc vượt ngục có một không hai này.
Hòn đảo Alcatraz giữa vịnh San Francisco đang là điểm thu hút khách du lịch với một di tích nhà tù khét tiếng
Vụ tẩu thoát ngoạn mục
Sáng 12-6-1962, nhân viên trại giam Alcatraz kiểm tra giường như thường lệ thì phát hiện 3 phạm nhân không ở trong phòng giam. Thay vào đó, trên giường của họ là những cái đầu giả làm bằng thạch cao sơn màu da người, giấy bồi và tóc người thật nhằm đánh lừa các bảo vệ ca đêm. Nhà tù lập tức bị phong tỏa và cuộc khám xét bắt đầu.
Theo điều tra, nhóm phạm nhân vượt ngục đã mất 18 tháng chuẩn bị cho âm mưu này. Họ đục xuyên tường bằng thìa và các dụng cụ nhà bếp khác. Một khoảng trống phía trên dãy phòng giam trở thành “xưởng chế tác”, là nơi chứa dụng cụ và đầu mồi nhử. Nhóm vượt ngục đã tạo ra một chiếc bè từ 50 chiếc áo mưa thời Thế chiến 2 do nhà tù phát cùng những tấm vải cotton với lớp lót cao su. Trong quá trình trốn thoát, các tù nhân luồn lách qua đường hầm được đào từ trước dẫn tới một hành lang rồi lên mái nhà tù. Từ đó, họ đi xuống một đường ống, leo lên hai hàng rào dây thép gai và thả thuyền xuống nước. Nhiều nhà sử học và quan chức thực thi pháp luật tin rằng có người đã chết đuối trên đường bỏ trốn. Tuy nhiên, không có thi thể nào được tìm thấy.
Về lý thuyết, kế hoạch vượt ngục khá đơn giản, nhưng nó cần sự phối hợp của nhiều người. Những tù nhân tham gia vụ việc đều ở phòng giam gần nhau và mất nhiều thời gian để bàn bạc và hành động. Trong số đó, Frank Morris là đối tượng đầy tiền án, không xa lạ gì với giới tội phạm và cai ngục. Người này bị kết án đầu tiên ở tuổi 13. Khi trưởng thành, Morris ngồi tù ở nhiều bang khác nhau với đủ loại tội danh. Trước đó, Frank Morris đã trốn thoát khỏi một nhà tù ở Louisiana vốn được mệnh danh là “Alcatraz của miền Nam”. Ông ta bị bắt lại sau đó 1 năm vì cướp ngân hàng. Đây được cho là kẻ chủ mưu của “cuộc tẩu thoát vĩ đại” này.
Ba tù nhân vượt ngục khỏi nhà tù Alcatraz năm 1962 gồm Frank Morris, John Anglin và Clarence Anglin cùng phác thảo chân dung khi về già
Trong khi đó, 2 anh em nhà Anglin thời thơ ấu quen thuộc với việc bơi lội ở hồ Michigan, đó có thể là một lợi thế giúp họ trốn thoát. Anh em nhà Anglin đã cùng nhau cướp ngân hàng khi còn trẻ, sau đó bị bắt và đưa đến nhà tù Atlanta. Do nhiều lần cố vượt ngục, họ bị chuyển đến Alcatraz.
Alcatraz là nhà tù liên bang có chế độ an ninh cao nhất nước Mỹ trong gần 2 thập kỷ. Trong thời gian đó, nơi này đã xảy ra 36 cuộc vượt ngục với 23 người bị bắt lại, 6 người bị bắn chết và 2 người chết đuối. Nhà tù bị đóng cửa vĩnh viễn vào năm 1963, 1 năm sau cuộc vượt ngục nói trên. Theo Cục Nhà tù liên bang Mỹ, quyết định đóng cửa cơ sở này đã được đưa ra từ lâu vì quá tốn kém.
Tranh cãi về bức thư bí ẩn
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã khép lại vụ án vào năm 1979 và kết luận những người trốn thoát khó có thể sống sót khi thực hiện chặng bơi dài hơn 1 dặm trong vùng nước lạnh giá. Nhưng vào tháng 1-2018, đài CBS San Francisco đã công bố đoạn trích của một bức thư gửi cho FBI kể câu chuyện chấn động, khẳng định nhóm vượt ngục đã sống sót.
Theo đó, Sở Cảnh sát San Francisco đã nhận được một lá thư tự xưng là John Anglin - một trong những kẻ trốn thoát. Bức thư được viết vào năm 2013, nhưng được cảnh sát giữ kín để xác minh tính xác thực của nó cho đến năm 2018, thời điểm FBI quyết định mở lại vụ án. “Tên tôi là John Anglin. Tôi trốn thoát khỏi Alcatraz vào tháng 6-1962 cùng với Clarence và Frank Morris. Tôi 83 tuổi và đang trong tình trạng tồi tệ. Tôi bị ung thư. Vâng, tất cả chúng tôi đã làm được điều đó” - bức thư viết. Trong thư, người viết giải thích rằng ông ta là thành viên còn sống cuối cùng của bộ ba, những đồng phạm của ông ta đã chết vào năm 2005 và 2008. Nhân vật này đưa ra một thỏa thuận: Nếu chính quyền thông báo trên truyền hình rằng ông ta sẽ nhận án tù 1 năm, đồng thời được chữa bệnh thì ông ta sẽ thông báo chính xác mình đang ở đâu. “Đây không phải là trò đùa…” - người viết thư khẳng định.
Hình nộm để lại trong phòng giam của Clarence Anglin trong đêm đào thoát
Bức thư đã được gửi đến đồn Richmond của Sở Cảnh sát San Francisco vào năm 2013. Một phòng thí nghiệm của FBI đã kiểm tra để tìm dấu vân tay và DNA, đồng thời phân tích chữ viết, nhưng kết quả không thuyết phục. “Vì kết quả không rõ ràng nên mọi thứ trở nên lấp lửng” - nhà phân tích an ninh Jeff Harp nói với CBS. Mặc dù lần đầu tiên có người nhận là 1 trong 3 phạm nhân vượt ngục muốn liên lạc với chính quyền, nhưng đây không phải là bằng chứng đầu tiên cho thấy yếu tố liên quan. Robert Checchi - một sĩ quan của Sở Cảnh sát San Francisco từng báo cáo đã nhìn thấy một “chiếc thuyền trắng nguyên sơ” ở vịnh San Francisco vào đêm những tù nhân biến mất. Chiếc thuyền không bật đèn, nhưng dường như có ai đó chiếu đèn pin xuống nước.
FBI đã điều tra nhiều manh mối trong nhiều năm, bao gồm việc phát hiện ra một chiếc bè và mái chèo có thể được trục vớt từ đảo Angel, một chiếc ô tô bị đánh cắp ở hạt Marin vào đêm 3 tù nhân trốn thoát. Đáng nói, một người bạn của anh em nhà Anglin đã khoe bức ảnh chụp 2 người đó tại một quán bar ở Brazil vào năm 1975 (khoảng 13 năm sau khi họ mất tích). Các thành viên gia đình của những tù nhân cũng nói về những điều kỳ lạ. David Widner (cháu trai của John và Clarence Anglin) nói với đài CBS: “Chuyện đó luôn được nhắc đến trong gia đình. Bà tôi đã nhận được tiền trong vài năm sau cuộc vượt ngục”. Widner bày tỏ sự thất vọng khi chính quyền đã không liên lạc với gia đình về bức thư bí ẩn nói trên. “Đối với việc ông ấy nói rằng bị ung thư và sắp chết, tôi cảm thấy ít nhất họ nên liên hệ với gia đình tôi và cho biết có một bức thư như thế” - ông Widner nói.
Tuy nhiên, nhà chức trách liên bang luôn nhanh chóng dập tắt mọi tin đồn về một cuộc vượt ngục thành công. Trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS San Francisco, Cảnh sát trưởng Hoa Kỳ cho rằng đó chỉ là một trò lừa bịp đơn giản từ ai đó muốn gây rắc rối cho chính quyền. Thông điệp mà nhà chức trách đã đưa ra cho báo chí cho đến nay vẫn là: Bất chấp một thời gian dài đã trôi qua, cuộc tìm kiếm 3 kẻ vượt ngục sẽ không dừng lại dù nếu còn sống bọn họ đều trên dưới 90 tuổi.
Ngày nay, Alcatraz đón hơn 1 triệu khách du lịch/năm, những người cảm thấy hứng thú với câu chuyện khó tin. John Cantwell - Kiểm lâm Công viên quốc gia đã làm việc trên Alcatraz được 26 năm cho rằng, sức hấp dẫn của câu chuyện một phần được thúc đẩy bởi các chương trình truyền hình nổi tiếng và bộ phim Hollywood “Trốn thoát khỏi Alcatraz” năm 1979 do Clint Eastwood thủ vai chính. Phòng giam của John Anglin là một điểm thu hút đông đảo du khách. Nó có kích thước chỉ bằng một chiếc bàn bi-a trung bình, được bảo quản gần như nguyên vẹn với lỗ hổng trên bức tường màu xanh. Nhưng ngay cả hiện trường vụ án cũng khó đưa ra câu trả lời về số phận cuối cùng của những kẻ vượt ngục khét tiếng này.
Nếu những tù nhân còn sống đến ngày nay, Frank Morris sẽ 90 tuổi, John và Clarence Anglin sẽ lần lượt là 86 và 87 tuổi. William Baker - cựu tù nhân Alcatraz nói: “Tôi tin rằng họ đã vào được bờ. Ai mà biết được, họ có thể ở Brazil”. Baker đến nhà tù Alcatraz lúc 23 tuổi và từng tiếp xúc với Frank Morris. “Ông ta là một người rất ít nói, rất kiên nhẫn và có thể làm mọi việc đòi hỏi sự tỉ mẩn” - Baker nói.
Đó là cuộc vượt ngục tài tình nhất mọi thời đại nếu họ thực sự thành công. Năm 1962, các tù nhân từng cướp ngân hàng Frank Morris, John và Clarence Anglin đã biến mất khỏi Alcatraz - nhà tù liên bang nằm ngoài khơi vịnh San Francisco. Họ sử dụng thìa để đục thủng các bức tường của nhà tù, để lại những hình nộm trên giường và bơi trên vịnh San Francisco bằng chiếc bè làm từ 50 cái áo mưa. Thi thể của họ không bao giờ được tìm thấy khiến nhiều người tự hỏi, liệu họ đã bỏ mạng ở vịnh San Francisco đầy sóng gió hay đã vào được bờ? |
Nguồn: [Link nguồn]
Hai tù nhân Mỹ dùng bàn chải đánh răng để đào tường vượt ngục, nhưng sớm bị bắt lại tại một nhà hàng.