Số nhà khoa học Trung Quốc bỏ quốc tịch Mỹ về nước tăng mạnh
(NLĐO) - Ông Xie Xiaoliang là nhà khoa học nổi tiếng người Trung Quốc mới nhất từ bỏ quốc tịch Mỹ để quay về làm việc trong nước.
Báo South China Morning Post (SCMP) hôm 9-6 cho biết ông Xie là nhà khoa học nổi tiếng của Trung Quốc. Người này vừa từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở thành công dân Trung Quốc.
Ông Xie là trường hợp mới nhất trong số ngày càng nhiều nhà nghiên cứu, khoa học Trung Quốc trở về nước.
Ông Xie là nhà hóa học, lý sinh học và là cựu giáo sư tại Trường ĐH Harvard. Trước đây, ông là thành viên nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) nhưng vừa được trang web của đơn vị này liệt kê là "thành viên trong nước". Theo quy định của CAS, một người trở thành thành viên trong nước của họ sau khi có quốc tịch Trung Quốc.
Ông Xie chưa bình luận về thông tin từ bỏ quốc tịch Mỹ.
Ông Xie Xiaoliang. Ảnh: Weibo
Theo trang web sunneyxielab.org, ông Xie nhận bằng cử nhân Hóa học tại Trường ĐH Bắc Kinh năm 1984 và bằng tiến sĩ Hóa lý tại Trường ĐH California năm 1990.
Sau một thời gian làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương, ông Xie trở thành giáo sư tại Trường ĐH Harvard. Ông có nhiều đóng góp cho các lĩnh vực hóa - sinh học phân tử, phương pháp hiển vi Raman và giải trình tự tế bào người đơn lẻ.
Nhà khoa học này được biết đến nhiều nhất với đột phá ADN giúp giải trình tự một tế bào người riêng lẻ.
Những ứng dụng của ông Xie được sử dụng trong thụ tinh trong ống nghiệm và đã mang lại lợi ích cho hàng trăm cặp vợ chồng ở Trung Quốc, tránh lây truyền các bệnh đơn gen cho trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, ông Xie đã đào tạo hơn 100 nghiên cứu sinh, nhiều người đã trở thành giáo sư tại hơn 40 trường đại học lớn trên thế giới.
SCMP cho biết hiện tại, các nhà nghiên cứu, khoa học Trung Quốc đang có xu hướng quay trở về nước.
Trước đó, ông Sun Licheng đã rời Thụy Điển về làm chủ tịch khoa hóa học tại Trường ĐH Westlake ở Trung Quốc vào tháng 4-2020.
Ông Sun từng là giáo sư về điện tử phân tử tại Viện Công nghệ Hoàng gia KTH ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển và được bầu chọn làm giáo sư xuất sắc của Hội đồng Nghiên cứu Thụy Điển năm 2017.
Cùng năm 2017, hai nhà khoa học hàng đầu - bao gồm người đoạt Nobel Vật lý năm 1957 Yang Chen-ning – từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở thành thành viên trong nước của CAS.
SCMP cho biết Mỹ "mất" nhiều khoa học tên tuổi về tay đối thủ châu Á sau khi cựu Tổng thống Donald Trump khởi động Sáng kiến Trung Quốc vào năm 2018 để chống lại nạn đánh cắp bí mật và công nghệ Mỹ.
Năm ngoái, một nghiên cứu chung của các đại học Princeton, Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts ghi nhận hơn 1.400 nhà khoa học gốc Trung Quốc làm việc tại Mỹ đã quay về nước trong năm 2021, tăng 22% so với năm trước đó.
Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) hồi tháng 4 năm nay cho biết Mỹ mất 896 nhà khoa học trong năm 2021 trong khi Trung Quốc nhận về 3.108 người. Những con số này đảo ngược hoàn toàn so với năm 2015, khi Mỹ đón 2.920 nhà khoa học, còn Trung Quốc mất 336 người.
Không chỉ Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada và Đức cũng đang thua Trung Quốc trong cuộc đua tranh giành tài năng khoa học này.
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua dự luật tước bỏ tư cách quốc gia đang phát triển của Trung Quốc, mở đường cho toàn bộ Thượng viện xem xét dự luật.
Nguồn: [Link nguồn]