Số người tử vong tăng "giật mình", Thụy Điển bắt đầu e sợ "miễn dịch cộng đồng"?

Có nhiều dấu hiệu cho thấy tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Thụy Điển đang tăng nhanh hơn so với các quốc gia khác cùng khu vực. Điều này đang tạo áp lực khiến chính phủ Thụy Điển phải từ bỏ biện pháp tiếp cận dịch bệnh kiểu “miễn dịch cộng đồng” đang gây nhiều tranh cãi.

Cách thức ứng phó với dịch bệnh của Thụy Điểm đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế khi nhiều địa điểm công cộng, hàng quán và trường học tại nước này vẫn được phép mở cửa.

Trong khi nhiều nước châu Âu khác đều áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội hay thậm chí là phong tỏa khu vực, quốc gia, thì Thủ tướng Thụy Điển – ông Stefan Lofven, muốn dựa vào ý thức cộng đồng để đưa đất nước vượt qua đại dịch.

Tuy nhiên, cuối tuần này, các dữ liệu được tổng hợp cho thấy  tỷ lệ người nhiễm và tử vong vì Covid-19 đang ngày càng tăng nhanh tại Thụy Điển.

Quân đội lập bệnh viện dã chiến tại Thụy Điển (ảnh: Reuters)

Quân đội lập bệnh viện dã chiến tại Thụy Điển (ảnh: Reuters)

Trong cuộc phỏng vấn được đăng trên tờ Dagens Nyheter tối hôm 4.4, Thủ tướng Lofven cảnh báo hàng nghìn người tại Thụy Điển có thể tử vong vì Covid-19 và cho rằng, cuộc khủng hoảng dịch bệnh tại nước này có thể kéo dài hàng tháng chứ không thể chấm dứt sau vài tuần.

Tờ Expressen đưa tin, chính quyền của ông Lofven đang cố gắng vận động quốc hội đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt hơn trong cuộc chiến với Covid-19.

Đến ngày 4.4, số người tử vong vì Covid-19 tại Thụy Điển đã lên tới 373 trường hợp, tăng 12% so với ngày 3.4. Đây là con số tương đối “giật mình” với Thụy Điển bởi các quốc gia láng giềng như Đan Mạch chỉ ghi nhận 29 ca tử vong và Na Uy là 9 trường hợp. Đan Mạch và Na Uy đều thực hiện nhiều biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn Thụy Điển.

Đường phố đông đúc tại Thụy Điển trong dịch Covid-19 (ảnh: The Sun)

Đường phố đông đúc tại Thụy Điển trong dịch Covid-19 (ảnh: The Sun)

Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu và cũng là cố vấn y tế cho chính phủ Thụy Điển, ông Anders Tegnell cho rằng, mục tiêu của nước này là làm phẳng đường cong lây nhiễm Covid-19 để tránh các bệnh viện bị quả tải do số người mắc.

Hôm 3.4, ông Anders Tegnell phát biểu rằng, đường cong lây nhiễm tại Thụy Điển đang vồng lên, nhưng nhìn chung thì vẫn còn khá phẳng.

Tuy nhiên, Covid-19 là dịch bệnh vẫn còn nhiều điều chưa thể hiểu hết và cách tiếp cận của Thụy Điển khiến nhiều chuyên gia trong nước lo lắng.

“Họ đã quá quen với việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, song điều đó không có tác dụng với đại dịch thế này. Dữ liệu về các ca nhiễm thực sự vẫn còn là ẩn số”, Claudia Hanson, giảng viên cao cấp về y tế cộng đồng tại Stockholm, nhận xét.

Lịch sử đã cho thấy hạn chế tiếp xúc trước những đại dịch như Covid-19 là cách ứng phó khôn ngoan. Khoảng 100 năm trước, hai thành phố tại Mỹ đã có kết quả khác nhau khi áp dụng các biện pháp khác nhau trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

Philadelphia, thành phố tổ chức cuộc tuần hành với 200.000 người tham gia sau khi phát hiện ca nhiễm cúm Tây Ban Nha đầu tiên đã chứng kiến số người chết gia tăng chóng mặt. Trong khi đó, số người tử vong tại thành phố St. Louis chưa bằng một nửa tại Philadelphia nhờ chính quyền đã ban hành các quy định hạn chế xã hội và thực hiện nghiêm ngặt.

Thụy Điển đang chứng kiến số người tử vong vì Covid-19 gia tăng (ảnh: The Sun)

Thụy Điển đang chứng kiến số người tử vong vì Covid-19 gia tăng (ảnh: The Sun)

Các chuyên gia kinh tế dự báo, GDP năm nay của Thụy Điển có thể giảm tới 8%, tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009.

Thụy Điển cũng cố gắng thực hiện nhiều biện pháp hơn trong dịch bệnh, ví dụ như cấm tụ tập trên 50 người thay vì hơn 500 người so với trước đây, người thân bị cấm đến thăm các viện dưỡng lão do lo ngại lây lan virus.

Tuy nhiên, những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Thụy Điển xét về độ nghiêm ngặt vẫn còn thua xa nhiều quốc gia khác. Tại Đan Mạch, công dân phải đối mặt với án phạt nặng thậm chí là bỏ tù nếu vi phạm các biện pháp chống dịch.

Quân đội được triển khai tại Tây Ban Nha, một trong những quốc gia áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất châu Âu (ảnh: The Sun)

Quân đội được triển khai tại Tây Ban Nha, một trong những quốc gia áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất châu Âu (ảnh: The Sun)

“Tất cả chúng ta đều phải chịu một phần trách nhiệm với đất nước. Chúng tôi không thể đặt ra quy định rồi cấm tất cả mọi thứ. Không ai bị bỏ rơi trong dịch bệnh này và mỗi người cần phải xác định trách nhiệm to lớn của mình”, Thủ tướng Thụy Điển - ông Stefan Lofven, phát biểu hồi tuần trước.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Thành phố Mỹ có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao gấp đôi New York

Nghiên cứu từ dữ liệu bệnh nhân cho thấy, thành phố này có tỷ lệ người tử vong vì Covid-19 cao nhất nước Mỹ, thậm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam - Bloomberg ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN