Sở hữu hạm đội lớn nhất thế giới, vì sao TQ chưa thể vươn ra biển lớn?
Năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây chú ý khi mặc quân phục, bước lên một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước sự kiện đó, vào tháng 4.2018, Trung Quốc từng phô trương hạm đội lớn nhất kể từ khi thành lập Cộng Hòa Dân Chủ Nhân dân Trung Hoa. 48 tàu chiến đồng loạt ra khơi, ở phía trên là hàng chục chiến đấu cơ phô trương sức mạnh, với hơn 10.000 binh sĩ, theo CNN.
Đối với ông Tập, nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, đó là thời khắc đánh dấu tham vọng lớn lao hơn của Trung Quốc, mở rộng tầm nhìn hướng ra đại dương.
“Nhiệm vụ xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh chưa bao giờ cấp thiết như ngày hôm nay”, ông Tập khi đó nói.
Năm 2015, ông Tập cải tổ toàn diện quân đội, đặt mục tiêu đưa quân đội Trung Quốc trở thành lực lượng chiến đấu cấp thế giới, sánh ngang với Mỹ.
Ông Tập đã chỉ đạo đẩy mạnh đóng tàu, tích hợp công nghệ hiện đại nhất. Các nhà máy đóng tàu Trung Quốc luôn hoạt động hết công suất cho đến nay, theo CNN.
Ở thời điểm năm 2015, hải quân Trung Quốc chỉ có 255 tàu chiến, theo thống kê của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI). Đến cuối năm 2020, hải quân Trung Quốc đã sở hữu tới 360 tàu chiến, hơn hải quân Mỹ 60 tàu.
Theo dự đoán đến năm 2025, hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu 400 tàu chiến, ONI cho biết.
“Lực lượng chiến đấu của hải quân Trung Quốc đã tăng gấp 3 về số lượng chỉ trong 2 thập kỷ”, tài liệu trình lên giới chức hải quân Mỹ hồi tháng 12, cho biết.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D của Trung Quốc.
“Trung Quốc chế tạo các tàu tác chiến tác chiến mặt nước hiện đại, tàu ngầm, tàu sân bay, máy bay chiến đấu, tàu tấn công đổ bộ, tàu ngầm tên lửa đạn đạo, tàu tuần duyên cỡ lớn và tàu phá băng vùng cực với tốc độ đáng báo động”, tài liệu viết.
Một số tàu chiến trong danh sách này có sức mạnh tương đương, thậm chí ưu việt hơn tàu chiến của hải quân Mỹ. “Các nhà máy đóng tàu Trung Quốc không tạo ra phế phẩm, thay vào đó là các tàu chiến uy lực và rất phức tạp”, Andrew Jackson, giáo sư Đại Học Hải chiến Mỹ, nói.
Ví dụ như tàu khu trục Type 055 thậm chí có hỏa lực vượt trội so với tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ. Trung Quốc cũng đầu tư mạnh mẽ cho lực lượng tác chiến đổ bộ, trong khi Mỹ vẫn sử dụng phương tiện đổ bộ lỗi thời.
Trong tương lai gần, Mỹ chưa có dấu hiệu bắt kịp tốc độ đóng tàu của Trung Quốc, chỉ đặt mục tiêu sở hữu 355 tàu chiến, theo CNN.
Trung Quốc đóng tàu với tốc độ đáng nể nhưng năng lực vẫn chưa tương xứng, báo Mỹ phân tích.
Các tàu sân bay Trung Quốc cần một số lượng đáng kể tiêm kích hạm so với hiện tại. Hai tàu sân bay đang hoạt động của Trung Quốc có thiết kế từ thời Liên Xô.
Hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Nghĩa là tầm hoạt động và năng lực chiến đấu có giới hạn. Nói cách khác, tàu sân bay Trung Quốc còn lâu mới có thể sánh bằng 11 tàu sân bay hạt nhân Mỹ.
Chỉ riêng các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã tạo nên lực lượng hùng hậu răn đe bất cứ đối thủ nào. “Tàu sân bay Mỹ cùng các tiêm kích hạm thậm chí còn uy lực hơn cả lực lượng không quân”, Eric Wertheim, chuyên gia tại Học viện Hàng Hải Mỹ, nói.
Hải quân Trung Quốc rõ ràng chưa đạt đến mức độ như vậy, khả năng hoạt động ở vùng biển xa bờ vẫn còn rất hạn chế.
Các tàu chiến Trung Quốc chưa đi xa được tới vùng Tây Thái Bình Dương, chứ chưa nói đến các vùng biển khác trên toàn cầu. Ở vùng Bắc Đại Tây Dương hay vùng Biển Bắc của Nga, ảnh hưởng của tàu chiến Trung Quốc là rất hạn chế.
Theo các chuyên gia, hải quân Trung Quốc đang cố gắng vươn ra xa bờ hơn, ít nhất là đủ để tạo ra mối nguy hiểm với Mỹ trên đảo Hawaii.
“Hải quân Trung Quốc đang có những bước tiến trong tác chiến hỗn hợp, kiểm soát thiệt hại, hậu cần và tình báo. Họ có thể sẽ sớm gõ cửa căn cứ hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương”, Roderick Lee, giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc thuộc Đại học Hàng không của Không quân Mỹ, nói.
Nhưng các nhà phân tích khác cho rằng, tham vọng vươn ra xa bờ của Trung Quốc vẫn còn rất xa vời, thậm chí là cần tới hàng thập kỷ.
“Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2049 có lực lượng chiến đấu toàn cầu”, Meia Nouwens, chuyên gia về chính sách quốc phòng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), nói.
Từ giờ cho đến lúc đó, các nhà phân tích sẽ theo dõi một số dấu hiệu, ví dụ như Trung Quốc xây thêm căn cứ ở nước ngoài để hỗ trợ hải quân. Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc mới chỉ có một căn cứ ở Djbouti, thuộc vùng Sừng châu Phi.
“Sẽ rất thú vị khi tàu sân bay Trung Quốc hiện diện ở vùng biển xa bờ, có thể là Ấn Độ Dương”, Nick Childs, nhà phân tích quốc phòng của CSIS, nói.
Tư duy tác chiến của hải quân Trung Quốc đã lỗi thời, không còn phù hợp ở thời đại mới, có thể tác động trực tiếp...
Nguồn: [Link nguồn]