Số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở Indonesia, hàng loạt bác sĩ tử vong
Dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh ở Indonesia vì người dân “không chấp hành khuyến cáo ở nhà”, trong khi số ca tử vong liên quan đến nhân viên y tế tiếp tục tăng.
Theo SCMP, hôm 12.4, Indonesia ghi nhận 339 ca nhiễm Covid-19 mới, mức cao nhất trong ngày. Đến ngày 13.4, Indonesia có thêm 319 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm virus lên tới 4.557 và 399 ca tử vong.
Indonesia hiện là quốc gia châu Á có tỉ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất. Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto nói các ca nhiễm mới liên quan đến làn sóng người trở về nhà từ Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Yurianto cũng giải thích rằng Indonesia đang mở rộng xét nghiệm nên việc phát hiện thêm nhiều ca nhiễm mới là điều đã lường trước.
Trong khi đó, dịch bệnh đã khiến ít nhất 22 bác sĩ, 6 nha sĩ và 10 y tá tử vong, Mohammad Adib Khumaidi, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Indonesia (IDI), cho biết.
Indonesia đang thiếu thốn nghiêm trọng đồ bảo hộ cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.
“Họ tử vong vì thiếu trang thiết bị bảo hộ (PPE) cần thiết, một số kiệt sức sau nhiều giờ làm việc liên tục vì số lượng bệnh nhân quá lớn”, Adib nói.
Nhiều ca nhiễm không bộc lộ triệu chứng cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế. “Không phải nhân viên y tế nào làm việc ở bệnh viện công cũng được cấp đồ bảo hộ vì nguồn cung có hạn”, chuyên gia Iwan Ariawan nói.
Một bác sĩ giấu tên ở Jakarta nói các bác sĩ phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ bên ngoài để có đồ bảo hộ. “Một số doanh nhân và chủ nhà máy đã hỗ trợ cho chúng tôi quần áo bảo hộ”, người này nói.
Các chuyên gia cho rằng các nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu chống dịch cũng cần được xét nghiệm Covid-19, để đảm bảo an toàn cho đội ngũ trực tiếp hàng ngày chống dịch.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho đến nay chưa ban hành lệnh phong tỏa, chỉ khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển vì dịch bệnh.
Ước tính 75 triệu người Indonesia sẽ di chuyển từ thành phố lớn về nhà vào cuối dịp lễ Ramadan, tức là cuối tháng 5. Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus ở các vùng quê, nơi có hệ thống y tế nghèo nàn.
“Một bộ phận người dân Indonesia còn chưa có ý thức chống dịch. Họ chỉ muốn trở về nhà với gia đình và nếu chết thì có người thân bên cạnh, hơn là cô độc ở Jakarta”, một bác sĩ giấu tên nói.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ước tính ít nhất 1,7 triệu người Tây Ban Nha đã đi làm trở lại từ ngày 13.4, sau 2 tuần quốc gia châu Âu này “đóng băng”...