Số ca COVID-19 giảm liên tục nói lên điều gì?
Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày ở Mỹ có chưa đến 78.000 trường hợp nhiễm coronavirus mới được báo cáo và đây là lần đầu tiên mức trung bình trong bảy ngày giảm xuống dưới 80.000 ca kể từ tháng 10/2020, số ca nhập viện và tử vong cũng giảm đáng kể.
Các chuyên gia nói vẫn phải thực thi giãn cách dù tỷ lệ nhiễm bệnh giảm ở nhiều nơi
Theo cơ sở dữ liệu của New York Times, trung bình số ca nhiễm bệnh ở Mỹ đã giảm 43% chỉ trong vòng hai tuần qua.
Các ca COVID-19 đang giảm trên khắp Bắc Mỹ và châu Âu. Theo Atlantic, kể từ ngày 1/1, số ca hằng ngày giảm 70% ở Anh, 50% ở Canada và 30% ở Bồ Đào Nha.
Hôm thứ Hai, Mỹ ghi nhận 994 trường hợp tử vong do coronavirus mới, đây là lần đầu tiên quốc gia này có thể báo cáo dưới 1.000 trường hợp tử vong trong một ngày kể từ 25/11/2020 (ngày lễ Tạ ơn ở Mỹ, Canada…).
So với mức trung bình tương ứng vào đầu tháng này, cả tỷ lệ nhập viện và tử vong đều giảm hơn 30%.
“Nếu tôi xếp hạng những nguyên nhân giải thích cho sự sụt giảm các ca nhiễm COVID-19, hành vi sẽ là số 1,” Ali Mokdad, giáo sư tại Đại học Washington, nói với Atlantic. “Nếu bạn xem dữ liệu đi lại vào tuần sau lễ Tạ ơn và Giáng sinh, thì sẽ thấy hoạt động này đã giảm”.
Tháng Giêng là tháng tàn khốc nhất, với số ca bệnh, số người chết và nhập viện lên đến đỉnh điểm. Và trong khi nhiều chuyên gia dự đoán rằng sự lây lan của virus sẽ giảm dần khi mùa đông đi qua, rất ít người lạc quan về các chỉ số này ở thời điểm giữa tháng 2/2021. Theo các quan chức y tế và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nhiều yếu tố quyết định đang làm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh và bẻ cong quỹ đạo của virus. Các yếu tố quan trọng nhất góp phần vào sự sụt giảm các ca bệnh là hành vi, tính thời vụ, khả năng miễn dịch một phần và việc triển khai vắc-xin ở nhiều quốc gia.
Lạc quan, nhưng không thể chủ quan
Về hành vi, cựu giám đốc Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden nói việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và tránh đi lại là các yếu tố quan trọng. Theo nhiều ước tính,15%- 30% dân số Mỹ đã bị nhiễm COVID-19. Bài báo trênAtlantic viết: “Số lượng kháng thể tự nhiên trong dân số Mỹ có thể hạn chế đường đi của coronavirus gốc”.
Thêm vào đó, hơn 42 triệu người Mỹ đã tiêm một hoặc cả hai liều vắc-xin, trong đó có hơn 16 triệu người được tiêm đầy đủ. Các nhà nghiên cứu tại Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe của Đại học Washington dự đoán rằng tiêm chủng sẽ cứu sống 114.000 người Mỹ.
Mặc dù dữ liệu gần đây là đáng khích lệ, giám đốc CDC Rochelle Walensky cảnh báo rằng người Mỹ phải cảnh giác nếu họ hy vọng tránh được một đợt tăng đột biến khác. Bà Walensky nói với NBC: “Thật đáng khích lệ khi thấy xu hướng các ca nhiễm bệnh giảm xuống, nhưng chúng đang đi xuống từ một vị trí cực kỳ cao”, lưu ý rằng số ca nhiễm bệnh trung bình vẫn cao gấp đôi so với thời điểm mùa hè năm ngoái.
Theo Washington Post, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng các biến thể đột biến của virus (chủ yếu là những biến thể Anh và Nam Phi) là mối đe dọa đáng kể nhất đối với sự phục hồi ở Mỹ. Bài học là đừng để tin tốt của ngày hôm nay trở thành tin xấu của ngày mai. Cho đến khi phần lớn dân số được tiêm chủng, đừng coi sự suy giảm trong các trường hợp như tín hiệu đèn xanh để trở lại nếp sống trước đại dịch.
Số ca nhiễm COVID-19 giảm ở nhiều nơi, củng cố nhận định SARS-CoV-2 tăng giảm cường độ theo mùa. Năm ngoái, một nghiên cứu tổng hợp về các coronavirus như SARS-CoV-2 đã phát hiện ra rằng chúng thường đạt đỉnh ở Bắc bán cầu trong mùa đông, cao điểm là tháng Giêng và tháng Hai.
Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói số ca nhiễm COVID-19 mới trên toàn thế giới giảm 17%, một xu hướng được ghi nhận ở tất cả sáu khu vực mà tổ chức này theo dõi. Nhưng các chuyên gia cảnh báo sự xuất hiện của các biến thể dễ lây lan hơn, những khó khăn trong các chiến dịch tiêm chủng trên khắp châu Âu và những cộng đồng rộng lớn bị phong tỏa hoặc hạn chế đi lại, đại dịch dường như vẫn còn nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Nguồn: [Link nguồn]
Mới đây, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ, cho rằng, đeo 2 khẩu trang sẽ hiệu quả hơn trong phòng...