Sinh viên Mỹ chết: Triều Tiên nhận là “nạn nhân lớn nhất”
Triều Tiên cho rằng, ở thời điểm các bác sĩ Mỹ tới đón Otto, sinh viên này vẫn khỏe mạnh, tỉnh táo, tim và phổi bình thường.
Otto khóc lóc trong phiên tòa xét xử tại Triều Tiên đầu năm 2016.
Ngày 23.6 vừa qua, Triều Tiên đã tự gọi mình là “nạn nhân lớn nhất” sau cái chết của sinh viên Mỹ bị tù khổ sai 17 tháng ở Bình Nhưỡng. Sinh viên Otto Warmbier, 22 tuổi được chẩn đoán mất nhiều mô não và không có khả năng nhận thức khi được máy bay quân sự chở về quê hương.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) phủ nhận cáo buộc cho rằng Triều Tiên đối xử tàn bạo hoặc tra tấn Otto. Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc đưa tin thiếu chính xác về việc nước này đối xử “phi nhân tính” với tù nhân. Otto bị bắt hồi tháng 1.2016 với cáo buộc ăn cắp một khẩu hiệu tại khách sạn ở thủ đô Bình Nhưỡng.
“Mặc dù chúng tôi không có lí do gì phải thể hiện sự quan tâm và đồng cảm với một kẻ tội phạm từ quốc gia đối đầu như vậy nhưng Triều Tiên vẫn cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế với tinh thần nhân đạo cao nhất cho tới khi anh ta quay về Mỹ”, hãng thông tấn Triều Tiên trích lời một quan chức cấp cao giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao.
Người này nói rằng những phỏng đoán “vô căn cứ” về sự tra tấn và hành hạ sinh viên Mỹ có thể được bác bỏ hoàn toàn vì ở thời điểm các bác sĩ Mỹ tới Triều Tiên, sức khỏe Otto vẫn bình thường. “Các dấu hiệu về mạch, nhiệt độ cơ thể, khả năng hô hấp cho thấy tim và phổi của sinh viên Mỹ là bình thường”, quan chức Triều Tiên nói. Gia đình nạn nhân từ chối mổ tử thi nên nguyên nhân cái chết của Otto không được làm rõ.
Ông này khẳng định việc Otto chết đột ngột trong vòng chưa đầy 1 tuần khi trở về Mỹ “cũng là một bí ẩn với Triều Tiên”. Quan chức Triều Tiên nói: “Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất của vụ việc này và đừng nghĩ rằng chúng tôi không biết những gì được và mất sau vụ việc”.
Đáp lại chỉ trích của Tổng thống Trump, Triều Tiên tuyên bố tiếp tục con đường hạt nhân đã chọn.