Siêu tiêm kích F-35 Nhật rơi: Điều gì xảy ra nếu lọt vào tay Nga, TQ?
Quân đội Nhật Bản ngày 10.4 xác nhận một tiêm kích F-35 đang bay huấn luyện đã rơi ở Thái Bình Dương, nơi Nga và Trung Quốc duy trì sự hiện diện hải quân đông đảo.
Tiêm kích tàng hình F-35A.
Quân đội Nhật Bản ngày 9.4 thông báo mất liên lạc với một tiêm kích F-35 đang bay huấn luyện trên biển. Ngày 10.4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya xác nhận chiếc F-35A của Lực lượng phòng vệ trên không nước này đã bị rơi ở Thái Bình Dương, và quân đội Nhật Bản đang tích cực tìm kiếm.
Nhưng Nga và Trung Quốc cũng duy trì sự hiện diện hải quân đông đảo ở khu vực. Nếu Nga và Trung Quốc tìm ra chiếc F-35 trước thì đó sẽ là thảm họa với không quân Mỹ, theo Business Insider.
“Kết quả sẽ không hề tốt”, với cả không quân Mỹ và Nhật Bản nếu không sớm tìm ra máy bay, cựu tướng không quân Mỹ David Deptula nói với BI.
“Trung Quốc và Nga sẵn sàng trả mọi giá để có thể lấy được mảnh vỡ của chiếc F-35 Nhật Bản mất tích, nếu có thể”, Tom Moore, một chuyên gia về vũ khí Nga nói.
Về cơ bản, Nga và Trung Quốc có thể sử dụng các tàu ngầm với radar hiện đại để tìm kiếm mảnh vỡ máy bay. Nếu thành công, hai quốc gia này sẽ nắm trong tay bí mật quân sự của loại vũ khí đắt giá nhất thế giới, BI phân tích.
Đây được coi là “cơ hội ngàn năm có một” của Nga và Trung Quốc vì F-35 chỉ mới rơi một lần trước đây, nhưng đó là ở trong lãnh thổ Mỹ.
“Hiện chưa rõ chiếc máy bay hư hại đến đâu khi rơi xuống nước. Nga và Trung Quốc có thể thu thập được một số, hoặc thậm chí là toàn bộ các mảnh vỡ”, Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Hoàng gia Anh, nói.
Dây chuyên sản xuất máy bay của Lockheed Martin.
“F-35 thì không hoàn toàn mới mẻ với Nga và Trung Quốc, nhưng radar và các cảm biến mới là ưu tiên trục vớt hàng đầu”, Bronk nói thêm.
Cho đến nay, không ai biết chiếc F-35 đã gặp nạn ra sao. Nó có thể bay xa được hàng km, hoặc rơi xuống biển ngay khi mất tín hiệu.
Biết F-35 chế tạo bằng vật liệu nào chưa thể giúp Trung Quốc tạo ra máy bay y hệt. Tương tự với Nga, biết cấu tạo của chiếc F-35 nhưng phiên bản máy bay tàng hình Nga có thể chưa hoạt động tin cậy bằng, theo BI.
Khả năng tàng hình của F-35 chỉ là thứ yếu, so với hệ thống cảm biến, liên lạc, kết nối với các phi cơ khác, báo Mỹ phân tích.
“Cả Nga và Trung Quốc đều có năng lực tái sản xuất và kỹ thuật đảo ngược thuộc hàng đầu, đặc biệt là Trung Quốc”, cựu tướng Mỹ Deptula nói.
Cả chuyên gia Bronk và cựu tướng Deptula đều tán thành rằng Nga, Mỹ, Nhật Bản và cả Trung Quốc đang ráo riết tìm chiếc F-35 mất tích.
Trước khi xảy ra vụ tai nạn của chiến đấu cơ tàng hình F-35A vào ngày 9/4, Nhật Bản có kế hoạch mua thêm 105 tiêm kích...