Siêu tên lửa TQ khiến chiến đấu cơ Mỹ “gãy cánh”?
Quân đội Trung Quốc tuần trước đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh đối không mới, đe dọa khiến chiến đấu cơ Mỹ “gãy cánh”, trước khi các máy bay này có thể bắn trả.
Chiến đấu cơ J-16 của không quân Trung Quốc.
Theo National Interest, hình ảnh tên lửa lớn gắn dưới cánh máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông. J-16 được cho là đã bắn thử ít nhất một quả tên lửa, đánh trúng mục tiêu giả định.
Báo Mỹ nhận định, Trung Quốc đang ráo riết phát triển tên lửa đối không, thậm chí ưu tiên hơn việc nghiên cứu các chiến đấu cơ mới. Tên lửa tầm xa đối không (VLRAAM) mới của Trung Quốc xuất hiện khá bất ngờ.
Giới quan sát quân sự còn không biết Bắc Kinh gọi loại vũ khí mới này là gì. Thông số kỹ thuật của tên lửa khó có thể được tiết lộ. Nhưng bức ảnh truyền thông Trung Quốc đăng tải ít nhất cho biết kích thước, cùng với các nghiên cứu khoa học công khai để xác định năng lực của loại tên lửa mới này.
Trong bức ảnh, tên lửa đối không mới dài khoảng 6 mét, bằng một phần ba chiều dài chiếc J-16 và đường kính khoảng 30 cm.
Vũ khí mới Trung Quốc có kích thước vượt trội hơn so với loại tên lửa đối không tầm xa mạnh nhất của quân đội Mỹ. Tên lửa AIM-120 của Mỹ chỉ dài 3,6 mét và có đường kính 17 cm. Phiên bản nâng cấp AIM-120D mới nhất có tầm bắn 144 km.
Tên lửa tầm xa mới Trung Quốc thử nghiệm trên J-16.
Tên lửa Trung Quốc tương đương loại tên lửa “sát thủ” K-100 của Nga, vốn đã bị ngừng phát triển 25 năm qua. Trên lý thuyết, vũ khí mới Trung Quốc thử nghiệm cũng có thể bắn trúng mục tiêu cách 321 km, giống như phiên bản của Nga.
Ngoài tầm xa, tên lửa đáng sợ Trung Quốc còn được trang bị động cơ mạnh mẽ, đạt tốc độ Mach 6 (7408 km/giờ), tương đương gấp 6 lần vận tốc âm thanh. Con số này gấp đôi năng lực tên lửa Mỹ.
Theo nghiên cứu mới nhất đăng tải trên tạp chí khoa học Trung Quốc, tên lửa có thể được phóng đi từ máy bay ở tầm cao 15.000 mét, vượt lên độ cao 30.000 mét để đạt tốc độ cao nhờ không khí loãng và sau đó lao xuống mục tiêu.
Bên cạnh đó, tên lửa Trung Quốc có thể được tích hợp radar điện tử chủ động kết hợp với dẫn đường bằng vệ tinh. Đây là những công nghệ tối tân nhất từng được trang bị cho tên lửa đối không tầm xa. Tên lửa AIM-120D của Mỹ rõ ràng lỗi thời và kém hiệu quả hơn khi so sánh với loại vũ khí Trung Quốc mới thử nghiệm.
Tất nhiên, tên lửa tầm xa dù mạnh đến đâu cũng sẽ vô dụng nếu máy bay không có khả năng ngắm bắn. Việc xác định máy bay địch-ta, máy bay dân sự ở tầm xa hàng trăm km là điều cần thiết trước khi khai hỏa.
Mô phỏng đường bay của siêu tên lửa tầm xa đối không Trung Quốc, tầm bắn trên 300 km.
Đây cũng là vấn đề ngăn cản hải quân Mỹ đưa vào hoạt động các tên lửa tầm xa AIM-54 Phoenix. Hải quân Mỹ đã không còn dùng những tên lửa này để tập trung trang bị cho các chiến đấu cơ trên tàu sân bay tên lửa rẻ hơn và dễ sử dụng hơn.
Để giải quyết vấn đề này, quân đội Trung Quốc đang đề xuất phát triển mạng lưới máy bay không người lái tầm cao mang tên Divine Eagle. Hệ thống sẽ chuyển dữ liệu mục tiêu cho chiến đấu cơ Trung Quốc và thậm chí là cả tên lửa.
Sự kết hợp giữa các hệ thống này tạo ra cho quân đội Trung Quốc loại vũ khí tầm xa mạnh mẽ, đe dọa bắn rơi mọi máy bay Mỹ trong tầm ngắm trong khi phía Mỹ buộc phải chấp nhận tổn thất trước khi giao chiến tầm gần hoặc phải lựa chọn rút lui.
Quân đội Mỹ hiện cũng không phát triển loại vũ khí có sức mạnh tương đương để thay thế AIM-120D lỗi thời.
Có thể nói, Bắc Kinh đã đi trước Washington một bước trong việc phát triển loại siêu tên lửa tầm xa tận dụng đối đa mạng lưới thông tin từ máy bay không người lái và vệ tinh, National Interest kết luận.