Siêu tàu sân bay 13 tỷ USD của Mỹ lần đầu tập trận cùng tàu chiến NATO
Sau nhiều năm trì hoãn và khắc phục một loạt các sự cố, hải quân Mỹ đầu tuần tới sẽ lần đầu huy động siêu tàu sân bay USS Gerald R. Fordlàm nhiệm vụ ở Đại Tây Dương cùng các đồng minh NATO, giữa căng thẳng leo thang với Nga.
Siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford.
Nhóm tác chiến tàu sân bay bao gồm USS Gerald R. Ford, nhiều tàu khu trục và các tàu hộ tống, sẽ rời Norfolk, bang Virginia vào ngày 3/10, hải quân Mỹ ra thông cáo cho biết. Norfolk là nơi đặt căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ hội quân ở Đại Tây Dương cùng các tàu chiến đến từ Pháp, Đức và Thụy Điển để tham gia một loạt các cuộc tập trận, đặc biệt là tập trận chống ngầm.
Đây là chuyến ra khơi thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của siêu tàu sân bay lớn nhất thế giới trị giá 13 tỷ USD, kể từ khi được biên chế vào hải quân Mỹ năm 2017.
"Đại Tây Dương là vùng biển mang ý nghĩa chiến lược quan trọng", Phó Đô đốc Daniel Dwyer, chỉ huy Hạm đội 2 thuộc Hải quân Mỹ, nói. "Mục tiêu chính của chúng tôi là đóng góp vào hòa bình, ổn định và phi xung đột ở Đại Tây Dương thông qua sức mạnh hải quân chung của các đồng minh và đối tác".
Hạm đội 2 chủ yếu phụ trách khu vực Đại Tây Dương và khu vực này hiện nay ngày càng mang ý nghĩa chiến lược trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
Cuộc tập trận sắp tới với sự xuất hiện của siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford, diễn ra ra trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đã kéo dài hơn 7 tháng. Căng thẳng giữa Nga và Mỹ đang có dấu hiệu leo thang sau loạt vụ nổ gây hư hại hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2.
Phương Tây cáo buộc Nga có liên quan đến sự cố đường ống khí đốt quan trọng của châu Âu. Moscow cho rằng, Washington có thể có liên quan đến sự cố.
Bradley Martin, nhà nghiên cứu chính sách tại tập đoàn tư vấn quân sự RAND do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ ngân sách, nói cuộc tập trận diễn ra vào tuần tới sẽ phô diễn sức mạnh quân sự của Mỹ và thể hiện cam kết hỗ trợ với NATO.
"Chúng tôi muốn chứng minh cho Nga thấy rằng họ sẽ phải đối mặt với một lực lượng đông đảo ở khắp khu vực nếu họ muốn leo thang xung đột vượt khỏi phạm vi ở Ukraine hoặc leo thang ở Ukraine đến mức Mỹ không thể chấp nhận", ông Martin, cựu sỹ quan hải quân Mỹ, nói.
Mỹ từng đưa ra cảnh báo đáp trả mạnh mẽ nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.
Việc siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford lần đầu ra khơi thực hiện nhiệm vụ đánh dấu kỷ nguyên mới của các tàu sân bay Mỹ, kể từ khi tàu sân bay USS Nimitz triển khai lần đầu tiên vào năm 1976.
Tàu USS Gerald R. Ford được tích hợp các công nghệ quân sự mới nhất giúp tăng 30% tốc độ cất cánh máy bay nhờ máy phóng điện từ. Tàu cũng được thiết kế để mang theo nhiều loại máy bay quân sự hơn và vận hành với số lượng thủy thủ ít hơn các sân bay hạt nhân lớp Nimitz.
Trong những năm qua, tàu USS Gerald R. Ford đã nhiều lần phải quay về xưởng sửa chữa do các vấn đề liên quan đến máy phóng điện từ và hệ thống thang máy đưa các tiêm kích và vũ khí từ khoang chứa lên sàn đáp.
Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó nói rằng hải quân Mỹ nên sử dụng lại các máy phóng hơi nước vì vận hành tin cậy hơn, trong khi "các máy phóng điện từ tiêu tốn hàng trăm triệu USD mà hoạt động vẫn không tốt".
Hồi đầu tuần này, Phó Đô đốc Dwyer nói tàu USS Gerald R. Ford đã thực hiện hơn 10.000 lượt cất và hạ cánh máy bay, đảm bảo khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiệu suất phóng máy bay của tàu USS Gerald R. Ford chưa đạt mức như mong đợi. Nhưng đây là chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu sân bay Ford nên có thể chấp nhận được.
"Tàu sân bay vẫn sẽ là vũ khí chủ lực của hải quân Mỹ. Một số vấn đề nhỏ khi phát triển tàu sân bay thế hệ mới không làm thay đổi điều này", chuyên gia Martin nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Nếu Turkstream, đường ống khí đốt Nga đi qua Biển Đen bị hư hại, đơn vị vận hành sẽ không thể sửa chữa do chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép hoạt động vì lệnh...