Siêu tăng Armata của Nga sẽ gắn "mắt thần"
Cỗ máy chiến tranh siêu hạng Armata dự kiến sẽ gắn "mắt thần" giúp điều khiển từ xa, không cần người lái và chắc chắn sẽ thay đổi rất nhiều chiến tranh truyền thống.
Armata-14 duyệt binh ở Quảng trường Đỏ năm 2015.
Công ty sản xuất siêu tăng chiến đấu chủ lực Armata cho biết đã có kế hoạch biến cỗ máy siêu hạng của quân đội Nga trở thành “át chủ bài của tương lai” khi được tự động hóa toàn bộ. Ngoài ra, tập đoàn này còn muốn phát triển máy bay không người lái do Nga thiết kế và chế tạo 100% nhằm đạt lợi thế chiến lược trên không.
“Armata không người lái sẽ là cỗ máy của tương lai, chúng tôi không nghi ngờ về điều này”, Oleg Sienko, giám đốc nhà máy Uralvagonzavod, nơi sản xuất siêu tăng Armata trả lời hãng tin RIA Novosti ngày 18.4.
Đây dự kiến sẽ là tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Nga với pháo nòng trơn 125mm, có thể nâng cấp lên 152mm.
Đây không phải là lần đầu tiên công ty Uralvagonzavod muốn phát triển phương tiện không người lái. Cách đây 3 năm, công ty này từng giới thiệu xe tải quân sự có thể điều khiển từ xa. Xe tải sẽ được trưng dụng ở những môi trường nguy hiểm như gài nhiều bom mìn hoặc căn cứ quân sự có nhiều bẫy.
“Chúng tôi đang nghiên cứu và đã có sẵn kinh nghiệm trong việc thiết kế các phương tiện tự động hóa trên nền tảng xe tăng T072. Nhìn chung, những phương tiện từng xuất hiện ở lễ duyệt binh Quảng trường Đỏ đều có thể biến thành những chiếc xe robot thực thụ”, ông Sienko nhấn mạnh, khẳng định tính ưu việt của siêu tăng Armata trong buổi duyệt binh năm ngoái.
Armata sẽ là át chủ bài thay thế các mẫu xe tăng T-72, T-80 và T-90 đã lỗi thời của Nga.
Armata là siêu tăng đầu tiên Nga nghiên cứu chế tạo sau khi Liên bang Xô Viết tan rã. Armata có bệ pháo 125mm nòng trơn. Nhà máy Uralvagonzavod đang dự định lắp đặt một phần bộ phận khiển từ xa giúp Armata có thể hoạt động mà không cần lính tăng điều khiển.
“Đây là nhân tố quan trọng ở tầm chiến thuật. Rất khó điều khiển xe tăng nếu không có mắt thần gắn trên xe, vậy nên gắn thiết bị để điều khiển từ xa là cách tốt nhất hiện thực hóa tham vọng của công ty”, giám đốc Sienko nói. Hiện chưa rõ thiết bị nào sẽ gắn trên Armata nhưng ông Sienko cam kết đấy là một sản phẩm Nga sản xuất 100%.
Armata không chỉ là mẫu xe tăng mới mà mà còn xây dựng trên nền tảng đa dụng, có thể dùng làm bệ phóng tên lửa, phương tiện chở lính và 20 công năng chuyên biệt khác, ông Sienko chia sẻ. Khả năng đa dụng giúp việc sửa chữa siêu tăng Armata dễ dàng hơn. Việc đồng bộ về thiết bị giữa các phương tiện quân sự cũng giúp thay thế chi tiết hỏng hóc tiện lợi hơn.
Dự kiến muộn nhất năm 2017, 20 chiếc siêu tăng Armata sẽ có mặt trong biên chế quân đội Nga.
Tháng trước Nga tuyên bố 20 xe tăng Armta đang được sản xuất và thử nghiệm, dự kiến gia nhập biên chế quân đội nước này trong năm 2016 hoặc 2017.
Với động cơ 1.500 mã lực, xe tăng Armata có thể hoạt động ở vận tốc tối đa 80km/giờ. Tuy nhiên, vì lí do an toàn ông Sienko cho biết quá trình thử nghiệm chỉ dừng ở 1.350 mã lực. Với tốc độ 80km/giờ, Armata còn được gọi là “xe tăng bay”.