Siêu du thuyền giới tài phiệt Nga thành gánh nặng với các nước tịch thu thế nào?
Những siêu du thuyền của giới tài phiệt Nga đang trở thành gánh nặng cho các nước tịch thu chúng vì chi phí vận hành và rắc rối pháp lý.
Những siêu du thuyền của giới tài phiệt Nga đang trở thành gánh nặng cho các nước tịch thu chúng vì chi phí vận hành và rắc rối pháp lý.
“Ném tiền qua cửa sổ”
Năm 2022, hàng chục cảnh sát và 5 đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đến bến cảng Falmouth, ở đảo quốc Antigua và Barbuda (vùng Caribe) để đột kích siêu du thuyền Alfa Nero của tỉ phú Andrey Grigoryevich Guryev - người sáng lập công ty hóa chất hàng đầu nước Nga PhosAgro.
Ông Guryev bị phương Tây trừng phạt vì có liên hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đảo quốc Antigua và Barbuda tịch thu du thuyền trên theo hiệp ước trừng phạt với Mỹ.
Kể từ đó, chiếc du thuyền trị giá 120 triệu USD - có chiều dài hơn 80 m (gần bằng một sân bóng đá) và được trang bị bể bơi vô cực - đã nằm im tại bến cảng này.
Du thuyền Alfa Nero ở cảng Falmouth (Antigua và Barbuda). Ảnh: WSJ
Vụ việc như một lời nhắc về cuộc chiến kinh tế giữa phương Tây và Nga cũng như những khó khăn trong việc quản lý tài sản tịch thu từ Moscow khi chiếc du thuyền đang trở thành cơn ác mộng đối với đất nước nhỏ bé chỉ có 93.000 dân này.
Theo tờ The Wall Street Journal (WSJ), những người nộp thuế ở đảo quốc hiện đang phải trả 28.000 USD/tuần để bảo trì chiếc du thuyền, bao gồm lương của thuyền trưởng và 2.000 USD/ngày tiền dầu diesel để duy trì hoạt động của máy điều hòa bởi nếu tắt máy, nấm mốc sẽ lây lan khắp tàu trong vòng 48 giờ, làm hỏng nội thất trên tàu.
Nói về chi phí duy trì du thuyền, ông Tom Paterson - chủ bến du thuyền cho rằng "việc này chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ”.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hàng chục chính phủ đã phát động nỗ lực chưa từng có nhằm gây áp lực buộc Tổng thống Putin chấm dứt cuộc chiến thông qua việc áp đặt trừng phạt lên những người được cho là thân thiết với ông.
WSJ dẫn một báo cáo hồi tháng 3 cho thấy khoảng 58 tỉ USD tài sản của các nhà tài phiệt, bao gồm du thuyền, biệt thự và các khoản đầu tư, đã bị đóng băng hoặc phong tỏa vì chủ sở hữu chúng có liên quan Điện Kremlin.
Tuy nhiên, việc đóng băng một tài sản không có nghĩa là chính phủ có quyền sở hữu hoặc bán tài sản này. Để có thể sử dụng tài sản tịch thu cần những nỗ lực pháp lý phức tạp, có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Điều này có nghĩa trong khoảng thời gian chờ đợi thủ tục pháp lý, người nộp thuế ở nước tịch thu phải trả chi phí duy trì tài sản mà không ai được phép sử dụng.
Ý tịch thu ít nhất 4 du thuyền, 20 dinh thự, cùng nhiều ô tô, tác phẩm nghệ thuật và các đồ vật khác của tài phiệt Nga ngay sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine.
Chính phủ Ý năm ngoái cho biết đã chi 13,7 triệu euro (khoảng 14,8 triệu USD) để bảo trì khẩn cấp cho các tài sản như du thuyền và dinh thự. Các quan chức Ý nói rằng chi phí thực tế còn cao hơn nhiều.
“Vấn đề của chúng tôi là những chiếc du thuyền. Nếu cuộc chiến tiếp tục, chi phí vận hành có thể vượt quá giá trị thực tế của chúng” - WSJ dẫn lời một quan chức Ý.
Theo luật sư Benjamin Maltby tại công ty luật Keystone Law (Anh), chi phí bảo trì mỗi năm đối với du thuyền lớn thường bằng 10% giá trị du thuyền. Thân du thuyền cần được vệ sinh thường xuyên, các bộ phận điều hòa không khí chạy gần như suốt ngày đêm, ngoài ra còn chi phí cho phi hành đoàn, bến thuyền.
Trong khi đó, quy trình pháp lý để buộc chủ sở hữu phải tự trả tiền bảo trì cũng rất phức tạp và dù chủ sở hữu chấp nhận trả phí bảo trì thì các lệnh trừng phạt tài chính từ phương Tây cũng khiến việc chuyển tiền bảo trì trở nên khó khăn.
Giữ không được, bán cũng không xong
Như đã đề cập, việc bán tài sản tịch thu cần trải qua quá trình pháp lý phức tạp, bao gồm chứng minh tài sản là của chính người bị trừng phạt (việc này khá khó khăn vì tài sản thường do nhiều công ty bình phong nắm giữ) và người bị trừng phạt đã sử dụng tài sản cho hành vi phạm tội.
Đến nay, các nước châu Âu đã tiến hành hơn 300 cuộc điều tra hình sự nhằm vào những cá nhân Nga nằm trong danh sách trừng phạt.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng có một đội gồm 50 quan chức chuyên trách các vụ án hình sự liên quan giới tài phiệt Nga với hy vọng có thể thu hàng trăm triệu USD từ việc bán tài sản của họ để tái thiết Ukraine.
Tuy nhiên, Mỹ đến nay chỉ mới chuyển giao cho Ukraine 5,4 triệu USD, Liên minh châu Âu (EU) và Anh thì chưa chuyển được bất cứ tài sản đóng băng nào thành tiền.
Du thuyền Scheherazade của tài phiệt Nga ở cảng Marina di Carrara (Ý) vào tháng 5-2022. Ảnh: GETTY IMAGES
Một ví dụ về việc không thể xác định chủ sở hữu là vụ du thuyền Scheherazade - một trong những du thuyền lớn nhất và đắt nhất thế giới mà Ý tịch thu năm ngoái.
Cảnh sát Ý cho rằng du thuyền 650 triệu euro trên thuộc về cựu Chủ tịch tập đoàn dầu khí Nga Rosneft - ông Eduard Khudainatov nhưng vẫn không thể xác nhận điều này.
Ngoài ra, theo luật sư Maltby, bán du thuyền cũng là chuyện rất khó vì nhiều người mua không thích một chiếc thuyền từng bị trừng phạt do lo ngại các rắc rối pháp lý chẳng hạn như việc chủ sở hữu ban đầu có thể thu hồi du thuyền khi nó đi vào khu vực pháp lý không áp dụng lệnh trừng phạt.
Đầu năm nay, chính phủ Antigua và Barbuda cho rằng du thuyền Alfa Nero gây rủi ro cho bến cảng của nước này nếu nó bị bão đánh chìm nên đã thông qua luật mới và tịch thu hoàn toàn chiếc du thuyền.
Đảo quốc này đã cố gắng bán du thuyền cho cựu Giám đốc điều hành Google - ông Eric Schmidt với giá 67 triệu USD. Tuy nhiên, vào phút chót, một công ty có liên hệ với tài phiệt Guryev đã phát động một cuộc chiến pháp lý ngăn chặn việc mua bán.
Ông Schmidt sau đó không còn muốn mua chiếc du thuyền, do đó Antigua và Barbuda đang nỗ lực tìm người mua mới.
Giờ đây, khi mùa mưa bão đang đến gần, ông Andrea Maccaferri - quyền thuyền trưởng của du thuyền Alfa Nero đang vô cùng lo lắng và nói rằng ông không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Hầu hết phi hành đoàn đang dần rời khỏi du thuyền do không được trả lương. Du thuyền đã xả nước thải thô vào bến cảng vì hệ thống xử lý nước thải trên du thuyền bị hỏng. Thêm vào đó, bình chữa cháy và các thiết bị an toàn khác cũng sắp hết hạn sử dụng.
“Đó là một con thuyền phiền toái” - cô Deidra Cochrane, một nhân viên tại bến cảng nhận xét.
Siêu du thuyền Nord trị giá 500 triệu USD thuộc sở hữu của nhà tài phiệt giàu thứ sáu nước Nga đã tái xuất và hướng đến Hàn Quốc.
Nguồn: [Link nguồn]