Siêu đập thủy điện chặn sông Nile: Ai Cập từng chở 2.000 vũ khí đến gần đối thủ
Đại Phục Hưng, siêu đập thủy điện của Ethiopia - công trình thủy điện lớn nhất châu Phi và lớn thứ 7 thế giới, bị cho là đang đe dọa sự ổn định của khu vực.
Đập thủy điện Đại Phục Hưng của Ethiopia được cho là đang đe dọa sự ổn định của khu vực. Ảnh: Telegraph
Tờ Telegraph hôm 4/7 dẫn lời một quan chức cấp cao của Somali cho hay, máy bay từ Ai Cập chở 2 nghìn vũ khí, bao gồm súng Kalashnikov, bệ phóng tên lửa, súng bắn tỉa, súng lục và súng cối, được cho là đã tới Somalia (giáp phía đông Ethiopia) hồi tháng 5. Tuy nhiên, lô vũ khí này bị chặn lại vì chính phủ Somali lo ngại bị công khai cuốn vào cuộc xung đột đang ngày càng tăng lên giữa 2 cường quốc của châu Phi - Ai Cập và Ethiopia.
Ai Cập là cường quốc "thống trị" sông Nile hàng nghìn năm nay. Nhưng cán cân quyền lực sắp dịch chuyển sang Ethiopia.
Vài tuần tới, khi mùa mưa đến, Ethiopia sẽ bắt đầu quá trình tích nước từ sông Nile Xanh (một trong 2 nhánh của sông Nile) vào hồ chứa khổng lồ, thuộc một dự án quy mô cực lớn ở châu Phi, nhưng đồng thời lại chặn nguồn nước của 100 triệu dân Ai Cập và buộc các nước láng giềng phải lựa chọn phe trong xung đột Ai Cập - Ethiopia.
Gần một thập kỷ, Ethiopia đã xây dựng một bức tường xi măng dài hơn 1,6 km, gần gấp đôi chiều cao của tượng Nữ thần Tự do. Đó chính là siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng, công trình nằm trên sông Nile Xanh, cách biên giới Sudan vài km.
Siêu đập thủy điện này về cơ bản gần hoàn thiện. Nó là đập thủy điện lớn nhất ở châu Phi sau khi hoàn thiện, có thể chứa 72 tỷ m3 nước và tăng gấp đôi nguồn cung cấp điện cho đất nước.
Với Ethiopia, siêu đập Đại Phục Hưng là một kỳ quan quốc gia và là một bước đệm tiến tới công nghiệp hóa của quốc gia châu Phi này.
Khoản tiền gần 5 tỷ USD đầu tư cho dự án siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng được Ethiopia huy động mà không cần bất cứ sự hỗ trợ nào từ quốc tế. Giới chức Ethiopia huy động số tiền khổng lồ thông qua quyên góp tư nhân và trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, một khoản khác được huy động từ một phần tiền lương của công nhân viên chức tại quốc gia châu Phi này.
Nhưng với Ai Cập, nơi có 100 triệu dân sống chủ yếu nhờ sông Nile, siêu đập của Ethiopia mang đến "mối đe dọa" hiện hữu, theo Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập, ông Sameh Shoukry.
Các quan chức Ai Cập cho rằng ngay cả một sự sụt giảm nhỏ lượng nước ở sông Nile cũng có thể gây ra hạn hán nghiêm trọng, tàn phá nặng nề ngành nông nghiệp và nguồn cung cấp nước.
Sudan, một quốc gia hạ nguồn sông Nile khác, lại được hưởng lợi từ điện giá rẻ và khả năng kiểm soát lũ của siêu đập ở Ethiopia.
Các cuộc thảo luận giữa 3 quốc gia về cách siêu đập thủy điện nên được tích nước như thế nào và quản lý ra sao, đều thất bại vì không thể giải quyết những mâu thuẫn cơ bản.
Hồi tháng 2, một vòng đám phán do Mỹ hậu thuẫn đã kết thúc với việc Ethiopia "lắc đầu" ở thời điểm quan trọng. Các cuộc đàm phán đã tiến rất gần tới một thỏa thuận nhưng thất bại vì không đạt được đồng thuận pháp lý về quản lý hạn hán và các hiệp ước quốc tế. Ethiopia cho rằng những điều này gây ảnh hưởng tới chủ quyền của quốc gia này.
Hiện tại, Ethiopia đang lên kế hoạch tích nước cho siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng dù cho có đạt được thỏa thuận với Ai Cập và Sudan hay không. Điều này khiến các nhà phân tích và ngoại giao vài tuần gần đây đưa ra cảnh báo chưa từng có, nhắc đến việc một giải pháp hòa bình phải được đưa ra ngay lập tức.
Những lo ngại của các nhà phân tích và ngoại giao là có cơ sở. Trước đây, quan chức Ai Cập đưa ra đe dọa sử dụng vũ lực, nói rằng "sẽ sử dụng mọi cách" để bảo vệ vấn đề an ninh nguồn nước của quốc gia này. Một số chính khách thân với chính phủ Ai Cập còn nhấn mạnh, chiến tranh sẽ xảy ra nếu Ethiopia cố gắng chặn nguồn nước của sông Nile.
Năm 2019, ông Abiy Ahmed, Thủ tướng Ethiopia, tuyên bố: "Không thế lực nào có thể ngăn Ethiopia xây dựng siêu đập và người Ethiopia chấp nhận hy sinh để bảo vệ nó".
Khả năng chiến tranh toàn diện giữa Ai Cập và Ethiopia là rất mong manh, theo Telegraph. Ảnh minh họa: Military Army
Dẫu vậy, khả năng chiến tranh toàn diện giữa Ai Cập và Ethiopia là rất mong manh, theo Telegraph. Với việc bị sa mạc Sudan dài hơn 1.600 km chia cắt, Ai Cập sẽ rất khó khăn nếu muốn tấn công Ethiopia trên bộ.
Các cuộc không kích vào siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng là lựa chọn khả thi hơn với Ai Cập. Tuy nhiên, phương án này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho an ninh khu vực.
"Nếu tấn công vào siêu đập, Ai Cập có lợi thế lâu dài nào hay không? Ngay cả khi cuộc tấn công có sức tàn phá rất lớn, Ethiopia sẽ bắt đầu xây dựng lại con đập khác trên sông Nile Xanh. Và sau 10 năm nữa, Ai Cập sẽ phải đối mặt với vấn đề tương tự nhưng lần này tiếng nói của Cairo sẽ không còn được chấp nhận nữa", theo William Davidson, nhà phân tích cấp cao thuộc Tổ chức khủng hoảng quốc tế, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Brussels, Bỉ.
Một vòng đàm phán mới qua trung gian của Liên minh châu Phi vừa diễn ra. Ai Cập và Ethiopia đạt được sự đồng thuận theo đề xuất của Ai Cập về việc vận hành đập Đại Phục Hưng. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận vẫn chưa đạt được về cấp độ kỹ thuật và pháp lý giữa 3 quốc gia: Ai Cập, Ethiopia và Sudan.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Ai Cập cảnh báo nếu Liên Hợp Quốc không can thiệp vào cuộc tranh chấp này, nguy cơ xung đột xảy ra là rất cao. Adam Taylor, một chuyên gia làm việc tại Sofala Partners, công ty tư vấn rủi ro tập trung ở khu vực châu Phi, cho biết: "Việc Ethiopia và Ai Cập sẽ nhượng bộ nhau như thế nào thật khó để hình dung. Không rõ bên nào sẽ 'xuống nước' trước. Nếu không có thỏa thuận nào được đưa ra, căng thẳng trong khu vực sẽ tiếp tục gia tăng".
Siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng của Ethiopia được coi là công trình có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế...
Nguồn: [Link nguồn]