Siêu đập Đại Phục Hưng: Thực hư chuyện Ethiopia chặn nước sông Nile
Hôm 16.7. Bộ Ngoại giao Ai Cập đã yêu cầu Ethiopia “làm rõ khẩn cấp” thông tin trữ nước cho hồ chứa của siêu đập Đại Phục Hưng – đập thủy điện lớn nhất châu Phi.
Hình ảnh vệ tinh về siêu đập Đại Phục Hưng hôm 12.7 (ảnh: Reuters)
Sau nhiều nguồn thông tin gây tranh cãi, Ethiopia đã lên tiếng và khẳng định nước này không hề bắt đầu tích nước sông Nile cho siêu đập Đại Phục Hưng. Việc hồ chứa của con đập được nhìn thấy có nước chỉ đơn giản là do mưa lớn.
Trước đó, truyền hình nhà nước Ethiopia đưa tin rằng, nước này bắt đầu trữ nước sông Nile cho đập Đại Phục Hưng (GERD) từ ngày 15.7, sau khi cuộc đàm phán với Ai Cập và Sudan không đi tới kết quả.
Seleshi Bekele – Bộ trưởng Tài nguyên nước Ethiopia – phủ nhận việc có nước trong hồ chứa của đập Đại Phục Hưng là do chặn dòng sông Nile. Ông Bekele nhấn mạnh nước được nhìn thấy trong hồ là do mưa tự nhiên.
“Có khá nhiều nước trong hồ. Nguyên nhân là do mưa lớn”, ông Bekele nói với hãng tin DPA.
“Nước trong hồ chứa là do mưa lớn. Hoàn toàn tự nhiên”, ông Seleshi Bekele củng cố tuyên bố của mình bằng một đoạn Twitter.
Không chỉ Ai Cập, Sudan cũng muốn Ethiopia trả lời rõ ràng về vấn đề này.
“Ethiopia nói rằng những thông tin về việc nước này trữ nước cho đập Đại Phục Hưng là không chính xác”, Bộ Ngoại giao Sudan tuyên bố hôm 16.7.
Sudan cho biết nước này phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào làm phức tạp thêm tình hình khi các nỗ lực đàm phán đang được tiến hành.
Đập Đại Phục Hưng là nguồn cơn căng thẳng giữa một số nước thuộc lưu vực sông Nile kể từ khi được khởi công vào năm 2011. Ethiopia muốn sản xuất điện từ con đập trong khi Ai Cập và Sudan lo ngại GERD sẽ khiến họ mất nguồn cung nước quan trọng.
Ethiopia có kế hoạch trữ nước cho hồ chứa của con đập. Tuy nhiên chưa rõ việc này sẽ được thực hiện khi nào.
“Ethiopia đã mắc lỗi khi không tuyên bố rõ việc nước chảy vào hồ chứa của đập Đại Phục Hưng là nước mưa hay nước từ sông Nile”, William Davison – chuyên gia từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế – nhận xét.
Đập Đai Phục Hưng khi đang thi công (ảnh: Reuters)
Những tranh cãi xoay quanh dự án đập Đại Phục Hưng là rất căng thẳng. Ai Cập cho rằng con đập sẽ khiến khoảng 100 triệu dân nước này vốn đã thiếu nước lại càng khát cháy hơn. 90% lượng nước ngọt của Ai Cập đến từ sông Nile Xanh – một nhánh của sông Nile (nhánh còn lại là sông Nile Trắng).
Hôm 14.7, vòng đàm phán mới nhất giữa Ai Cập, Ethiopia và Sudan về đập Đại Phục Hưng đã không đi đến kết quả.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc – ông Antonio Guterres – đã lên tiếng thúc giục các bên liên quan “nắm bắt cơ hội trong những ngày tới để khắc phục khác biệt, đạt được thỏa thuận phù hợp với lợi ích mỗi bên”.
Công suất lắp đặt của đập Đại Phục Hưng là 6.450 MW. Nếu con đập được vận hành theo đúng thiết kế, toàn Ethiopia sẽ có điện và còn thừa để xuất khẩu. Ethiopia có thể trở thành nhà xuất khẩu điện lớn nhất châu Phi.
Theo các chuyên gia, nếu Ethiopia thực sự trữ nước cho hồ chứa của đập Đại Phục Hưng, cả Ai Cập và Sudan đều sẽ phản ứng cực kỳ gay gắt. Điều này cũng khiến tình hình căng thẳng trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí là không thể cứu vãn.
Ai Cập và Sudan tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Ethiopia để giải quyết bế tắc. Một vòng đàm phán mới đang được xúc tiến và không ai mong muốn một cuộc chiến tranh nước nổ ra.
Nguồn: [Link nguồn]
Ethiopia đã chính thức chặn dòng sông Nile để tích nước cho công trình thủy điện lớn nhất châu Phi, giới chức nước này...