Siêu bão kinh hoàng từng khiến hơn 6.000 người thiệt mạng ở Philippines
Hứng chịu hơn 20 cơn bão lớn mỗi năm, Philippines đã có nhiều kinh nghiệm để ứng phó thiên tai. Nhưng điều đó cũng không giúp quốc gia Đông Nam Á này thoát khỏi sự càn quét đáng sợ của một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử với sức gió lên đến 315 km/h.
Thành phố Tacloban, Philippines, tan hoang sau siêu bão năm 2013. Ảnh: Getty
Thế giới đã chứng kiến nhiều siêu bão với sức mạnh hủy diệt khó lường. Có những trận bão gây thiệt hại nhiều đến nỗi khiến những người trải qua không hết bàng hoàng sau nhiều năm. Trong loạt bài này, mời độc giả cùng nhìn lại 3 trong số những siêu bão kinh hoàng nhất lịch sử hiện đại. |
Phận người mỏng manh giữa cơn cuồng nộ của siêu bão
Khoảng 5 giờ sáng ngày 8/11/2013, gia đình Joanna Sustento sống ở thành phố Tacloban của Philippines bị đánh thức bởi tiếng gió rít ghê người.
"Chúng tôi nghĩ đó chỉ là một ngày mưa bão bình thường, nên cả nhà cùng ăn sáng. Nhưng gió càng lúc càng mạnh hơn, chúng tôi cảm thấy ngôi nhà bị rung chuyển. Nhìn ra ngoài, chúng tôi thấy cây cối đã bật gốc, tường bê tông bị phá hủy, cửa sổ nhà chúng tôi cũng nứt vỡ, và bất ngờ nước lũ đục ngầu tràn vào. Chỉ trong vài giây, nước đã ngập đến đầu gối. Tôi vội chạy vào phòng lấy balo, không mất đến 3 phút, nhưng khi ra ngoài, nước đã dâng lên đến ngực. Gia đình tôi buộc phải chạy ra ngoài nếu không sẽ bị mắc kẹt. Dòng nước chảy mạnh khiến tôi chật vật mãi mà không thể ra khỏi nhà. May mắn là mẹ tôi đã quay lại hỗ trợ nên tôi mới thoát được", cô gái 25 tuổi, người sống sót sau cơn bão, kể lại trong một chương trình của UNICEF năm 2019.
"Khi nước tiếp tục dâng cao, cả nhà chúng tôi cố gắng không để bị nhấn chìm. Nhưng trong điều kiện mưa to gió lớn, điều đó khó khăn hơn bao giờ hết. Chị dâu và cháu tôi bị nước cuốn đi. Anh trai tôi cố gắng bơi đến chỗ vợ và con. Sau đó, tôi không thể nhìn rõ gia đình anh trai tôi vì gió và mưa lớn trút xuống như thể có hàng trăm viên đá vụn ném vào mặt tôi", Joanna chia sẻ thêm.
"Tôi và bố mẹ bám vào một khúc gỗ. Thời khắc đó, tôi nhìn vào mắt họ và thấy rõ nỗi lo lắng ẩn bên trong. Tôi không thể ngờ khoảnh khắc cuối cùng với bố lại là trong cơn siêu bão kinh hoàng đó. Tôi thấy ông cố ngoi lên mặt nước, lấy hơi ba lần và đó là lần cuối tôi nhìn thấy ông. Sau đó, tôi thấy một chiếc tủ lạnh trôi nổi nên bám vào đó rồi kéo lại gần để mẹ tôi bám cùng. Chúng tôi trôi đến tòa nhà phía sau nhà của mình, nơi sóng đánh mạnh đẩy chiếc tủ lạnh về phía dầm thép của một bể nước. Sợ bị mắc kẹt, tôi đẩy tủ lạnh ra và bám vào khúc gỗ. Đó là lúc mẹ và tôi bị tách ra", cô gái Philippines kể lại.
Joanna chật vật giữ mình không bị nhấn chìm bởi lớp sóng dữ và các mảnh vỡ. Sau đó, cô phát hiện mẹ mình đã chết. Joanna ôm lấy thi thể mẹ và phải đưa ra quyết định mà có lẽ cô vẫn bị ám ảnh đến hết đời.
Joanna Sustento. Ảnh: Downtoearth Magazine
Joanna buộc phải bỏ thi thể mẹ để không bị nhấn chìm. "Tôi đã xin lỗi mẹ. Đó thực sự là một sự giằng xé. Đến giờ, tôi vẫn tự hỏi liệu mình đã đưa ra quyết định đúng hay liệu tôi có thể làm được gì hơn. Cơn bão đã khiến hàng triệu người mất nhà cửa và hàng nghìn người chết, trong đó có bố mẹ, anh trai, chị dâu và cháu trai 3 tuổi của tôi. Tôi chẳng còn cơ hội tìm được thi thể của bố và cháu trai", Joanna nghẹn ngào nói.
Đó là nỗi đau do Hải Yến (Haiyan), siêu bão được nhiều người coi là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất của Philippines, gây ra. Nhưng nó chưa dừng ở đó.
Góa phụ Agatha Ando - ở thành phố Tacloban, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của siêu bão Hải Yến - phải mất một thập kỷ mới học được cách cười trở lại.
Chồng của bà Ando cùng 3 anh chị em họ của bà đã không sơ tán khỏi các ngôi nhà cách biển chưa đầy 100 mét của họ khi bão Hải Yến quét qua. Cả 4 người cùng 4 con của họ đều thiệt mạng trong siêu bão kinh hoàng. Thi thể của họ được thu hồi và chôn chung trong một ngôi mộ tập thể.
"Tôi đã có thể cười trở lại, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên họ", bà Ando, 57 tuổi, chia sẻ với báo chí năm 2023. Bà sống sót khi nghe theo lời sơ tán của chính quyền địa phương trước khi siêu bão Hải Yến đổ bộ.
Siêu bão lịch sử và những con số kinh hoàng
Siêu bão Hải Yến bắt đầu hình thành vào ngày 2/11/2013 từ một vùng đối lưu trên Thái Bình Dương, cách đảo Pohnpei (tây Thái Bình Dương) 425 km về phía đông nam.
Sau đó, nó được Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) tại Hawaii (Mỹ) xếp loại thành áp thấp nhiệt đới, đặt tên là Áp thấp nhiệt đới 31W. Áp thấp này di chuyển về phía tây, ngày càng lớn mạnh. Ngày 4/11, nó được Cơ quan Khí tượng Nhật Bản nâng cấp thành bão nhiệt đới với tên gọi Hải Yến, khi sức gió đạt 64 km/h. Một ngày sau, bão tiếp tục mạnh lên, với sức gió 120 km/h, chính thức trở thành một cơn bão cấp cuồng phong (typhoon).
Ngày 6/11, JTWC nâng cấp Hải Yến thành siêu bão, với sức gió tối đa 241 km/h. Khi tiến gần đảo quốc Palau (tây Thái Bình Dương), siêu bão Hải Yến mở rộng đường kính lên tới 800 km, với tâm bão rộng 14,5 km. Sáng 7/11, mắt bão đi qua quần đảo Kayangel của Palau với sức gió 250 km/h. Sức gió tiếp tục tăng, đạt 315 km/h với các cơn gió giật lên đến 378 km/h, gây thiệt hại đáng kể về tài sản tại Palau, nhưng không có báo cáo thương vong về người, theo trang Britannica.
Ảnh vệ tinh có độ phân giải cao chụp siêu bão Hải Yến ngày 7/11/2013. Ảnh: NOAA
Khoảng 4h40 sáng 8/11, siêu bão Hải Yến đổ bộ vào thành phố Guiuan trên đảo Samar, Philippines, với sức gió mạnh nhất từng ghi nhận tại thời điểm đổ bộ là 315 km/h.
Đến 8h sáng cùng ngày, bão đến thành phố Tacloban trên đảo Leyte với sức gió 298 km/h, gây ra sóng lớn, phá hủy hàng loạt nhà cửa, tàu thuyền, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và mất tích. Tacloban bị tàn phá gần như hoàn toàn.
Sau khi tàn phá miền Trung Philippines, Haiyan tiếp tục di chuyển qua phía bắc đảo Leyte, qua đảo Cebu và Bantayan, trước khi đổ bộ lên đảo Panay với sức gió giảm nhẹ còn 265 km/h vào buổi chiều. Trong thời gian quét qua Philippines, Hải Yến gây mưa lớn kéo dài dẫn đến ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng ở nhiều khu vực.
Theo trang Britannica, thiệt hại do siêu bão Hải Yến gây ra ở Philippines là thảm khốc.
Các con số thương vong tổng thể tại Philippines trong những ngày đầu sau thảm họa còn chưa rõ ràng, đặc biệt là do nhiều khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nằm ở những nơi xa xôi và bị bão cô lập.
Tuy nhiên, số người chết chính thức nhanh chóng tăng từ hàng trăm lên đến hàng nghìn, vượt qua 5.000 người chỉ trong vòng hai tuần sau bão.
Số người thiệt mạng hoặc mất tích tiếp tục tăng khi các nhân viên cứu trợ mở rộng phạm vi tìm kiếm và tiếp cận các khu vực hẻo lánh hơn. Mặc dù ước tính ban đầu cho rằng tổng số người chết có thể lên tới 10.000 hoặc hơn, nhưng sau hai tháng, con số chính thức về những người chết và mất tích là trong khoảng từ 6.000 đến 8.000 người.
Người dân tới thăm các mộ tập thể ở làng Vasper, thành phố Tacloban, miền trung Philippines ngày 8/11/2014. Ảnh: Getty
Cuối tuần đầu tiên sau bão, chính phủ Philippines báo cáo hơn 800.000 người phải di dời và khoảng 8,7 triệu người bị ảnh hưởng bởi bão Hải Yến. Nhưng khi công tác cứu trợ tiếp tục, con số chính thức tăng lên khoảng 4 triệu người phải di dời và hơn 16 triệu người bị ảnh hưởng. Ngoài ra, hơn 1 triệu ngôi nhà bị hư hại, trong đó khoảng một nửa bị phá hủy hoàn toàn.
Đến tối 8/8, cơn bão đi vào Biển Đông với sức gió giảm xuống dưới 233 km/h.
Sáng 10/11, siêu bão Hải Yến đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh. Lúc này, sức gió đã giảm xuống còn 138 km/h, nhưng vẫn gây ra gió mạnh và mưa lớn. Trước đó, giới chức Việt Nam đã sơ tán hàng trăm nghìn người để tránh đường đi của bão.
Một ngày sau, bão Hải Yến suy yếu khi tiến vào Quảng Tây, Trung Quốc, và hạ cấp thành áp thấp nhiệt đới. Theo trang Britannica, số người thiệt mạng do bão Hải Yến ở Việt Nam và Trung Quốc là khoảng hơn 20 người, thấp hơn rất nhiều so với khi bão quét qua Philippines.
Vì sao siêu bão Hải Yến khiến nhiều người chết ở Philippines?
Quy mô cực lớn của siêu bão Hải Yến. Ảnh: CIMSS
Theo Washington Post, trong trường hợp của siêu bão Hải Yến, thành phố Tacloban với 220.000 cư dân nằm ở đầu của một vịnh hình phễu trong vịnh Leyte.
Tâm của cơn bão Hải Yến lướt qua chỉ cách vài km về phía nam của Tacloban, đặt thành phố ngay trong phần mạnh nhất của cơn bão.
Vị trí không may mắn này trên đường đi của siêu bão Hải Yến khiến Tacloban hứng chịu toàn bộ sức mạnh của gió bão cấp 5 (thang đo bão Saffir-Simpson của Mỹ), phá hủy "lên tới 80%" các tòa nhà trong thành phố.
Hình dạng của vịnh nơi Tacloban tọa lạc cũng góp phần khiến cơn bão trở nên chết chóc. Sóng biển do bão Hải Yến gây ra bị dồn vào vịnh này và với sức ép lớn, sóng biển dâng cao 3 - 6m tại một số điểm.
Sự kết hợp của sóng biển cao, mật độ dân cư lớn và sức gió khủng khiếp đã dẫn đến con số tử vong ước tính rất cao ở Philippines.
Ngoài ra, việc cảnh báo không đầy đủ và thiếu hiệu quả cũng là một nguyên nhân được xét đến.
Theo truyền thông địa phương, mặc dù những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã nhận được cảnh báo sớm, cơ quan thời tiết và các quan chức Philippines sau đó thừa nhận rằng các nạn nhân không quen với thuật ngữ "nước dâng do bão".
Trận bão chết người cuối cùng ở Tacloban xảy ra vào năm 1887, hơn một thế kỷ trước khi siêu bão Hải Yến xuất hiện. Ở một đất nước có nhiều ngôn ngữ địa phương, chính phủ cũng không có thuật ngữ địa phương để có thể truyền đạt hiện tượng này cho tất cả mọi người.
Sau thảm họa, chính phủ Philippines đã làm việc với các nhà ngôn ngữ học để tạo ra các thuật ngữ khí tượng đơn giản hơn nhằm đảm bảo mọi người đều hiểu đầy đủ về mối nguy hiểm do thiên tai.
Nhà cửa ở thành phố Tacloban được xây bằng các vật liệu rẻ tiền, mỏng manh, không đủ sức chống chọi với siêu bão. Ảnh: Getty
Một lý do khác được đề cập đến là nhiều ngôi nhà ở Tacloban được xây ở ven biển bằng vật liệu rẻ tiền, mỏng manh, không có khả năng chống chọi với cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm khi không sơ tán được nhiều người dân khỏi khu vực nguy hiểm, một phần vì họ không đánh giá đầy đủ mối đe dọa và một phần vì họ không xây dựng đủ nơi trú ẩn. Không ít người dân dù đã rời nhà cửa không an toàn để tới trú ẩn ở các ngôi trường ven biển cũng không tránh được thảm kịch.
Siêu bão Tip, với sức gió mạnh nhất lên tới 305 km/h, đã châm ngòi cho một trong những ký ức u ám nhất của quân đội Mỹ ở Nhật Bản.
Nguồn: [Link nguồn]