Siêu bão bí ẩn từ vũ trụ đi vào khí quyển Trái Đất
Một dạng nhiễu động tương tự như bão, nhưng được làm từ gió Mặt Trời và các hạt năng lượng vũ trụ, lần đầu được tìm thấy trên tầng cao nhất của khí quyển Trái Đất.
Nghiên cứu quốc tế được công bố trên Nature Communications cho biết một vùng bão plasma rộng 1.000 km đã được phát hiện trong tầng điện ly và từ quyển ở cực Bắc Trái Đất trong giai đoạn Mặt Trời và cả địa từ của Trái Đất đều hoạt động thấp vào năm 2014. Các nhà nghiên cứu đã mất nhiều năm để xác định nguồn gốc và bản chất của cơn bão kỳ lạ.
Ảnh đồ họa mô tả cơn bão lạ từ vũ trụ - Ảnh: ĐẠI HỌC SƠN ĐÔNG
Giáo sư Mike Lockwood, một nhà khoa học vũ trụ tại Khoa Khí tượng tại Đại học Reading (Anh), tác giả dẫn đầu nghiên cứu, cho biết đó là một cơn bão xoáy theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, có nhiều nhánh xoắn ốc, kéo dài gần 8 giờ trước khi hoàn toàn tan vỡ. Phát hiện đặc biệt này là nhờ dữ liệu của 4 vệ tinh thuộc Chương trình Vệ tinh Khí tượng Quốc Phòng (DMSP) của Mỹ.
Nói trên Sci-News giáo sư Lockwood phân tích rằng bão nhiệt đới có liên quan đến lượng năng lượng khổng lồ và những cơn bão không gian này chỉ có thể được tạo nên bởi sự di chuyển của năng lượng gió Mặt Trời và các hạt tích điện lớn, nhanh bất thường từ không gian vào tầng trên của Trái Đất.
Đây là lần đầu tiên dạng bão này được quan sát, nhưng họ tin rằng nó là một hiện tượng phổ biến trên các hành tinh có bầu khí quyển và từ quyển như Trái Đất.
Theo giáo sư Qing-He Zhang từ Phòng thí nghiệm trọng điểm tỉnh Sơn Đông về Thiên văn Quang học và Môi trường Mặt Trời - mặt đất tại Viện Khoa học Không gian của Đại học Sơn Đông, thành viên nhóm nghiên cứu, dạng bão từ vũ trụ này có thể dẫn đến các hiệu ứng thời tiết không gian quan trọng như làm tăng lực cản vệ tinh, nhiễu loạn liên lạc vô tuyến tần số cao, gây một số lỗi trong hệ thống radar, định vị và liên lạc vệ tinh.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà khoa học tin rằng có sự sống ngoài hành tinh ở Mặt trăng của sao Mộc vì nơi này có đủ các điều kiện cấu thành...