Siêu áo giáp T-14 Armata khiến xe tăng Mỹ, NATO vô dụng
Hệ thống phòng vệ chủ động Afghanit (APS) lắp đặt trên siêu tăng T-14 Armata đã chứng minh hiệu quả trong việc đánh chặn đạn xuyên giáp uranium nghèo (APFSDS), vốn là loại đạn thường được xe tăng Mỹ và NATO sử dụng
Siêu tăng T-14 Armata của Nga.
Nếu thông tin này chính xác thì hệ thống phòng vệ chủ động mới của Nga sẽ đánh dấu thay đổi bước ngoặt trong môi trường chiến tranh cơ giới. Các hệ thống phòng thủ hiện nay chỉ hiệu quả với các tên lửa chống tăng hoặc súng phóng lựu. Đạn xuyên động năng (KE) như M829A4 120 mm APFSDS của Mỹ vẫn là cơn ác mộng với xe tăng đối phương.
Việc người Nga đạt bước tiến trong việc trang bị hệ thống Afghanit chống đạn xuyên giáp sẽ khiến cho lực lượng bộ binh Mỹ và NATO đứng trước vấn đề nghiêm trọng trong tương lai gần.
Báo Nga Izvestia dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng nói hệ thống Afghanit hoàn thành xuất sắc thử nghiệm chống đạn xuyên giáp uranium nghèo với tốc độ 1,5-2 km/giây.
“Đợt thử nghiệm đầu tiên đã diễn ra trong năm nay. Hệ thống mới nhất này có thể đạt được mục đích phức tạp. Trước đây, việc ngăn chặn đạn xuyên giáp tưởng chừng như là điều bất khả thi”, báo Nga viết.
“Nga đã tập trung sự chú ý vào sức công phá của đạn xuyên giáp uranium nghèo, vốn được sử dụng đại trà trong biên chế quân đội NATO. Các công tác nghiên cứu sẽ tiếp tục cải thiện hệ thống, đặc biệt là thuật toán máy tính để kiểm soát khả năng đánh chặn”.
Sức mạnh xe tăng M1 Abrams của Mỹ dựa vào đạn xuyên giáp uranium nghèo.
Điểm mấu chốt của hệ thống là radar mảng pha điện tử chủ động do Cục Thiết kế Tula Instrument chế tạo, nằm ở trái tim của Afghanit. Hệ thống này không chỉ phù hợp với siêu tăng T-14 Armata mà còn có thể lắp đặt tên xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15.
Trong tương lai, Nga có thể sẽ sản xuất đại trà hệ thống Afghanit trên mọi xe chiến đấu dựa trên nền tảng Armata.
Chuyên gia phân tích chuyên về quân sự Nga đã có những nhận định khác nhau về thông tin mà Izvestia cung cấp. Nhà nghiên cứu Mikhail Barabanov, tổng biên tập tờ Moscow Defense Brief nói quân đội Nga có lý do để tập trung vào mối đe dọa mà các xe bọc thép phải đối mặt trên chiến trường.
“Các đặc tính của hệ thống APS lắp đặt trên Armata vẫn còn là điều bí mật”, ông Barabanov nói. “Nhưng Nga sẽ không phát triển hệ thống phòng thủ mới mà không nhắm đến mối đe dọa phổ thông nhất – đạn xuyên giáp uranium nghèo và các tên lửa chống tăng hàng đầu”.
Michael Kofman, nhà nghiên cứu chuyên về quân đội Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân (CAN) tỏ ra hoài nghi trước thông tin của Izvestia. “Tôi không nghĩ đây là điều thực tế. Đạn xuyên giáp uranium nghèo khó có thể bị ngăn chặn ngoại trừ sự kết hợp giữa giáp phản ứng nổ ERA và giáp composite. Ngoài ra, tác động khiến viên đạn đổi hướng là điều có thể”.
Nga có thể thay thế pháo nòng trơn 125 mm gắn trên T-14 Armata bằng tháp pháo "khủng" 152 mm.
Siêu tăng T-14 Armata hiện vẫn đang trong quá trình sản xuất giới hạn và có thể xuất hiện trong biên chế quân đội Nga năm 2019. Bộ Quốc phòng Nga đã đặt hàng 100 xe bọc thép chiến đấu Armata, bao gồm T-14, T-15 và ARV.
Trong khi đó, hiện chưa rõ khi nào Nga giới thiệu mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực Armata gắn tháp pháo 152 mm. Ông Barabanov cho rằng Moscow cảm thấy hài lòng với tháp pháo nòng trơn 125 mm như hiện tại.
Thay vào đó, Điện Kremlin sẽ đầu tư nguồn lực để nâng cao khả năng xuyên phá của đạn 2A82 hơn là tốn thời gian và sức lực để mở rộng cỡ nòng xe tăng.
“Tháp pháo 152 mm gắn trên Armata có thể chưa xuất hiện trong tương lai gần. Bởi đạn 2A82 125 mm cải tiến đạt mức năng lượng đầu nòng tăng 20% so với loại Rheinmetall L55 120mm”.
Tác giả Dave Majumdar kết luận, nếu như siêu tăng Armata chỉ cần đạt tới một nửa năng lực mà phía Nga công bố thì mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực này đã quá mạnh mẽ để đối đầu với xe tăng Mỹ hay NATO.