Sĩ quan phòng không Nga thừa nhận 'tên lửa HIMARS Ukraine là mục tiêu khó khăn nhất'
Tên lửa HIMARS Ukraine đang gây ra những cơn ác mộng tồi tệ nhất cho lực lượng phòng không nói riêng cũng như binh sĩ Nga nói chung.
Một sĩ quan thuộc lực lượng phòng không Nga trong cuộc trò chuyện với hãng thông tấn RIA Novosti đã mô tả về việc đối phó với tên lửa HIMARS Ukraine khó khăn như thế nào.
Theo đề nghị của nguồn cung cấp tin, tờ báo Nga không tiết lộ danh tính của người đối thoại, chỉ ghi một cách chung chung là "sĩ quan", tuy nhiên cách gọi có thể hé lộ vị trí của quân nhân này ít nhất cũng là một khẩu đội trưởng.
Theo vị sĩ quan Nga, các trắc thủ vận hành hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3 của quân đội nước này được triển khai ở Ukraine đang phải nỗ lực tìm cách bắn hạ tên lửa M30 / M31 của Mỹ mà hệ thống M142 HIMARS bắn ra.
“Bên cạnh việc thực hiện thành công các nhiệm vụ và đặc điểm thiết kế do nhà máy đặt ra, Buk-M3 còn phải học cách bắn hạ tên lửa, mặc dù điều này không đúng với tính năng nguyên bản của nó”, sĩ quan giấu tên cho biết.
Người sĩ quan này tuyên bố rằng đích thân anh ta đã bắn hạ một tên lửa MLRS HIMARS trên bầu trời Donbass. Nhưng anh ta thừa nhận rằng vũ khí này của Mỹ là một thách thức nghiêm trọng đối với các trắc thủ phòng không Nga.
“Mục tiêu khó khăn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là tên lửa HIMARS. Những quả đạn này bay ở độ cao rất cao. Ít nhất chúng tôi cũng phát hiện được rằng chúng bay ở độ cao tới 22 nghìn mét".
"Khó khăn nằm ở chỗ tầm bắn của Buk-M3 với loại mục tiêu như vậy khá ngắn và thời gian đưa ra quyết định là rất ít. Các kíp chiến đấu của chúng tôi đã anh dũng đương đầu với nhiệm vụ, nghĩa là quyết định phải đưa ra trong vòng 10 giây".
"Diện tích phản xạ radar hiệu dụng của những quả đạn này là rất nhỏ, gần như bằng không. Do đó mục tiêu được coi là 'gần như tàng hình' và có tốc độ cao”, nguồn tin của RIA Novosti cho biết.
Sĩ quan này nói thêm Buk-M3 đối phó thành công hơn nhiều với các loại tên lửa theo thiết kế của Liên Xô. Lấy ví dụ, tại Donbas, Buk-M3 đã đánh chặn thành công và bắn hạ khoảng 95% số tên lửa Tochka-U do Quân đội Ukraine bắn đi.
Buk-M3 là hệ thống phòng không di động của Nga, nó là biến thể mới nhất thuộc gia đình Buk (cây sồi). Tổ hợp Buk có từ năm 1972, đến năm 1980, Buk-M1 được đưa vào trang bị và kể từ đó cho đến nay, chúng liên tục được cải tiến, nâng cấp và có các phiên bản mới.
Ít nhất 17 quốc gia trên thế giới đang vận hành hệ thống phòng không này, chủ yếu là các phiên bản Buk-M1 và Buk-M2, ngoài ra Lực lượng vũ trang Ukraine cũng có hệ thống Buk trong biên chế.
Buk-M3 có khả năng đối phó đồng thời 36 mục tiêu, nó phóng tên lửa 9M317M. Tên lửa này có trọng lượng 720 kg và tầm hoạt động trong khoảng 3 đến 70 km, nó có thể vươn tới độ cao tối đa 25 km.
Tên lửa 9M317M bay với tốc độ Mach 4,6 hoặc 1.550 m/s với khả năng chịu quá tải ở mức cao. Đầu đạn của tên lửa là loại phân mảnh [frag-HE], tức là nó tiêu diệt mục tiêu tấn công đường không thông qua một cơn mưa mảnh đạn.
Tổ hợp Buk-M3 có thể phóng tên lửa liên tục hai giây một lần. Đạn đánh chặn sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, cập nhật thông số mục tiêu trong pha giữa và bật đầu dò radar bán chủ động khi tiến hành công kích mục tiêu.
Việc sử dụng hệ thống pháo HIMARS để gây sát thương mà không phá hủy cơ sở hạ tầng là một thách thức với quân đội Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]